Chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam, PGS. Văn Như Cương nói, dùng từ thay đổi “xoành xoạch” trong quy chế thi THPT Quốc gia mà nhiều phụ huynh than thở, quả không sai.
Theo ông, một kế hoạch, nhất là với ngành giáo dục, thì mỗi năm phải có kế hoạch từ đầu năm học: Năm nay làm gì, thi thế nào, thi theo hình thức nào?... Trong quá trình thực hiện, có gì phát sinh thì có thể có một vài thay đổi nhỏ để hoàn thiện kế hoạch.
Nhà giáo Văn Như Cương trăn trở nhiều về những thay đổi thiếu nhất quán của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT Quốc gia |
“Thế nhưng, Bộ GD&ĐT lại làm ngược hoàn toàn. Ví dụ việc đưa ra những quyết sách lớn về kỳ thi quan trọng nhưng lại tiền hậu bất nhất. Thậm chí có quyết sách lớn, nhưng thường chỉ thực hiện được một lần rồi lại thay đổi, thậm chí có những quyết sách chưa thực hiện đã vội thay đổi!”- nhà giáo Văn Như Cương nói.
Những lúng túng điển hình được PGS. Văn Như Cương đưa ra là trước tết Nguyên đán, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo quy chế thi với ý định không công khai đề thi, đáp án. “Tôi vẫn nhớ lúc đó, ông Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra lý do có vẻ rất xác đáng như là bảo mật đề thi, thì ngay sau tết, vị này tuyên bố với báo chí là vẫn công khai đề thi, đáp án! Ta nên hiểu như thế nào về những giải thích trước đó của ông Thứ trưởng?”- thầy Cương chia sẻ.
Một dẫn chứng khác, theo dự thảo công bố ngày 16/12/2016, Bộ sẽ bỏ điểm sàn đối với tuyển sinh đại học. Song đến cuối tháng 1/2017, Bộ lại chốt phương án không bỏ điểm sàn, khiến học sinh, phụ huynh lại thêm một phen “thót tim”.
Không riêng năm 2017, những năm trước, Bộ GD&ĐT cũng nhiều lần đưa ra các quyết sách rồi thay đổi ngay như: Dứt khoát mỗi tỉnh, thành phố phải có hai điểm thi rồi năm sau lại bỏ, thang điểm bài thi từ thang 10 “nhảy” lên thang 20, rồi lại quay về thang 10…
“Tất cả những điều này cho thấy, đổi mới theo cách Bộ GD&ĐT đang làm đúng ra chỉ là đổi khác mà thôi. Đổi khác một cách bao biện, lôi thôi và buồn cười”- PGS Văn Như Cương nói.
Thí sinh liên tục lo lắng, hoang mang trước mọi thay đổi của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT Quốc gia - Ảnh: D.H. |
Là một người có tâm huyết với giáo dục nước nhà, PGS. Văn Như Cương rất lo lắng khi cho rằng sẽ rất bất ổn nếu đổi mới theo cách thiếu lập trường và thiếu tính bền vững này.
“Đổi mới giáo dục là cần thiết, là sống còn, nhưng không phải là đổi khác. Đổi mới phải là bền vững chứ không phải bất nhất, nhất thời. Một quyết định đưa ra phải duy trì ít nhất được từ 2-3 năm mới thấy mặt tốt, chưa tốt chứ không phải năm nào cũng đổi.
Một cấp học THPT là 3 năm thì ít nhất phải có 3 năm để thực thi, từ khi học sinh vào lớp 10, chứ không phải là đến cuối học kỳ I lớp 12 thì mới chốt, đã thế còn chốt đi, chốt lại.
Nếu cứ đà này, đổi mới giáo dục sẽ ngày càng bộc lộ sự không ổn định, không thể phát triển, không phải vì mục tiêu cuối cùng là người học!”- PGS. Văn Như Cương cho biết.
PGS. Văn Như Cương nói về sự đổi khác liên tục của Bộ GD&ĐT: