Giáo viên 'phía sau' của những học trò vài ba năm một lớp

22/03/2018 - 17:31
Thầm lặng đồng hành, giúp học trò sau mỗi ngày tới trường. Họ là giáo viên dạy trẻ đặc biệt, phải chuẩn bị tâm lý dạy đi dạy lại trẻ chỉ một, hai con chữ trong nhiều tháng trời mà trẻ vẫn chưa thuộc.

Cô giáo Lê Thị Ánh kiên trì bên học trò nhỏ - Ảnh: NVCC

Vui khi học trò chịu học

Học sinh của cô giáo Lê Thị Ánh, quê Hà Nam là bé M., gần 6 tuổi. M có dấu hiệu của tự kỷ điển hình và M đã được can thiệp tích cực mỗi ngày khi mới 20 tháng tuổi. “A, a… chữ a đâu? Con chỉ cho cô chữ A!”, “Đúng rồi, chữ ô đâu, ô đâu?”, “Con nói đi, ô, ô, ô”…  Bé M. cố gắng làm theo cô, mỗi lần làm đúng lại được cô tán thưởng.

Từ chỗ không biết nói, không biết chỉ tay, mắt không nhìn vào người đối diện, nay, M. đã giảm thiểu được nhiều hành vi, có thể trả lời những câu đơn giản, biết thể hiện nhu cầu bản thân bằng ngôn ngữ nói. Nhiều tháng nay, cô Ánh đã dạy M. làm quen với mặt chữ, con số, tập ghép một số âm, vần để M. chuẩn bị vào lớp 1.

Với nhiều trẻ, việc đến tuổi đi học lớp 1 là bình thường, nhưng, với các bé đặc biệt, đây lại là nấc thang vô cùng ý nghĩa. Đó còn là kết tinh của những tháng ngày nỗ lực can thiệp vô cùng kiên trì, bài bản… của các cô giáo.

Cô Trần Ngọc Diệp, người đã có hàng chục năm phục hồi chức năng cho trẻ đặc biệt chia sẻ, nhiều trẻ được cha mẹ đưa đến gặp cô với cùng một triệu chứng ban đầu là chậm nói. Tuy nhiên, mỗi bé chậm nói lại do nhiều nguyên nhân khác nhau, với các mức độ thương tổn khác nhau. Nếu trẻ chỉ chậm nói nhưng trí tuệ phát triển bình thường thì chỉ sau một thời gian ngắn can thiệp là bình phục và có thể đi học mẫu giáo, vào lớp 1… như mọi trẻ khác. 

Nhưng, chậm nói, nói ngọng kèm với chậm phát triển trí tuệ, bại não, tự kỷ… thì để có thể đạt được mục tiêu đi học hòa nhập, việc can thiệp sẽ gian nan, lâu dài hơn rất nhiều. Như bé G., lúc đầu gia đình muốn nhờ các cô giáo can thiệp để đủ điều kiện năm sau vào lớp 1. Nhưng, qua thăm khám, tình trạng bệnh của bé nặng, lại lỡ mất giai đoạn can thiệp vàng nên cô đã chuẩn bị tinh thần cho phụ huynh, bé chưa thể đi học được ngay. Quả nhiên, sau 4 năm điều trị tích cực, bé mới đủ khả năng đi học hòa nhập.  

“Tất nhiên, với các trẻ đặc biệt, mục tiêu đi học là để hòa nhập là chính vì khả năng nhận thức của các bé sẽ hạn chế hơn bạn bè. Có bé sẽ phải học lại vài ba năm một lớp. Nhưng, chỉ cần các bé “chịu học” cũng đã là vui rồi”- cô Diệp chia sẻ.

Cô Diệp cho biết: Mỗi khi một học sinh của mình vào lớp 1, cô hồi hộp, lo lắng lắm. Cô luôn tự hỏi liệu các bé có biết cách hòa nhập không, có chịu ngồi yên trong lớp không, có biết tương tác với bạn không và có hiểu (có thể chỉ là một phần) lời cô giáo giảng không? Khi câu trả lời là có thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ.

Nghề của những người yêu trẻ

Cô Ánh tâm sự: Ai không yêu nghề, yêu trẻ thì sẽ không thể làm được nghề này. Bởi, các cô giáo sẽ phải chuẩn bị tâm lý dạy đi dạy lại trẻ chỉ một, hai con chữ trong nhiều tháng trời mà trẻ vẫn chưa thuộc. Hay là cô giáo thì dạy còn trẻ lại khó lơ chỗ khác, hoặc là tự nói một mình. Có cả những bé không kiềm chế được hành vi, còn lao vào tát, cấu, véo, la hét lại cô giáo. Nhẹ hơn là bé sẵn sàng vứt giáo cụ của cô xuống đất, ném thẻ chữ để chống đối.

Một tiết dạy của cô giáo với trẻ đặc biệt không nhẹ nhàng, yên ả như với trẻ bình thường. Các cô sẽ phải đọc đi đọc lại thật to hàng chục lần một từ nào đó cho trẻ nghe và buộc trẻ nhắc lại, hay là liên tục phải thay đổi nội dung, vừa học, vừa chơi, vừa dỗ dành, lúc cương, lúc nhu để không làm trẻ chán.

Đó cũng là lý do vì sao, phần lớn các cô giáo can thiệp hiện nay đều có tuổi đời trẻ, độc thân. Bởi như vậy thì các cô mới có đủ sức khỏe và có nhiều thời gian để dạy trẻ. Ngay cả khi trẻ đã đủ điều kiện vào lớp 1, thì quá trình can thiệp của các cô cũng không chấm dứt mà chuyển sang giai đoạn mới. Đó là cô không chỉ tiếp tục dạy con kỹ năng hòa nhập, mà còn trở thành gia sư cho con. Các cô sẽ vừa dạy can thiệp, vừa kiểm tra bài học ban ngày ở lớp cho các bé.

“Nhiều bé tự kỷ chỉ hiểu được nghĩa đen, các câu mệnh lệnh ngắn gọn nhưng không hiểu được cách diễn đạt dài, nghĩa bóng trong các bài văn, toán đố. Do đó, nhiều khi cô giáo can thiệp lại phải dạy cho các em học lại bài trên lớp, hướng dẫn các em bài hôm sau, âm thầm và kiên trì như một gia sư tận tụy của các bé trong suốt cả năm học.

Đến nay, cô Diệp tự hào vì đã có nhiều học sinh đi học hòa nhập thành công. Như có học sinh, học cô từ năm 3 tuổi, đến  nay đã bước vào lớp 8. Tuy nhiên, cũng có những bé hiệu quả đạt được rất thấp, cơ hội được đón ngày khai giảng cùng các bạn gần như không có.

“Nếu được can thiệp trước 3 tuổi, cơ hội phục hồi rất cao nhưng từ trên 6 tuổi thì khả năng này thấp dần. Cá biệt, có trường hợp bại não lại can thiệp quá muộn hiệu quả gần như bằng 0”. Đó là lý do vì sao, cô Diệp luôn mong các cha mẹ khi phát hiện con có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, đừng chần chừ mà nên đưa con đi thăm khám trước khi quá muộn”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm