Trong khuôn khổ chương trình Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01, tối 27/12, đã diễn ra buổi gặp gỡ, giao lưu với các điển hình tiên tiến chia sẻ cách làm hay, sáng tạo, các mô hình hiệu quả về an ninh trật tự trong việc thực hiện NQLT 01, điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện NQLT01 về quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội giai đoạn 2012-2017.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã đến tham dự chương trình.
Là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến thực hiện NQLT 01, Đại tá Lê Văn Đệ - Phó trưởng công an huyện Ba Tri (Bến Tre) chia sẻ về công tác tái hòa nhập cộng đồng, cảm hóa những người lầm lỡ. Đại tá Đệ chia sẻ câu chuyện khá thú vị xoay quanh một phụ nữ ở địa phương vừa mãn hạn tù về tội Bắt cóc trẻ em. Khi ra tù, người phụ nữ này bị người dân địa phương kỳ thị, xa lánh bởi họ cho rằng việc bắt cóc trẻ con là không còn tình người.
Đứng trước nguy cơ người lầm lỡ khó có cơ hội quay trở về hòa nhập cộng đồng, Đại tá Đệ đã chỉ đạo anh em kết hợp với Hội cơ sở vận động, tuyên truyền giải thích để bà con hiểu rõ, giúp đối tượng có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Cấp Hội cơ sở cũng đã cho người phụ nữ này vay 5 triệu đồng để kinh doanh. Chỉ sau một thời gian, nhờ sự giúp đỡ từ phía công an, các cấp Hội, người phạm tội đã trở lại cuộc sống bình thường, hòa nhập với cộng đồng và xây dựng cuộc sống ổn định.
Câu chuyện mà chị Nguyễn Thị Thanh Hoan, nguyên Chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Châu (Phủ Lý, Hà Nam) chia sẻ lại mang đến một góc nhìn khác. Đó là việc tiếp cận với người gây ra bạo lực gia đình để tuyên truyền, giải thích. Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, chị Hoan cho rằng một mình Hội LHPN thì sẽ không thành công trong việc phòng chống bạo lực gia đình. Vì thế cần phối hợp chặt chẽ với công an địa bàn, cảnh sát khu vực, thành lập mạng lưới hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. “Chúng tôi tự viết kịch bản, biên tập từ những câu chuyện đời thường sau đó sân khấu hóa, cách mới trong tuyên truyền và xây dựng mô hình câu lạc bộ phụ nữ làm dân vận khéo”, chị Hoan chia sẻ.
Cũng tại chương trình này, đã có 67 tập thể và 63 cá nhân điển hình tiên tiến ở các địa phương được nhận bằng khen của Bộ Công an. Ở Trung ương, có 4 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo thực hiện NQLT 01 cũng đã được tôn vinh, tuyên dương. Báo Phụ nữ Việt Nam vinh dự là 1 trong 4 tập thể ở trung ương được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì những thành tích xuất sắc.