Gà chín cựa đang hút khách miền xuôi |
Gà chín cựa (hay còn gọi là gà nhiều cựa) được nhắc đến trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh với một sính lễ mà Vua Hùng đòi hỏi để cầu hôn nàng Mỵ Nương, đang giúp đời sống bà con ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đổi thay từng ngày.
Nhiều phụ nữ trong gia đình chỉ ước ao trên mâm cúng lễ Tổ tiên dịp Tết đầu năm có con gà chín cựa để cầu cho cả nhà được may mắn, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, nên đã rất cầu kỳ vượt đường xa lên miền núi Phú Thọ để “săn” con gà quý mang về.
Gà chín cựa có đặc điểm rất riêng, là cả gà mái và gà trống đều có nhiều cựa |
Ông Hà Hồng Trang, xóm Vượng - xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, cho biết: "Gà nhiều cựa nay đã trở thành đặc sản của địa phương, khách mua buôn từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hoá… lên đặt hàng rất đông, giá trung bình từ 250 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg gà".
Chị Bàn Thị Miết, một “chủ gà” nhiều cựa ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn, kể: "Năm 2015, nhà tôi bán được hơn 100 con. Dịp Tết năm nay, vợ chồng tôi cố gom mấy trăm con bán Tết mà vẫn không đủ “cung” cho khách hàng. Khách gọi đặt nhiều quá nhưng nhà tôi đành khất hẹn với khách. Nhiều người ở tận Hà Nội, Hải Phòng lên mua, năn nỉ tôi, nhưng cũng đành để họ phải ra về tay không, bởi nhu cầu Tết năm Đinh Dậu quá lớn".
Gà chín cựa đang được người dân nơi đây nhân giống để phát triển kinh tế gia đình |
Chị Miết khoe: "Người mua hỏi liên tục, càng sát ngày Tết Nguyên đán, giá gà chín cựa được đẩy lên từng ngày, nhưng đúng là gà quý nên chúng tôi cũng không có gà thêm nữa để bán".
Giá cao, có thời điểm người dân bán hơn 300 ngàn đồng/kg gà. Giá 1 cặp gà trống mái nhiều cựa từ 1,5 - 2 triệu đồng. Song, để thỏa chí tò mò vì được tận mắt nhìn thấy thứ “gà kén rể” của Vua Hùng, vừa được thưởng thức hương vị thịt thơm ngon đặc biệt của giống gà quý này, nhiều khách từ Thủ đô hay những thành phố lớn vẫn quyết tâm “săn” cho bằng được “linh kê” với mong muốn cầu may đầu năm.
Hiện nay, gà nhiều cựa đã được bà con ở Xuân Sơn nhân giống, phát triển mạnh. Phần lớn đều có từ 4 đến 8 cựa, gà có tới 9 cựa rất hiếm. Các già bản ở xã Xuân Sơn cho biết, trước đây, gà 9 cựa dễ thấy hơn bây giờ.
Gà chín cựa có đặc điểm rất riêng, đó là cả gà mái và gà trống đều có cựa. Riêng gà trống có bộ lông mượt, mào đỏ như máu, oai phong, uy lẫm khác thường. Sáng sáng, tiếng gáy của gà vang vọng núi rừng, đủ sức đánh thức cả bản, xua tan sương sớm…
Gà trống chín cựa rất khoẻ, muốn bắt một con nếu không nhốt trong chuồng, người dân đều phải quăng lưới hoặc bắn bằng nỏ |
Con trống hầu hết có bộ lông đuôi cong vút tựa cầu vồng và cặp chân to, chắc, cựa mọc đều ở mỗi bên, dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn rừng.
Gà chín cựa rất khỏe, đặc biệt là đôi chân cực linh hoạt, muốn bắt một con không phải chuyện dễ, nếu như không nhốt trong chuồng mà muốn bắt, gia chủ chỉ có cách quăng lưới hoặc dùng nỏ ngắm bắn.
Ông Hà Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, cho biết: "Giống này con to khoảng 2,5kg nhưng thịt rất chắc và ăn thơm ngon như thịt gà rừng. Chính vì nó “gắn” với truyền thuyết, nên ngoài tên gọi gà nhiều cựa, nó còn được coi như “linh kê” của núi rừng Xuân Sơn nhiều đời nay.
Không chỉ ở Xuân Sơn, mà nhiều xã khác trong khu vực Vườn quốc gia Xuân Sơn hiện cũng đang nhân rộng giống gà nhiều cựa này. Đến nay, đã có trên 50 hộ tham gia mô hình nuôi gà nhiều cựa tại các xã Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng với tổng đàn khoảng trên 6.000 con.