Nói về vấn đề bình đẳng giới trong môn Ngữ văn, cô giáo Dương Thị Huệ (giáo viên trường THPT Quốc học Huế) chia sẻ, từ ca dao tục ngữ, phụ nữ xuất hiện là đã nghe thấy tiếng hát than thân.
“Thân em như…” là cấu trúc câu thường gặp khi nói về người phụ nữ xưa để chỉ thân phận thấp bé, nghèo nàn và cực nhọc. “Bánh trôi nước” là một điển hình. Ngay cả dân tộc thiểu số như dân tộc Thái cũng ai oán kêu than “ngẫm thân em không bằng thân con bọ ngựa”, cô Huệ dẫn chứng.
Cô giáo Dương Thị Huệ (thứ 3 từ trái sang) bên những học trò thân yêu. Ảnh FB nhân vật. |
Thân phận thấp bé đã đành, tình yêu với phụ nữ trong áng văn thơ sách giáo khoa Ngữ văn cũng chan chứa những mô tuýp “truyền thống” - thứ tình yêu đầy nước mắt, thiệt thòi.
“Phụ nữ luôn là nạn nhân, luôn bị bắt bạt, quát tháo và coi thường. Vậy nên, Tú Xương mới nức danh với bài “Thương vợ”. Có ai tìm thấy bài thơ nào có tựa đề “thương chồng” không?”, cô Huệ dí dỏm.
“Công bằng mà nói, những mặc định về thân phận thiệt thòi của phụ nữ đã tồn tại từ thời phong kiến, ăn sâu vào tiềm thức. Sự xuất hiện của tác phẩm văn học về điều này cũng dày đặc, đến mức nhiều lúc tôi bị chính điều này lấn lướt mà chưa đặt ra vấn đề về bình đẳng giới lên trên mỗi tác phẩm. Đối với nữ giáo viên, điều này một phần do bản năng”, cô Huệ chia sẻ.
Theo cô, bản thân nhiều nữ giáo viên cũng đang ở trong hoàn cảnh thiệt thòi, thiếu bình đẳng với chồng. Không ít người vất vả lo toan, vừa dạy học vừa làm tròn việc nhà, chăm con… Trong khi chồng họ vẫn lê la đâu đó ở hàng cà phê hay quán bia và họ vẫn chấp nhận điều đó.
Nhiều nữ GV thừa nhận, nhiều tác phẩm trong môn Ngữ văn thấm đẫm sự bất bình đẳng giới. Ảnh: D.H. |
Điển hình nhất, mà kéo dài đến tận giai đoạn văn học hiện đại là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu (SGK Ngữ văn 12). Cô Lê Hằng (giảng viên ĐH Thủ đô) chia sẻ, bản thân cô cũng bị ám ảnh khi phân tích về số phận đáng thương của những người phụ nữ làng chài khi chịu cảnh bạo hành.
“Tôi vẫn dạy và khích lệ sự mạnh mẽ của học trò. Phụ nữ ngày nay cần tự mình thoát khỏi khổ đau, sao cứ phải nặng nề chuyện ly hôn? Mỗi thời một khác, nếu giáo viên ý thức rõ về sự liên hệ trong từng bối cảnh, đẩy mạnh yếu tố bình đẳng giới, tác phẩm truyền đạt đến học trò sẽ thật sự hoàn thiện”, cô Lê Hằng tâm sự.
Nữ giáo viên này cũng cho rằng, cần dung hòa giữa hai yếu tố trong “cuộc cách mạng” về bình đẳng giới trong SGK: Vừa giảm tải số lượng tác phẩm nặng vấn đề bất bình đẳng giới, vừa giữ lại những tác phẩm thật sự nhân văn.
“Chúng ta vẫn rất cần ngợi ca lòng dũng cảm, bất khuất, những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ qua mọi thời kỳ để thấy rằng có được một phụ nữ bình đẳng với đàn ông ngày hôm nay là cả một quá trình đấu tranh mạnh mẽ”, cô giáo Lê Hằng nêu quan điểm.
Một số giáo viên rất ủng hộ phương án được trang bị những khóa học thiết thực về vấn đề bình đẳng giới, nhạy cảm giới và định kiến về giới. Điều này vô cùng cần thiết khi giúp họ ý thức sâu sắc hơn về bình đẳng giới đúng nghĩa, trước khi bắt đầu bài giảng và truyền được tinh thần đó đến đông đảo học trò của mình.
* PGS Mai Văn Hưng (Giám đốc Trung tâm Nhân học và Phát triển trí tuệ, ĐH Quốc gia Hà Nội): Cần đặt vai trò của người phụ nữ trong mối quan hệ hài hòa, đâu là thế mạnh, đâu là điểm yếu chứ không phải là bình đẳng giới một cách máy móc. Người phụ nữ có giới tính nữ nên làm công việc phù hợp với giới tính của họ, đàn ông cũng vậy. Cần hiểu bình đẳng giới trên sự tôn trọng phát triển tâm sinh lý của họ chứ không phải dựa trên cơ sở, cái gì giới này làm được thì giới kia cũng làm được… Có như vậy, quan niệm về giới và bình đẳng giới mới đến được với thế hệ học sinh đầy đủ, để học sinh có cách tiếp cận phù hợp, hài hòa. Theo đó, khoa học và tính bền vững sẽ cao hơn, thay vì chỉ mô tả những hành vi pháp luật về giới của cả nam và nữ. |