Theo cô Hồng Hoa, lần đầu tiên trong lịch sử, môn Giáo dục công dân được là một môn thi, lại thuộc kỳ thi có quy mô nên bản thân cô rất hồi hộp chờ đề thi minh họa. Nhận và xem đề, cô tấm tắc khen đề hay, nhưng khá khó. Đề thi trải dài cả chương trình học lớp 12, nhiều câu hỏi rất thiết thực. Nếu tôi làm bài thì thấy câu hỏi hay. Thế nhưng nhiều câu khó nên ngay cả giáo viên trẻ chưa chắc đã làm được hết đề này!
Lý giải cho độ khó của đề, theo cô Hoa, nội dung về các luật trong sách giáo khoa lớp 12 rất sơ lược. Trong khi đó, thời gian học môn này 1 tiết/tuần là quá ít. Với chừng đó thời gian, giáo viên khó xoay sở để có thể nói sâu về kiến thức, chỉ đủ để lược qua. Cô lấy thí dụ, những khái niệm về “quyền tác giả” hay “quyền sở hữu công nghiệp” trong đề thi thuộc bộ luật Dân sự nhưng sách giáo khoa hầu như không đề cập đến. Hoặc về vi phạm dân sự, nếu không được học kỹ, học sinh khó có thể phân biệt được các hình thức vi phạm.
“Chúng tôi đành xác định học và dạy theo kiểu “chạy” theo thi! Vẫn chừng ấy tiết học nhưng để đáp ứng được yêu cầu thi, điều này trông cả vào tâm huyết, kinh nghiệm của giáo viên!” - cô Lê Thị Hồng Hoa chia sẻ.
Học sinh băn khoăn nhiều về đề thi GDCD kỳ thi THPT Quốc gia 2017. |
Một giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân ở TP. Đồng Hới (Quảng Bình) cho hay, lâu nay giáo viên đều nghĩ môn học này sẽ không thi nên thường cho học sinh lớp 12 học nhẹ nhàng, không bắt các em làm bài tập để ưu tiên thời gian cho các môn liên quan đến thi cử. Nhưng trở thành môn thi, với cô và trò là cả vấn đề lớn. “Kiến thức của môn đa phần là luật, rất trừu tượng và nặng về lý thuyết, học sinh sẽ vất vả hơn. Có những câu ngoài nắm chắc kiến thức, buộc học sinh phải hiểu rõ luật và cách áp dụng để làm được bài” - giáo viên này nói.
Chính bởi tâm lý “học chơi, thi thật”, học sinh khi đọc đề thi minh họa đều khá “sốc”. Hoàng Diệu Huyền (THPT chuyên Hà Tĩnh) thừa nhận: “Khi học chúng em phải chú ý đến những dẫn chứng thực tế và muốn nhớ, hiểu ngay vấn đề, chúng em phải liên hệ ngay lúc đó. Còn nếu chỉ học lý thuyết mà không vận dụng bằng các bài tập thực tế thì sẽ khó có thể làm được bài bởi đề thi mang tính ứng dụng thực tế nhiều”.
Còn Nguyễn Thị Hằng (trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội) lo lắng: “Kiến thức về luật rất khó nhằn, khó nhớ. Sắp thi rồi nên giờ tụi em cứ cuống cả lên! Đành lên mạng tìm thêm tài liệu, in ra rồi đọc dần vì nếu chỉ học mỗi tuần một tiết ở lớp thì không thể nào đủ để nhớ nội dung bài học một cách kỹ lưỡng”.