'Gõ cửa' tâm hồn trẻ tự kỷ bằng âm nhạc

02/05/2018 - 16:46
Trên sâu khấu, nghệ sĩ Nguyệt Thu “phiêu” hết mình với cây đàn viola. Rời xa ánh đèn, chị tiếp tục mang vầng hào quang đến cho các bé tự kỷ tại mái trường SforA với ước mong đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho các con.
Nghệ sĩ viola quốc tế Nguyệt Thu (sinh năm 1973), là Hiệu trưởng Trung tâm Giáo dục Sunrise For Art (tên viết tắt SforA School), đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á
Nghệ sĩ viola quốc tế Nguyệt Thu (sinh năm 1973), là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Sunrise For Art (tên viết tắt SforA School), đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á

 

Chị Nguyệt Thu nhớ như in cái ngày cả một hội đồng bác sĩ tại Hà Lan kết luận cậu con trai mới chỉ 4 tuổi bị mắc chứng tự kỷ. Trong hành trình cùng con lớn lên, chị nhận ra nghe đúng loại âm nhạc, không gây kích động, không gây buồn chán thì tâm trạng con bình yên hơn và sự bình yên đó là liều thuốc tốt giúp con hồi phục.
 
Kiên nhẫn trị liệu bằng âm nhạc và tình yêu thương, từ một đứa trẻ luôn cần có người trông chừng, con chị đã có thể tự phục vụ bản thân và tới trường.
 
Năm 2015, chị đã cùng những người bạn thành lập nhóm tứ tấu Apaixonado chuyên biểu diễn nhạc cổ điển theo phong cách mới. Khi tham gia chương trình dành cho trẻ tự kỷ “Bình minh cho em” tổ chức vào tháng 5/2015, nghệ sĩ viola Nguyệt Thu quyết định đi sang một lối rẽ khác.
 
Và sau bao nỗ lực, ngày 6/6/2015, với sự đồng hành của những người chung chí hướng, Trung tâm Giáo dục Sunrise For Art (viết tắt là SforA) - ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam dùng nghệ thuật và vận động để trị liệu chứng tự kỷ của trẻ em ra đời.
 
Âm nhạc mở ra thế giới mới
 
SforA nhanh chóng được phụ huynh đón nhận nhưng cũng vấp phải không ít khó khăn. Trở ngại lớn nhất chị Nguyệt Thu phải đối diện là quan niệm của phụ huynh. Chị nhớ lại: “Tôi gặp nhiều đứa trẻ đến trường với ánh mắt sợ hãi, lấm lét, chỉ cần có người tiến gần về phía mình là lập tức giơ tay lên chống đỡ.
 
Chắc chắn đứa trẻ đã phải nếm trải đòn roi và ánh mắt kỳ thị, trêu trọc của mọi người. Điều đầu tiên tôi muốn là phụ huynh thay đổi cách nhìn nhận về con mình. Họ muốn con trẻ được giải phóng thì trước tiên chính họ phải giải phóng cách nhìn nhận của mình về con”.
 
Ở SforA, chị Thu dành 50% thời gian để trị liệu tâm hồn cho các con bằng âm nhạc và vận động. Âm nhạc sẽ kích hoạt hầu hết vùng não bộ. Sau khi trị liệu, trẻ sẽ được học tất cả bộ môn như văn hóa cơ bản, kỹ năng sống, tiếng Anh...
 
Lớp học không có tiếng khóc, không có chuyện các bé đánh nhau, mà chỉ có tiếng cười trong trẻo, những cái nắm tay thân thiết, cái ôm vỗ về cùng những bản nhạc.
 
Bên cạnh công việc của một nghệ sĩ viola, của một cô giáo luôn tận tụy với học trò tại trung tâm, chị Nguyệt Thu còn luôn sẵn sàng giúp đỡ những bà mẹ có con tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn, cùng bạn bè chung tay hỗ trợ những mảnh đời kém may mắn.
 
Ước mơ của nữ nghệ sĩ là mô hình SforA có thể nhân rộng nhiều nơi, để trẻ tự kỷ có cơ hội được vui vẻ đến trường, được hồi phục và làm chủ cuộc sống của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm