Giáo viên xã đảo mong có sữa và bánh mì cho học trò

13/11/2016 - 13:31
Điều kiện dạy học ở xã đảo rất khó khăn nhưng khi nói lên mong muốn của mình, các thầy cô chỉ mong học trò được hỗ trợ tiền học, có thêm phòng học, có thêm sữa, bánh mì để ăn… Họ muốn mời Bộ trưởng Giáo dục về thực tế và chia sẻ với vùng xã đảo.

Sáng nay 13/11 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt các giáo viên tiêu biểu công tác tại các huyện đảo, xã đảo. 37 giáo viên vinh dự đại diện cho các thầy cô giáo đến từ các vùng đảo xa xôi của Tổ quốc có mặt ở Thủ đô thuộc chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức. Đây là một trong những hoạt động tri ân kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

 Thầy Đoàn Văn Kiều chia sẻ câu chuyện của mình tại buổi gặp mặt sáng nay. Ảnh: D.H.

Không khí gặp mặt khá ấm cúng và xúc động khi nhiều thầy cô giáo đã chia sẻ cảm xúc về đời sống dạy và học ở các vùng hải đảo khó khăn. Thầy Đoàn Văn Kiều, giáo viên trường PTCS Sơn Hải (Kiên Lương, Kiên Giang), với 17 năm gắn bó tại đảo cùng học sinh, mong muốn lớn nhất của thầy là học trò của mình được miễn, giảm học phí để có cơ hội vào đất liền tiếp tục học tập.

“Vào đất liền học rất tốn kém, nhiều chi phí ăn ở, đi lại nên chỉ nhà nào khá giả mới có điều kiện cho con tiếp tục học. Học sinh của tôi nhiều em học rất khá nhưng nhà quá khó khăn nên đành ở lại đảo, rất xót xa nhưng đành lực bất tòng tâm! Có dịp nào đó, mời Bộ trưởng về thăm xã đảo để hiểu và chia sẻ hơn với đời sống khó khăn của thầy trò chúng tôi!” - thầy Kiều bộc bạch.

Gắn bó với học sinh xã đảo Lại Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) hơn 29 năm, với cô Nguyễn Thị Bích Thủy, vùng đất này gắn bó như quê hương thứ hai. Cô đến với xã Lại Sơn khi mới ra trường, chứng kiến nhiều khó khăn chồng chất của học sinh trong rất nhiều năm nên không khỏi nghẹn ngào khi chia sẻ cảm xúc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

“Người dân rất khó khăn nên thiếu quan tâm đến việc cho con em đến trường. Nhiều em theo cha mẹ đi biển, thường xuyên bỏ học nên chúng tôi phải động viên các em và gia đình rất nhiều” - cô Thủy chia sẻ. Chính vì vậy, khi được hỏi về nguyện vọng, cô Thủy chỉ mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm nhiều hơn để các em được tiếp cận với phương tiện dạy học hiện đại như hệ thống công nghệ thông tin, máy vi tính, máy chiếu, phòng dạy ngoại ngữ…

Cũng đau đáu lo cho các em học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Hợi (Trường PTCS Bản Sen, Vân Đồn, Quảng Ninh) mong muốn có thêm nhiều phòng học rộng rãi, thoáng đãng hơn. “Chúng tôi mong được xây thêm phòng chức năng, phòng thí nghiệm cho học sinh các môn Hóa, Lý...” – cô Hợi đề xuất.

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ có nhiều hỗ trợ thiết thực cho thầy và trò xã đảo thời gian tới. Ảnh: D.H.

Nhiều thầy cô khi chia sẻ với tư lệnh ngành giáo dục chỉ mong muốn giản đơn là làm sao để học sinh có thêm phòng học tốt hơn, hay đơn giản là các em có thêm hộp sữa, ổ bánh mì - thứ quà vặt vốn rất “xa xỉ” với học sinh xã đảo do điều kiện giao thông quá khó khăn.

Chia sẻ với khó khăn của thầy cô, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông rất xúc động khi có dịp hiếm hoi được gặp gỡ các thầy cô giáo vùng xã đảo, huyện đảo. Đây là dịp ý nghĩa để tôn vinh những đóng góp của thầy cô trong sự nghiệp trồng người. Bộ GD&ĐT lắng nghe mọi chia sẻ của thầy cô và sẽ có những công việc thiết thực để hỗ trợ thầy và trò nhiều hơn như đề xuất thành lập quỹ học bổng cho học sinh giỏi vùng xã đảo, kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay, đề xuất tăng thêm thu nhập cho các giáo viên xã đảo…

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Hội Hiệp liện Thanh niên Việt Nam phối hợp với bộ GD&ĐT tổ chức, tôn vinh các giáo viên tiêu biểu xuất sắc đang công tác tại xã đảo, huyện đảo năm 2016. Năm nay có 25 cô giáo và 17 thầy giáo được tôn vinh. Người nhiều tuổi nhất là cô giáo Phan Hồng An, sinh năm 1962, giáo viên trường THCS Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Người trẻ tuổi nhất là cô Quảng Thị Thúy Ngân, sinh năm 1991, giáo viên trường Mầm non Thạch An, Cần Giờ, TP.HCM. Hai nam giáo viên trẻ tuổi nhất cùng sinh năm 1990 là thầy giáo Lê Xuân Quyết và Nguyễn Ngọc Hạ đều đang công tác tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm