pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giữa dòng chảy nợ xấu tăng cao, chỉ có 2 ngân hàng báo cáo giảm
Ảnh minh họa
Thực tế, việc nợ xấu tăng trong ngành ngân hàng đã được giới phân tích dự báo, do tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn khiến khả năng trả nợ của khách hàng cũng giảm sút.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều thông tư hỗ trợ giảm nợ xấu: huy động giảm lãi suất cho vay, vay ngân hàng này trả ngân hàng khác cho các nhu cầu đời sống, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn...
Song, tình trạng nợ xấu vẫn tăng cao trong toàn hệ thống. Tổng quan báo cáo tài chính quý 2/2023 của các ngân hàng đã công bố (29 ngân hàng), tổng nợ xấu tính đến hết tháng 6/2023 đã tăng 33% so với hồi đầu năm, đạt con số 218.000 tỷ đồng.
Điển hình, tình trạng nợ xấu tăng đã lan tỏa trong diện rộng, khi có tới 27 ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tăng. Thậm chí, nhiều ngân hàng hàng báo cáo tăng gấp rưỡi. Nợ xấu bao gồm nhóm nợ 3,4,5: Nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn.
Tuy nhiên, giữa dòng chảy nợ xấu tăng cao, vẫn xuất hiện 2 "điểm sáng" đến từ Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), khi ghi nhận số dư nợ xấu nội bảng tăng trưởng "âm", giảm lần lượt là 6,6% và 3,5%.
Kienlongbank (mã cổ phiếu: KLB, UPCOM) ghi nhận giảm 6,6% so với hồi cuối năm 2022, từ 845 tỷ đồng xuống còn 790 tỷ đồng.
Đạt được kết quả này, chủ yếu đến từ nhóm nợ thứ 5 (nợ có khả năng mấy vốn) giảm mạnh, giảm hơn 130 tỷ đồng, tương đương 20,2%. Hai nhóm còn lại là nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ có xu hướng tăng, lần lượt là 24% và 47%.
Tình hình kinh doanh tại Kienlongbank, mặc dù quý 2/2023 ghi nhận có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ, xuống mức 199,8 tỷ đồng, giảm tương đương 10%, song xét 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ghi nhận tăng 15,4% so với cùng kỳ, đạt mức 402 tỷ đồng. Con số này giúp Kienlongbank hoàn thành 58% so với kế hoạch cả năm.
Tại SHB (mã cổ phiếu: SHB, HOSE), công bố tại báo cáo tài chính quý 2/2023, nợ xấu 6 tháng đầu năm đã giảm 3,5% so với cùng kỳ, xuống còn 10.481 tỷ đồng. SHB đã giảm 372 tỷ đồng nợ xấu so với cuối năm 2022. Tương tự với Kienlongbank, nhóm nợ 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh, từ 7.343 tỷ đồng xuống còn 5.746 tỷ đồng, giảm tương đương 21,7%. Như vậy, nợ có khả năng mất vốn chiếm khoảng 55% so với tổng nợ xấu nội bảng, giảm 13% so với hồi đầu năm.
Ngoài ra, nhóm nợ 3 ghi nhận tăng nhẹ 5,3%, lên mức 1.698 tỷ đồng. Nhóm nợ 4 tăng cao ở mức 60%, nâng số tiền nợ lên 3.037 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tại SHB nửa đầu năm có dấu hiệu khả quan, lợi nhuận trước thế tăng nhẹ 5,1% so với cùng kỳ, thu về 6.072 tỷ đồng, dù lợi nhuận quý 2 giảm gần 100 tỷ đồng. Lý do có thể đến từ việc chi mạnh cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên mức 1.538 tỷ đồng trong quý 2/2023, tăng 32,7% so với quý 2/2022. Nâng mức chi phí trong cả 6 tháng đầu lên 2.912 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ.