'Giang hồ mạng' Khá Bảnh và sự lệch lạc thần tượng

06/04/2019 - 07:36
Khá Bảnh đã khóc cho những hành vi sai trái của anh ta nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những thiếu hụt trong nhân cách của giới trẻ khi mà xét đến cùng, lỗi cũng không phải xuất phát từ chính họ?

Trong ngày đầu tháng 4, “thần tượng” của một bộ phận giới trẻ một lần nữa đã xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng lần này khác với hình ảnh thông thường một “tay chơi” đầu đội trời chân đạp đất, Khá Bảnh đã khóc ngon lành và tự nhận mình sai.

Trong suốt một thời gian dài, thanh niên mới lớn này đã không ít lần gây bão trên mạng xã hội và công bằng mà nói, đã chiếm được một vị trí đáng kể trong giới trẻ bằng những lời nói, hành động phá phách, thậm chí là thiếu văn hóa, tục tĩu, ngông nghênh, theo lối sống thác loạn.

Điều đáng nói là những hành động đó lại được một bộ phận giới trẻ chấp nhận, hơn thế nữa, một số còn hâm mộ. Minh chứng rõ nhất là số lượng những người dùng mạng xã hội đã theo dõi, like và chia sẻ những gì đăng tải trên tài khoản của thanh niên bất hảo này lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt.

Cũng cần khẳng định rằng, với số lượng hơn 2 triệu người theo dõi, chắc chắn rất nhiều trong số đó vẫn là những “con ngoan, trò giỏi” hay đơn giản là những người trẻ vẫn có cuộc sống hết sức bình thường. Nhưng ít nhiều họ đồng tình, chấp nhận những gì mà thanh niên này đang làm.

 

kb.jpg
''Giang hồ mạng'' Khá Bảnh khóc và nhận lỗi tại cơ quan điều tra

 

Tuổi trẻ, tuổi mới lớn là những người dư thừa năng lượng, ham khám phá và ít nhiều hứng thú với những gì “phá cách”, nổi loạn, thích khẳng định mình và luôn muốn vượt ra khỏi những khuôn mẫu thường ngày. Tuy nhiên, việc chấp nhận, thậm chí “thần tượng” một thanh niên với những hành động thô tục, có những hành vi vi phạm pháp luật thì mọi chuyện dường như đã đi quá giới hạn.

Cũng khá bất ngờ khi điệu “múa quạt” gắn liền với tên tuổi của gã giang hồ mới lớn này có sức lan tỏa khá lớn, đến mức trong cuộc thi kiến thức, trí tuệ của học sinh, cuộc thi đường lên đỉnh Olimpia, đã hơn 1 lần các thí sinh đã biểu diễn lại điệu múa này.

Tất nhiên, điệu múa đó không có lỗi, người thực hiện nó cũng không đồng nghĩa là fan hâm mộ của Khá Bảnh. Nhưng ngược lại ở mức độ nào đó, chúng ta cũng không khỏi giật mình khi cùng với mạng xã hội, sức lan tỏa ảnh hưởng của một cá nhân nào đó là rất lớn, nhất là khi cá nhân đó, về cơ bản đang cổ súy cho lối sống bừa bãi và thấp kém về tầm văn hóa, cũng như ý thức chấp hành pháp luật. Chúng ta không khỏi giật mình khi con em mình đang ở rất gần với những “biểu tượng” của lối sống lệch chuẩn, bởi ranh giới giữa việc thích một điệu múa quạt và thích cả con người Khá Bảnh của những cô cậu học sinh thật mong manh.

Chính vì vậy, trên mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh Khá Bảnh xuất hiện ở một trường học và ở đó các em học sinh đã nồng nhiệt chào đón và tranh nhau để được chụp ảnh cùng “thần tượng”.

Ở một giác độ khác, cũng phải thừa nhận rằng, trong xã hội hôm nay còn quá thiếu những “thần tượng” tích cực, gương mẫu và thực sự sinh động gần gũi để giới trẻ có yêu thích và học tập. Điều đó có thể có nhiều nguyên nhân từ chính thực tế đời sống hoặc từ việc tuyên truyền, thậm chí là tạo dựng những hình ảnh sao cho thật gần gũi với giới trẻ.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, những giang hồ mạng xã hội như Khá Bảnh sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hành vi vi phạm pháp luật, những kênh youtobe chứa nội dung bạo lực sẽ bị dẹp bỏ. Tuy nhiên, điều đáng nói không phải ở những “tay chơi” này mà chính là ở sự thiếu vắng của những hình mẫu những “thần tượng” có tính tích cực có thể thu hút giới trẻ hôm nay.

Khá Bảnh đã khóc cho những hành vi sai trái của anh ta nhưng ai sẽ là người nhận lỗi cho những thiếu hụt trong nhân cách của giới trẻ khi mà xét cho đến cùng, lỗi cũng không phải xuất phát từ chính họ?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm