Giữ hình ảnh giáo viên rất quan trọng

14/11/2016 - 15:11
"Nghề giáo là công việc đặc thù, người thầy luôn phải giữ hình ảnh với học sinh và xã hội", chuyên gia Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM chia sẻ khi nhắc đến việc giáo viên ở Hà Tĩnh bị điều động đi làm lễ tân.
 Giáo viên luôn phải giữ hình ảnh với học sinh và xã hội - Ảnh: QUÝ TRUNG.

Một trong những câu chuyện nóng nhất trên mạng xã hội những ngày qua là việc UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có công văn điều động nữ giáo viên đi làm “lễ tân”. 

Cảm giác đầu tiên của chuyên gia Phạm Thị Thúy, đã tốt nghiệp thạc sĩ thực hành phương pháp sư phạm, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM, khi đọc thông tin này là bất bình. “Việc điều động bất kỳ một nhân viên hành chính nào đi phục vụ tiếp khách trong khi đây không phải việc của họ đã là không thể chấp nhận được, chưa kể đây lại là giáo viên. Nghề giáo là công việc đặc thù, người thầy luôn phải giữ hình ảnh với học sinh và xã hội. Trong sự việc này, dù các giáo viên là nạn nhân của quyết định điều động vô nguyên tắc, nhưng chắc chắn nếu biết cô giáo của mình từng… đi tiếp rượu ngoài quán xá thì học sinh, phụ huynh sẽ nhìn cô bằng con mắt khác”.

Theo bà Thúy, việc giữ hình ảnh giáo viên quan trọng tới mức, giả thử ngoài đời, ngay cả khi bà và các đồng nghiệp có những buổi hàn huyên dù rất lành mạnh như đi hát karaoke với nhau, bà cũng hạn chế chụp rồi đăng tải lên facebook. Trong quá trình giảng dạy, bà luôn dặn các sinh viên - những giáo viên tương lai - phải luôn nhớ giữ gìn hình ảnh của mình.

“Người thầy, dù giảng hay, kiến thức rộng đến đâu nhưng không thể nhận được sự tôn trọng của học trò nếu không có tác phong, lối sống chuẩn mực. Từng lời ăn, tiếng nói, cách ăn mặc của giáo viên khi đến lớp cũng phải mô phạm. Trong sự việc trên, nếu một giáo viên nghiêm túc, chỉ đi làm đúng nhiệm vụ được cấp trên giao là “tiếp khách” rồi ra về ngay đã là không chấp nhận được. Nếu có cô giáo nào đó, bị chuốc bia rượu say mềm, hay ăn mặc hở hang, có những cử chỉ đụng chạm quá đà với khách tại quán rượu thì liệu còn có thể đứng trên bục giảng nữa không? Giả sử một trong các vị khách đó cũng là phụ huynh học sinh (PHHS) của mình thì thế nào? Tôi chắc chắn không bao giờ muốn cho con theo học những giáo viên này”, chị Ngô Thanh Lan, PHHS ở Q.Thủ Đức, TP.HCM bất bình.

Một cô giáo đang dạy mầm non tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Rất nhiều giáo viên trong sự việc trên tâm sự, họ bị ép buộc và không hề cảm thấy thoải mái khi phải… đi làm “tiếp viên”. Trong sự việc này các giáo viên có cái khó vì họ không thể để mình bị mất việc. Tuy nhiên, cá nhân tôi nếu bị điều động vào việc này, dù có bị khiển trách, phê bình, cắt danh hiệu thi đua, chắc chắn tôi vẫn sẽ từ chối. Tôi nghĩ, qua sự việc này, mỗi người cũng nên chủ động đòi lấy quyền được từ chối khi bị phân công công việc không đúng. Nếu mình im lặng nghĩa là mình chấp nhận trở thành nạn nhân”.

Anh Vũ Văn Trung (Kinh Môn, Hải Dương) cho rằng, dù sao các cô giáo cũng đã dám “kêu cứu” trên mạng xã hội. Một sự việc sai trái cần phải bị cộng đồng lên án mạnh mẽ để không xảy ra sự việc tương tự ở nơi này, nơi khác và không chỉ với giáo viên mà mọi người đều phải được tôn trọng.

* Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Đã là một giáo viên thì phải giữ hình ảnh người nhà giáo trong mắt học trò và phụ huynh, nhân dân. Thầy cô nghiêm túc chuẩn mực là một tấm gương sáng, quan trọng hơn cả chuyên môn.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm