pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gian nan chuyện đòi lại tiền khi chuyển khoản nhầm
Đòi lại tiền chuyển khoản nhầm: Khó như mò trăng đáy nước
Giữa tháng 7/2023, chị N.L.K (23 tuổi ở TPHCM) đã gửi nhầm 20 triệu đồng vào số tài khoản của người khác. Theo đó, thông qua ứng dụng ngân hàng số CAKE, chị K. định chuyển 20 triệu đồng từ ngân hàng Quân đội (MB) sang số tài khoản của chị thuộc ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VP) để gửi tiết kiệm. Số tài khoản thuộc hai ngân hàng cũng chính là số điện thoại mà chị K. đang sử dụng. Tuy nhiên, do gõ nhầm số tài khoản nên vô tình chuyển khoản nhầm 20 triệu đồng cho một người tên là Nguyễn Văn Trung.
Giao dịch thành công, tài khoản của chị K. đã bị trừ tiền nhưng không thấy tiền trong sổ tiết kiệm của mình ở ngân hàng kia. Ngay lập tức, chị K. đã liên hệ với Trung theo số tài khoản (đồng thời là số điện thoại) để nhờ Trung gửi lại tiền. Nhưng qua nhiều lần "năn nỉ", Trung vẫn nhất quyết không gửi lại tiền. Trung cho rằng chị K. lừa đảo và chặn số chị K. gọi đến.
Chị K. đã ra ngân hàng MB để làm việc lẫn in sao kê. Đồng thời, chị K. đã đến cơ quan công an để trình báo vụ việc nhưng công an yêu cầu chị phải biết địa chỉ thường trú của Trung. Chị K. tiếp tục ra ngân hàng VP nhưng bên phía ngân hàng giải thích "không thể tiết lộ thông tin của khách hàng".
Được sự tư vấn của luật sư, người quen, chị K. đã đăng tin tìm kiếm địa chỉ của Trung trên các trang mạng xã hội và gửi đơn đề nghị hỗ trợ thu hồi tiền giao dịch do chuyển sai tài khoản đến ngân hàng VP.
"Hơn hai tháng kể từ ngày chuyển khoản nhầm 20 triệu đồng đã trôi qua, tôi mất ăn mất ngủ vì không biết có lấy lại được 20 triệu đồng không. Tôi biết đây là sơ suất rất lớn của mình, tôi đi làm dành dụm mãi mới có được khoản tiền này mà bây giờ mọi chuyện xảy ra như vậy…", chị K. bật khóc.
Giống như chị K., chị C.K.D (20 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cũng từng mất trắng 1,8 triệu đồng vì sơ suất chuyển khoản nhầm. Chị D. kể lại: "Mình cũng ra ngân hàng làm việc và bên ngân hàng xác nhận bên kia đã nhận được tiền mình chuyển nhầm. Đồng thời, ngân hàng cũng hỗ trợ mình liên hệ với người nhận tiền để xin lại. Nhưng bên phía nhận được tiền chuyển nhầm viện đủ lý do như không biết chuyển tiền, bận nên không ra được ngân hàng... Thời gian giải quyết kéo dài lâu khiến tinh thần mình bị ảnh hưởng nên người nhà động viên mình bỏ luôn số tiền đó".
Làm gì nếu chẳng may chuyển khoản nhầm?
Luật pháp đã có chế tài đối với những trường hợp cố tình chiếm đoạt tài sản của người khác. Trên thực tế, cơ quan điều tra cũng đã từng khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhiều trường hợp cố tình không trả lại tài sản do người khác chuyển khoản nhầm. Mới đây nhất, ngày 13/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can Trương Đức Thanh (SN 1996, trú tại thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) về hành vi cố tình không trả lại hơn 170 triệu đồng do một phụ nữ ở Lạng Sơn chuyển khoản nhầm.
Mặc dù có đủ quy định và chế tài xử lý đối với hành vi không chịu trả tiền cho người chuyển khoản nhầm nhưng thực tế để đi đòi lại tiền khi đã chuyển khoản nhầm là một hành trình rất vất vả. Do đó, với những người chuyển khoản nhầm với số tiền không lớn thì đã số chọn cách bỏ qua.
Luật sư Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tia Sáng - cho biết, trên thực tế không phải toàn bộ các chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm đều hợp tác trong việc hoàn trả tiền.
Nếu chủ tài khoản chuyển tiền nhầm đến tài khoản khác trong cùng hệ thống Ngân hàng, Chủ tài khoản cần ngay lập tức liên hệ với Ngân hàng quản lý tài khoản để đề nghị hỗ trợ liên hệ với chủ tài khoản nhận tiền nhầm.
Nếu chuyển khoản nhầm đến ngân hàng khác hệ thống, chủ tài khoản cần ngay lập tức liên hệ với Ngân hàng quản lý tài khoản của mình và Ngân hàng quản lý tài khoản nhận tiền nhầm để đề nghị hỗ trợ.
Một số Ngân hàng sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin chủ tài khoản nhận tiền nhầm, nhưng một số khác sẽ không đồng ý cung cấp thông tin khách hàng. Trong trường hợp có thông tin của chủ tài khoản thụ hưởng, người chuyển nhầm sẽ liên hệ làm việc để đề nghị nhận lại số tiền được chuyển nhầm.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Như vậy, khi thực hiện chuyển tiền nhầm, Chủ tài khoản có quyền trình báo với Cơ quan điều tra nơi mở tài khoản Ngân hàng để đề nghị hỗ trợ.
Nếu người chuyển khoản nhầm không liên lạc được hoặc liên hệ được nhưng không nhận được sự hợp tác từ chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm thì người chuyển nhầm cần trình báo đến Cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan công an đề nghị hỗ trợ giải quyết.
Ngoài ra, chủ tài khoản cần dùng mọi biện pháp hợp pháp để tìm được thông tin của người đã nhận tiền. Chủ tài khoản có thể sử dụng các mạng xã hội để đăng tin, hoặc có thể liên hệ với các cơ quan truyền thông, báo chí để đăng thông báo, tìm kiếm đối với người nhận tiền.
Khi đã liên hệ được với người nhận tiền chuyển nhầm nhưng người này không hợp tác, không trả lại tiền thì có dấu hiệu cố tình chiếm đoạt số tiền đã nhận. Trong trường hợp này, người chiếm đoạt có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
"Để tránh rủi ro và hạn chế tối đa việc chuyển khoản nhầm, khi thực hiện chuyển khoản, người chuyển cần kiểm tra kỹ thông tin của người nhận tiền. Trường hợp không may chuyển khoản nhầm cần liên hệ ngay với Ngân hàng để được hỗ trợ giải quyết, trình báo với cơ quan có thẩm quyền để được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật", Luật sư Bích Ngọc nhấn mạnh.
Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Căn cứ Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017):
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm."