Giáo viên mong nhận được tình cảm chân thành từ học sinh, phụ huynh. Ảnh minh họa internet. |
Vào dịp này, giáo viên ở các tỉnh không được nhiều phụ huynh quan tâm như ở thành phố. Không có cảnh phụ huynh “xếp hàng” trước cửa lớp để chúc mừng cô. Tuy nhiên, ở quê, giáo viên lại nhận được tình cảm rất chân thành từ phụ huynh, học sinh.
Tôi nhớ hình ảnh phụ huynh đèo học sinh và một đứa con đến nhà cô chơi. Cuộc chuyện trò của chúng tôi diễn ra rất thân tình. Họ biết ơn sự dạy dỗ của giáo viên dành cho con. Những đứa trẻ lại trở thành những vị khách quý trong nhà. Tôi thường chuẩn bị vài hộp kẹo, hộp bánh để mời những vị khách nhí đáng yêu ấy.
Những phụ huynh có con hiếu động thường cảm thấy áy náy khi con mình mà khiến cô giáo vất vả. Nhiều phụ huynh đến cảm ơn vì nhờ cô mà con nghe lời, học tiến bộ… Nhiều mối quan hệ bền lâu đã xuất phát từ mối quan hệ giáo viên - phụ huynh. Những bó hoa, món quà… dù không có giá trị vật chất nhưng chứa đựng tình cảm, lòng biết ơn chân thành. Chúng tôi nhận quà và cảm thấy được trân trọng, thấy công việc của mình thực sự là nghề đáng quý.
Nhờ tình cảm chân thành, giáo viên cảm thấy yêu hơn công việc "trồng người". Ảnh minh họa internet. |
Việc phụ huynh đưa học sinh đến nhà cũng là cách để cha mẹ giáo dục con lòng biết ơn thầy cô. Cũng vì thế mà học sinh rất yêu quý, tôn trọng cô giáo. Nhiều học sinh dù giờ đã trưởng thành nhưng vẫn dành tình cảm yêu quý, gửi lời chúc tới cô giáo đã đồng hành cùng mình trong những ngày đầu tiên đến trường.
Ở các thành phố lớn, phụ huynh quan tâm đến giáo viên hơn ở quê rất nhiều. Nhưng, có không ít người tặng quà cho cô mà không khác gì... “của bố thí” với cách nói kẻ cả, ban ơn. Nhận những món quà ấy khiến chúng tôi thấy chạnh lòng bởi chúng tôi khao khát nhận được tình cảm xuất phát từ trái tim phụ huynh, học sinh. Có thể chỉ cần một gói kẹo, gói trà hay túi măng khô… của phụ huynh khi đi công tác xa về cũng khiến chúng tôi thấy ấm áp.