Gian nan hành trình tìm âm thanh cho con

22/09/2016 - 07:08
Người mẹ ấy kể rằng là phụ huynh có con khiếm thính có niềm vui ngược đời lắm! Nghe con cãi mẹ một câu mà thấy tim rộn ràng!
Để tìm âm thanh cho con, chị Thanh Hương đã phải vượt qua nhiều "ngọn núi"

Khi nghe tin bác sĩ  kết luận tai phải của con gái mất hoàn toàn khả năng nghe, chị Chử Thị Thanh Hương (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) có cảm giác như tim bị bóp nghẹn. “Thực sự lúc ấy mình không thể diễn đạt được cảm xúc. Nó giống như mình vượt qua một ngọn núi và lại thấy một ngọn núi khác to hơn…”, chị Thanh Hương chia sẻ.

Hồng Anh, con gái chị tròn 10 tuổi cũng là chừng ấy thời gian chị song hành bên con. 10 năm với 4 lần nghỉ việc để cùng con đi từ Bắc vào Nam, sang tận Singapore để tìm chút ánh sáng le lói của nền y học, rằng con sẽ phục hồi khả năng nghe.

Chị Thanh Hương cho biết: “Hồng Anh không phải bị điếc bẩm sinh. Vì cháu sinh ra ốm yếu, điều trị thuốc sai nên ảnh hưởng đến thính lực. Ở Việt Nam, bác sĩ bảo có thể hồi phục nhưng khi sang Singapore họ bảo là không thể, phải cấy ốc tai điện tử cho con. Lúc ấy mình vỡ tan hy vọng...”.

Hạnh phúc của người mẹ chỉ là những điều đơn giản như thế này

Thời điểm đó, thông tin về trẻ khiếm thính vô cùng ít ỏi, những tư vấn của bác sĩ trong nước cũng chưa thật đầy đủ. Chị chẳng biết bấu víu vào ai, chỉ biết đơn độc một mình đi tìm câu trả lời. “Bác sĩ bên Singapore nói là cần cấy ốc tai, đeo máy trợ thính không giải quyết được gì vì cháu đã qua 5 tuổi, cái tuổi phát triển ngôn ngữ. Lúc ấy tôi tiếc lắm, giá như tôi biết sớm hơn...”, chị Thanh Hương chia sẻ.

Lắp ốc tai điện tử cho con, chị Thanh Hương lại bước vào một thử thách mới là giúp con học ngôn ngữ từ đầu. Chị xin nghỉ việc để đưa con vào TP. HCM trị liệu ngôn ngữ. Học cùng con, nắm chặt tay con đi qua bao giông bão… nước mắt chị rơi nhiều lắm... cũng chỉ để chờ mong ngày con gọi 2 tiếng “Mẹ ơi”!

Chị kể rằng, phụ huynh có con khiếm thính có niềm vui ngược đời lắm! Nghe con cãi mẹ một câu mà thấy tim rộn ràng “Ồ con đã nói được!”. Vậy nên, đau đớn nhất cũng là lúc con không thể hiện được suy nghĩ bằng lời nói. “Cháu không nói được, không thể hiện được nên nhiều khi rất bướng… Những lúc áp lực quá mình đã cáu với con, nghĩ lại thấy thương con, đấy không phải là lỗi của con”, chị Thanh Hương ngậm ngùi.

Thế nên, chỉ cần nhìn con cười, con có thể trả lời câu hỏi của người đối diện là chị Hương vui lắm. Dẫu chẳng biết phía trước, thử thách nào còn đợi chị nữa, nhưng giờ đây, người mẹ ấy đã có một khái niệm hạnh phúc của riêng mình.

Cái nấc nghẹn của chị, bàn tay run lên bám chặt thành ghế... khi kể về những “ngọn núi” chị đã trải qua nên chị thường sợ khi nghĩ lại. Hồng Anh giờ đã học lớp 4 trường Nguyễn Đình Chiểu, em thích vẽ, thích học bài cùng mẹ... dù rằng việc phát âm tròn vành rõ tiếng vẫn là một khó khăn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm