Chỉ uống 1 lon nước ngọt đã thừa nhu cầu đường cả ngày
Theo khuyến cáo về nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ở trẻ em, chỉ nên tiêu thụ từ 12 đến 25g đường tự do mỗi ngày; còn người trưởng thành là từ 25 đến 50g đường/ngày. Tuy nhiên, theo đánh giá, rất nhiều người Việt tiêu thụ đường mỗi ngày vượt trên mức khuyến cáo.
Cụ thể, hiện trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức nên tiêu thụ (dưới 25g/ngày) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Còn lứa tuổi học sinh, theo TS Đỗ Thị Phương Hà, Trưởng khoa Dinh dưỡng Cộng đồng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, kết quả Điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ học sinh từ 13 đến 15 tuổi thường xuyên uống đồ uống có ga hơn 1 lần/ngày chiếm trên 34%.
Trong khi đó, TS Đỗ Thị Phương Hà cho biết, nghiên cứu cho thấy, 1 lon nước ngọt có ga Cola 330ml chứa tới 35g đường tự do. 1 chai 500ml nước ngọt có ga Cola chứa khoảng 55g đường, tương đương 11 thìa cà phê đường tự do. Như vậy, với trẻ em, chỉ cần uống 1 lon nước ngọt có ga này đã đưa vào cơ thể lượng đường nhiều hơn mức tiêu thụ khuyến cáo. Còn với người lớn, nếu chỉ uống 1 lon nước ngọt có ga thì cũng đưa vào cơ thể lượng đường nhiều hơn mức nên tiêu thụ. Đó là chưa kể lượng đường được đưa vào cơ thể từ những thức ăn khác như bánh, kẹo…
Thừa cân, béo phì không chỉ do lười vận động
Tỉ lệ thừa cân, béo phì, đặc biệt là ở trẻ em tại Việt Nam đang gia tăng chóng mặt. Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là sử dụng nhiều đường, đồ uống có ga.
TS Đỗ Thị Phương Hà cho hay, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên gần 16% dân số năm 2015. Năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và TPHCM là 12%, sau 13 năm (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015 cho thấy, tỷ lệ trẻ béo phì ở TPHCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41% ở những trẻ được khảo sát.
Hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp. Gần 60% số này chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. Ước tính có hơn 3 triệu người bị tiểu đường thì gần 70% chưa phát hiện bệnh. Đây đều là những bệnh không lây nhiễm nguy hiểm.
Theo TS Trương Đình Bắc, Cục phó Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số người thừa cân, béo phì, cao huyết áp, tiểu đường gia tăng không loại trừ một phần nguyên nhân sử dụng nhiều đường.
Các chuyên gia khuyến cáo, để tốt hơn cho cơ thể thì lượng đường nên dưới 5% tổng năng lượng trong khẩu phần (tương đương khoảng 25g đường tự do hoặc khoảng 6 muỗng cà phê).
Ví dụ, nhu cầu năng lượng khuyến nghị cho nam trưởng thành Việt Nam 2.000-2.200 calo thì tổng lượng đường được phép tối đa sử dụng không vượt quá 50-55/ngày, tốt nhất nên dùng 25-30g/ngày.
Tổng lượng đường được sử dụng trong ngày sẽ không vượt ngưỡng nếu không dùng quá nhiều các loại nước uống có đường, kể cả cà phê hay bánh kẹo. Thông thường các loại nước ngọt có ga, trung bình trong 100ml sản phẩm này sẽ có khoảng 11g đường.
(Còn nữa)