Giấy chuyển viện: Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ, Bộ trưởng Y tế nói vẫn cần thiết

Hải Yến
20/11/2023 - 13:06
Giấy chuyển viện: Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ, Bộ trưởng Y tế nói vẫn cần thiết

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời tại Quốc hội sáng 20/11

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc đi xin giấy chuyển viện nên được bãi bỏ nhưng Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, giấy chuyển viện là rất quan trọng, dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết.

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

"Xin đừng có cái danh sách thuốc được BHYT thanh toán nữa!"

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội - cho biết, với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông, cộng với tỷ lệ hơn 93% dân số Việt Nam đã có BHYT - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu - hiện người dân mệt mỏi khi phải xin giấy chuyển viện, đề nghị "barie đi xin giấy chuyển viện nên được bãi bỏ".

Ông Trí cũng đồng thời đề nghị đẩy mạnh tiến trình thông tuyến trong lần sửa đổi Luật BHYT sắp tới. "Danh mục thuốc, phác đồ nên để cho ngành y cùng cơ sở y tế, Bộ Y tế quyết định sử dụng. Bệnh nhân dùng thuốc, phác đồ nào, nếu đúng, hiệu quả... thì bảo hiểm y tế thanh toán đúng như vậy. Xin đừng có cái danh sách thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán nữa", ông Trí đề nghị thêm.

Giấy chuyển viện: Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ, Bộ trưởng Y tế nói cần thiết- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội - phát biểu

Trả lời về vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc giảm thủ tục hành chính cho người dân là cần thiết, song vẫn phải đảm bảo sự bền vững cho hệ thống y tế, đảm bảo phải phù hợp với khả năng chữa bệnh từng tuyến và tránh quá tải ở tuyến trung ương.

Từ năm 2014, Bộ trưởng Y tế cho biết việc chuyển từ tuyến dưới lên trên phải theo tuần tự nhưng đến năm 2016 đã thông tuyến cấp huyện và năm 2021 thông tuyến toàn tỉnh. Hiện việc chuyển tuyến được chia làm 2 luồng: từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân và từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi bệnh tật ổn định, đảm bảo công tác điều trị lâu dài.

"Để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

Về việc có bỏ giấy chuyển viện không, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh vai trò giấy chuyển tuyến rất cụ thể, nêu rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án, dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết.

Về vấn đề thiếu thuốc, Bộ trưởng khẳng định, đến thời điểm này, ngành y tế là một trong những ngành được ưu tiên nhất, được tháo gỡ nhất để trang bị vật tư y tế. Tuy nhiên, bà Đào Hồng Lan cho biết, hiện có tình trạng nhiều địa phương còn lúng túng và bất cập trong việc triển khai đấu thầu, phân cấp phân quyền. Nhiều cơ sở y tế chỉ được mua trong khoảng 100 triệu, trên 100 triệu đồng là phải trình Sở Y tế. Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại để đảm bảo quản lý được nhưng vẫn trao quyền chủ động cho các cơ sở, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.

Vay mượn trên 1,6 tỷ đồng chống dịch

Tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - phản ánh thực trạng trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát do nhiều ca mắc liên tục nhanh và việc thực hiện mua sắm theo quy định gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội. Vì vậy và các đơn vị đã thực hiện "mượn" hàng, vật tư y tế hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân, đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục. Cụ thể, tại tỉnh Bình Thuận, số tiền nợ đang là hơn 91 tỷ đồng.

Mặc dù Quốc hội đã banh hành Nghị quyết số 99 về giám sát chuyên đề này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay, Chính phủ và Bộ Y tế vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Đại biểu Thông đề nghị, Chính phủ, Bộ Y tế sớm có hướng giải quyết vấn đề này.

Giấy chuyển viện: Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ, Bộ trưởng Y tế nói cần thiết- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Thông về các khoản nợ của các bệnh viện, cơ sở y tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19 chưa trả được, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định - khẳng định, đây là vấn đề nổi cộm không chỉ của tỉnh Bình Thuận mà còn là vấn đề của đại đa số các tỉnh, thành phố mà đại dịch bùng phát, không chỉ vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, đồ giặt, oxy, khí nén…

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ, Chính phủ chỉ có thể đề ra nguyên tắc, chỉ đạo cho địa phương tự thực hiện rà soát nhưng luôn kèm theo một câu là "thực hiện theo đúng quy định của pháp luật". Như vậy đại biểu cho rằng, mọi việc sẽ đứng yên một chỗ.

Do đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ Y tế cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, các địa phương cần hỗ trợ quyết liệt ngành y tế bằng các nghị quyết của HĐND, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau đại dịch để ngành y tế yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Về vấn đề vay mượn thiết bị, vật tư y tế trong giai đoạn đại dịch, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong quy định về mua sắm đấu thầu, không có quy định về hình thức vay trước trả tiền sau, vay rồi mới đấu thầu để trả lại. Ví dụ khi chống dịch vay kit test, nay không thể mua hiện vật này để trả lại.

Khẳng định việc bệnh viện tạm ứng vay mượn trang thiết bị y tế trong giai đoạn cấp bách là cần thiết để đảo bảo sinh mạng cho người dân, song theo bà Đào Hồng Lan, Nghị quyết 99 của Quốc hội giao Chính phủ trước năm 2024 giải quyết vấn đề vay mượn ở cơ sở y tế, đó là việc rất khó.

"Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương đề nghị báo cáo thực trạng vay mượn thiết bị. Đến nay đã thống kê được 48 địa phương, 7 bộ ngành, số vay mượn là 1.693 tỷ đồng, trong đó vay mượn thuốc, sinh phẩm 754 tỷ, kit xét nghiệm 939 tỷ", Bộ trưởng Đào Hồng Lan thống kê.

Theo Bộ trưởng, trên cơ sở này Bộ Y tế sẽ phân loại hình thức vay mượn để xây dựng phương án xử lý triệt để.

"Tinh thần là do chưa có quy định trong luật nên Chính phủ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ cơ chế gỡ khó cho các bệnh viện", bà Đào Hồng Lan nói và cho biết Luật Khám chữa bệnh sửa đổi đã đưa vào hình thức vay mượn, ứng trước trang thiết bị vật tư y tế, các đơn vị đang làm hướng dẫn chi tiết cho việc này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm