pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giữa tâm đại dịch Covid-19 ở Ý, du học sinh Việt nhắn nhủ: “Hãy yên tâm, chúng con ổn!”
Du học sinh Việt Nam tại Ý
Được biết, trong bối cảnh số lượng ca nhiễm và tử vong ở Ý ngày một tăng vì đại dịch Covid-19, nhiều bậc cha mẹ hiện đang có con cái du học tại quốc gia 'hình chiếc ủng' này bày tỏ sự lo lắng các con có nguy cơ bị nhiễm bệnh, trong trường hợp bị bệnh không được khám chữa, hoặc các con khó tiếp cận với các trang thiết bị vệ sinh (khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn..) và các nhu yếu phẩm cần thiết.
Công tác phòng dịch tại Ý đã trở nên đảm bảo
Tuy nhiên, trái với những lo lắng trên của cha mẹ, chị Linh cho biết, nước Ý đã dần làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh như ra sắc lệnh phong tỏa, đóng cửa trường học, đóng cửa các nhà hàng, các trung tâm vui chơi giải trí, người dân bị hạn chế ra đường (nếu phải ra ngoài, người dân phải mang theo tờ khai mục đích di chuyển và các giấy tờ chứng minh nếu có).
Với những việc đó, có nghĩa là cảnh sát có thể yêu cầu kiểm tra bạn bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp đi bộ, đi xe đạp hay các phương tiện khác, trong trường hợp phát hiện nói dối thì sẽ bị phạt tiền hoặc bị giam giữ. Điển hình như một người bạn của chị Linh, chạy xe ra đường nhưng không mang tờ khai, khi cảnh sát kiểm tra thì lại nói dối là đi mua giày, nên đã bị phạt số tiền tương đương với 18 triệu VNĐ.
Bởi vậy, phối hợp với những yêu cầu của Chính phủ Ý và hơn hết là để đảm bảo an toàn cho bản thân mình, những ngày này chị Linh rất hạn chế đi ra ngoài (nếu ra chủ yếu đi mua nhu yếu phẩm, mỗi lần mua dự trữ từ 1-2 tuần) và thực hiện việc tự cách ly, hạn chế giao tiếp với người ngoài.
Để đảm bảo an toàn cho sinh viên (vì trường chị Linh học có nhiều sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau), trường chị Linh đã thông báo học sinh không phải đến trường (từ 8/3 đến 3/4), chuyển toàn bộ việc học sang online, "Sinh viên như tôi sẽ học online hoặc các thầy cô sẽ gửi slide cho chúng tôi tự học, nếu có vấn đề gì khó hay không hiểu thì có thể gửi email cho giáo viên. Tuy vậy, nhưng tôi cũng không gặp vấn đề gì khó khăn trong học tập", chị Linh tâm sự.
Ở ký túc xá chị Linh đang ở, hàng ngày đều có lao công đến dọn dẹp và khử trùng, nên khá sạch sẽ. Việc ăn uống cũng được đảm bảo, 9 người sẽ sử dụng chung một bếp nấu ăn, sau khi dùng xong, bên cạnh việc rửa sạch còn dùng dung dịch sát khuẩn một lần nữa, nấu xong mỗi người sẽ tự mang vào phòng riêng của mình ăn (mỗi người một phòng riêng), trong mỗi phòng đều có nhà vệ sinh khép kín.
Được biết, trước khi tình hình dịch bệnh ở Ý trở nên căng thẳng (đầu tháng 3), chị Linh và nhiều sinh viên Việt Nam khác cũng đắn đo trước việc quyết định về nước hay tiếp tục ở lại, phần cũng vì bố mẹ quá lo lắng và giục giã, "Nhưng cuối cùng tôi đã quyết định ở lại, vì nghĩ rằng nhà ga, sân bay là nơi dịch bệnh dễ lây lan nhất", chị Linh chia sẻ.
"Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi!"
Tuy nước Ý đang bị phong tỏa vì dịch bệnh, ngoài đường cũng ít xe cộ đi lại hơn so với ngày thường, nhưng người dân vẫn thể hiện sự lạc quan và tình yêu nước bằng cách ra ban công riêng của mình cùng ca hát, vỗ tay, chơi nhạc cụ vào lúc 6h chiều. "Tất cả tạo thành một show âm nhạc miễn phí thú vị mà tôi chưa bao giờ thấy", chị Linh xúc động.
"Cảm ơn cả nhà đã quan tâm Phương, Phương đang rất an toàn ở Ý. Người Ý đã ý thức đeo khẩu trang, găng tay khi ra ngoài đường và hạn chế ra ngoài. Siêu thị vẫn đầy đồ ăn và hiệu thuốc vẫn mở".
Chị Trần Phương chia sẻ từ Cassino, Ý.
Cùng tâm trạng đó với chị Linh, chị Trần Phương (26 tuổi, sinh viên Đại học Cassino) chia sẻ, "Mọi người đã biết sợ và có ý thức đeo khẩu trang, đứng cách nhau 1m. Dù vậy, tôi vẫn thấy người Ý vẫn yêu đời, chiều tối huýt sáo gọi nhau ra ban công cùng hát, nhảy múa, rất vui. Hơn nữa, mọi người còn động viên nhau, như hôm nay tôi xuống nhà vứt rác, lúc lên thì thấy 1 tờ giấy nhỏ dán ở cửa nhà ghi dòng chữ "Tutto andrà bene" rất đáng yêu, nghĩa của dòng chữ đó là 'Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi!'".
Những ngày này, khi mà dịch bệnh ở Ý vẫn đang có chiều hướng phức tạp thêm, chị Linh và chị Phương cũng đã tự chuẩn bị cho mình những kiến thức như phải cách ly như thế nào, bảo vệ sức khỏe ra sao, và lưu lại những số điện thoại cần thiết (bệnh viện) để phòng trường hợp bị bệnh. "Mong rằng dịch sớm qua để tôi sớm được về với Tổ Quốc để ăn bát bún cá hay gặm cái chân gà cho thoả 1 năm rưỡi ngóng trông", dòng trạng thái chị Linh chia sẻ trên Facebook.