pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giọt nước mắt của cầu thủ Thùy Trang và nỗi lòng huấn luyện viên Mai Đức Chung
Cầu thủ Trần Thị Thùy Trang. Ảnh: SaoStar
Những giọt nước mắt của khát khao được cống hiến
Sau kì World Cup lịch sử, sau 3 trận đấu, đội tuyển (ĐT) nữ Việt Nam đã trở về và nhận được sự chào đón. Dù đã thua cả 3 trận đấu, song những gì mà các cô gái - những nữ chiến binh trên sân cỏ của Việt Nam đã thể hiện là điều tuyệt vời. World Cup là đấu trường quá khắc nghiệt, ý chí của chúng ta cũng không thể khỏa lấp được sự cách biệt quá lớn về chuyên môn so với những đội bóng, những ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới.
Trở về, nữ tiền vệ Trần Thị Thùy Trang đã rơi nước mắt khi chia sẻ với truyền thông. Nữ tiền vệ đang khoác áo CLB nữ TP Hồ Chí Minh rơi nước mắt rồi nói những lời chia sẻ rất thật lòng: “Đây là lần đầu tiên Trang có mặt tại World Cup và có lẽ cũng là lần cuối cùng. Ở giải đấu lớn nhất thế giới như thế này, Trang rất khao khát được thi đấu, dù chỉ là một giây, một phút ở trên sân. Trang không gặp vấn đề gì về sức khỏe. Đây là tính toán của ban huấn luyện và Trang tôn trọng điều đó”.
Phải dừng lại đôi lần vì nghẹn ngào xúc động và rơi nước mắt, tiền vệ Thùy Trang nói tiếp: “Đây cũng là kỉ niệm đẹp với Trang và toàn đội. Trang rất tự hào lần đầu tiên được góp mặt ở sân chơi lớn nhất thế giới. Bác Mai Đức Chung cũng chưa có trao đổi gì riêng với Trang sau trận đấu, Trang tôn trọng các quyết định của bác Chung cho toàn đội. Trang mong muốn một lần ra sân nhưng rất tiếc, Trang đã không được thi đấu. Đó là điều rất buồn nhưng Trang tự hào vì đã nỗ lực hết sức mình".
Những chia sẻ của Thùy Trang nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ. Buồn, không được ra sân thi đấu là điều mà nữ tiền vệ kỳ cựu của ĐT nữ Việt Nam nhắc đi nhắc lại.
Cũng dễ hiểu thôi, ai cũng biết ĐT nữ Việt Nam đã vất vả đến như thế nào trong việc giành được tấm vé đến World Cup 2023. Trong hành trình ấy, có công sức rất nhiều của Thùy Trang, người đã được bình chọn cho danh hiệu Quả bóng bạc Việt Nam dành cho nữ. Bên trong nữ tiền vệ với dáng dấp nhỏ bé, khuôn mặt hiền này là nguồn năng lượng, tinh thần chiến đấu, cống hiến cao độ. Bởi vậy nên đội bóng FC Lank của Bồ Đào Nha đã đặt vấn đề mời Thùy Trang sang thi đấu, họ cần một tiền vệ với sự cần mẫn, tinh thần trách nhiệm và sự ổn định ở khu vực giữa sân như Thùy Trang.
Trở về, Thùy Trang đã được một cổ động viên tặng món quà là hình ảnh với dòng chữ "Thùy Trang - cảm ơn chị - cảm ơn vì sự hy sinh của chị". Đây có lẽ cũng là tình cảm của đông đảo cổ động viên bóng đá dành cho Thùy Trang, là sự ghi nhận những đóng góp thầm lặng. Trong thể thao, trong bóng đá, bất cứ một giọt mồ hôi nào, giọt nước mắt nào đổ xuống, cho vinh quang Việt Nam, đều đáng trân trọng.
Ai cũng hiểu được nỗi buồn, sự tiếc nuối của Thùy Trang. Sinh năm 1988, năm nay đã 35 tuổi, là cầu thủ lớn tuổi nhất ĐT nữ Việt Nam, cơ hội cho Thùy Trang đến với World Cup sẽ khép lại. 4 năm nữa, giả sử ĐT nữ Việt Nam lại giành quyền đến sân chơi này, Thùy Trang đã 39 tuổi, độ tuổi khó cho phép chơi bóng đỉnh cao.
Đến được với World Cup, trước mắt mình là một sân cỏ đẹp tuyệt vời, là cơ hội chơi bóng, đối đầu những ngôi sao lớn của thế giới, nhưng không được ra sân phút nào, thì buồn đến thế nào. Với tất cả những cầu thủ bóng đá cả nam và nữ, được chơi bóng tại World Cup dù chỉ là một phút giây đúng như lời Thùy Trang nói, đó sẽ là trải nghiệm lớn, là những phút giây tuyệt vời, trở thành ký ức khó quên nhất cho cuộc đời cầu thủ.
Tiếc cho Thùy Trang và trân trọng những giọt nước mắt đến từ khát khao cống hiến ấy của nữ cầu thủ.
Nên hiểu cho nỗi lòng của HLV Mai Đức Chung
Khi các clip phỏng vấn của Thùy Trang được đưa lên, phủ sóng hàng loạt trên khắp các nền tảng mạng xã hội, ngoài chia sẻ với Thùy Trang, có những cổ động viên (CĐV) đã trách HLV Mai Đức Chung sao không cho Thùy Trang đá phút nào.
Ngay trước trận đấu cuối với ĐT nữ Hà Lan, nhiều CĐV cũng đã chờ đợi Thùy Trang có một vị trí trong đội hình ra sân, hoặc sẽ được vào sân từ ghế dự bị, được chơi dù chỉ là chút ít, được nếm trải, hít thở bầu không khí ở 1 trận đấu World Cup.
Đã có 5 cầu thủ trong danh sách 23 cầu thủ ĐT nữ Việt Nam đến với World Cup 2023 tại New Zealand nhưng không được ra sân, bao gồm thủ thành Đào Thị Kiều Oanh, các cầu thủ Trần Thị Thúy Nga, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Vũ Thị Hoa và Thùy Trang.
Trên thực tế, việc 1 cầu thủ có tên nhưng không được chơi phút nào tại 1 giải đấu lớn là điều vẫn thường hay xảy ra, là điều rất bình thường về mặt chuyên môn trong bóng đá. Thậm chí, có những giải đấu mà đội vô địch đá tới 7-8 trận nhưng cũng vẫn có những cầu thủ không được ra sân phút nào. Ai cũng muốn được thi đấu và các HLV đều phải làm công tác tư tưởng cho toàn đội về vấn đề này từ trước giải.
Tại EURO 2020, trong trận đấu của Italia và xứ Wales, HLV Roberto Mancini của ĐT Italia đã có 1 quyết định thay người đặc biệt. Ở phút 88, ông Mancini đã quyết định đưa thủ thành lão tướng Salvatore Sirigu vào sân bắt thay thủ thành đang chơi rất hay là Gianluigi Donnarumma. Một quyết định không có ý nghĩa gì về chuyên môn nhưng lại rất nhân văn. Lí do là tại World Cup 1990 - vẫn được gọi là "Mùa hè Italia 90", Mancini có mặt trong thành phần ĐT Italia nhưng đã không được ra sân phút nào trong cả giải đấu. Sirigu 34 tuổi vào thời điểm đó, sẽ chia tay ĐT Italia sau giải đấu và HLV muốn tri ân thủ thành đã cả đời dự bị cho huyền thoại Gianluigi Buffon. Nhưng đó là bởi điều kiện chuyên môn cho phép, thường thì thủ môn chính luôn sẽ bắt cả giải đấu, không thay người để giữ sự ổn định.
Tại AFF Cup 2021, HLV trưởng ĐT Thái Lan cũng đã có quyết định đặc biệt khi tung thủ thành kỳ cựu Kawin Thamsatchanan vào sân thay thủ thành Siwarak ở phút 75, khi Thái Lan đã dẫn Indonesia tới 4-0. Ông Polking sau đó đã bật khóc khi nói về quyết định này, rằng ông luôn rất tôn trọng và không muốn thất lễ với đối thủ Indonesia nhưng cha của Kawin mới mất và ông muốn tri ân thủ thành này.
Rất ít HLV làm được như vậy và bởi các yêu cầu chiến thuật cho các trận đấu và cả một hành trình, rất nhiều cầu thủ đã không được chơi phút nào ở một giải đấu. Những người dự bị - dù có được vào sân hay không, vẫn luôn xứng đáng được vinh danh, vì những đóng góp chung cho toàn đội.
Từ cách đây nhiều năm, trong 1 lần đến sân xem cầu thủ Việt kiều về nước thử việc, HLV Mai Đức Chung từ chia sẻ với người viết: "Những cầu thủ Việt kiều vượt chặng đường dài trở về nước, họ muốn tìm cơ hội cống hiến cho Đội tuyển quốc gia của chúng ta, thì nên trân trọng điều này, dù chưa rõ rằng năng lực về chuyên môn của cầu thủ ấy ra sao". Nói về khó khăn khi làm bóng đá nữ, ông Chung chia sẻ: "Làm bóng đá nữ thì người HLV phải chú ý đến vấn đề tâm lý nhiều hơn. Tôi phải thấu hiểu các tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cầu thủ. Mình coi các cầu thủ như các con, các cháu mình, vừa giữ tình cảm gắn bó vừa phải nghiêm để giữ cái uy của HLV. Tôi có nguyên tắc không bao giờ gọi ai ra trao đổi riêng tư, có trao đổi riêng tôi sẽ làm điều đó trên sân tập, gọi ra 1 góc nhưng có sự chứng kiến của những người khác, trao đổi thẳng thắn, rõ ràng. Những lúc buộc phải loại một ai đó, có cầu thủ phải ngồi dự bị không được thi đấu, tôi biết cầu thủ đó buồn, nhưng không còn cách nào khác cả".
Bước vào những giải lớn, khắc nghiệt, sẽ không giống như 1 giải giao hữu, HLV tạo cơ hội cho tất cả, thay người thoải mái. Ở trận cuối với ĐT nữ Hà Lan, thủ môn dự bị Khổng Thúy Hằng được vào sân, được trải nghiệm World Cup và "được" thủng lưới 2 bàn. Cơ hội này sẽ rất tốt với Hằng trong việc rèn luyện, tích lũy bản lĩnh thi đấu. Nhưng thủ thành dự bị thứ 3 là Kiều Oanh, thì đã giống như rất nhiều thủ thành dự bị thứ 3 khác ở các đội bóng tại các giải đấu lớn, thường thì không được vào sân phút nào.
ĐT nữ Việt Nam đã trẻ hóa mạnh mẽ, để chuẩn bị cho tương lai. Nữ tiền vệ trẻ Hải Linh - người đá đúng vị trí của Thùy Trang đã được trao cơ hội nhiều hơn ở World Cup lần này. Tất cả chủ yếu đến từ những yêu cầu về chuyên môn, và ông Mai Đức Chung chắc hẳn là đã rất muốn, song không thể trao cơ hội vào sân thi đấu cho đủ 23 cầu thủ của ông, những người đã đồng hành cùng ông trong cả một hành trình dài.
Chia sẻ nỗi buồn với Thùy Trang, tiếc cho Thùy Trang nhưng cũng nên hiểu cho "tướng già" luôn tận tâm Mai Đức Chung. Và cũng từ những nỗi buồn, sự tiếc nuối này, để trân trọng hơn những gì chúng ta đã có được, đã làm được, sau một giải đấu World Cup lịch sử.