pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giàn trầu nhà ngoại
Ảnh minh họa
Khi về già, những chiếc răng của bà đã được nước trầu và màu thời gian nhuộm cho đen nhánh. Bà không còn tự nhai trầu được nữa mà dùng cối để giã cho miếng trầu mềm ra, rồi cho vào miệng nhai bỏm bẻm, rất hiền từ.
Mỗi lần ghé nhà bà ngoại, tôi thường lục lọi khay trầu của bà. Trong cái khay ấy, có chiếc gối giã trầu nhỏ bằng ống thuốc, một cái chày bé bằng nửa ngón tay, được mài cho nhọn để đâm trầu, một túi cau đươc phơi khô để dự trữ ăn vào những ngày mưa gió, một gói thuốc lào, một ống vôi, một cục rễ chay.
Tất cả những thứ đó, với bà ngoại tôi, dường như là vật bất ly thân, được bà để gần tầm tay với, ngay trên đầu giường. Khi muốn ăn trầu, bà lấy một miếng cau, nửa lá trầu, một tí rễ, thêm chút vôi và thuốc lào, bỏ vào cái cối sắt be bé ấy, đâm ra cho mềm rồi cho vào miệng nhai bỏm bẻm. Ngồi gần bà, có thể cảm nhận được mùi nồng nồng, chan chát của trầu.
Cũng vì thói quen ăn trầu ấy của bà mà phía sau nhà bà là một giàn trầu xanh mướt. Cây trầu dẻo dai và mạnh mẽ, bám chắc vào thân tường gạch đã ngả màu rêu phong. Mỗi mắt trên thân cây là một lá trầu, xanh non, xanh sẫm rồi úa vàng theo thời gian.
Giàn trầu sau nhà bà tôi tươi tốt nhất làng. Mỗi khi trong làng có nhà ai đám cưới, người ta lại ngỏ ý xin những lá trầu đẹp trên giàn trầu của bà. Lưng đã còng, mắt kém đi nhưng bà chống gậy ra tận nơi, tự tay chọn những lá trầu đẹp, tỉ mẩn ngồi xếp thành bó rồi dùng dây chuối đã ngâm nước, buộc lại cho người ta.
Vào những dịp lễ trong làng, đám tang, có giỗ chạp… bà tôi cũng tự tay cắt trầu để biếu. Người làng tôi quan niệm, nếu người hái trầu không khéo, có thể hỏng cả giàn trầu. Cứ sau mỗi lần bà cắt lá, chỉ cần một trận mưa rào, những mầm mắt trầu lại sống dậy, chẳng mấy chốc mà um tùm, phủ một màu xanh lên tường gạch.
Giàn trầu sau nhà bà ngoại là nơi tôi và vài đứa bạn hàng xóm bày biện nhiều trò chơi thời thơ bé. Những lá trầu xanh, trầu vàng trở thành tiền của cô bán hàng, khi thì được cắt ra, têm thành miếng trầu cánh phượng trao cho chàng hoàng tử sún răng nhà hàng xóm...
Có lần tụi tôi bắt chước ngoại, lấy trộm rễ và thuốc lào để ăn trầu. Tôi nhai ngồm ngoàm và nhổ ra thứ nước cay xè, đỏ au. Nhưng không hiểu sao, mấy chục phút sau, mặt nóng phừng phừng và đầu lâng lâng. Đó là cảm giác say trầu.
Biết chuyện, ngoại không mắng, chỉ cốc nhẹ vào đầu tôi: "Cha bố cô, đã già đâu mà học ăn trầu". Rồi có những lúc dỗi hờn, tôi vẫn lủi ra sau nhà, ngồi dưới giàn trầu mà tỉ tê, không biết ngoại đã đứng sau lưng tự lúc nào. Ngoại khẽ khàng bước lại, ôm tôi vào lòng vỗ về, cảm giác thật bình yên.
Về thăm vườn khi ngoại không còn, tôi vẫn lục lọi được bộ cối chày ăn trầu đã hoen màu thời gian. Có một điều lạ là ngoại đi rồi, giàn trầu thêm tuổi lại càng thêm xanh lá.
Tôi lặng lẽ ra vườn, ngắt một lá trầu nếp đang độ xanh giòn, ngâm một miếng cau, một chút rễ, bỏ vào cái cối bé tí giã giã rồi cho vào miệng. Vị cay nồng xông lên tận mũi. Nhưng không hiểu sao tôi thấy ngon và ấm áp lạ lùng.