Gỡ nút thắt vốn vay cho khoảng 600 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa

01/04/2018 - 14:24
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc, công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Mở xưởng may gia công từ năm 2009, chị Nguyễn Thị Thu Hà, ở xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Nội, gây dựng được doanh nghiệp siêu nhỏ với 20 nhân công may. Nguồn vốn ít ỏi của gia đình, cộng thêm vay mượn của người thân cũng chỉ đầu tư được vài máy may. Qua nhiều năm “lấy ngắn, nuôi dài” chắt chiu từng đồng vốn rồi cũng có được “cơ ngơi” là 20 đầu máy khâu; tạo việc làm cho 20 chị em phụ nữ người khuyết tật trong xã với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Chị tâm sự, làm doanh nghiệp siêu nhỏ khó trăm bề; bí bách nhất chính là tiếp cận nguồn vốn vay rất khó khi tài sản thế chấp không có; vốn tự thân thì như “gió vào nhà trống”. Những đợt cao điểm có đơn hàng lớn đặt gia công các mặt hàng ví da, túi da xuất khẩu mà không đủ vốn để đầu tư thêm máy móc, nhân công. “Bí vốn”, ít có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay để sản xuất lớn mà bỏ lỡ cơ hội phát triển hơn, là điều tiếc nuối không chỉ của riêng chị Hà, còn là khó khăn chung của hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang hoạt động trên cả nước.

doanh-nghiep-sieu-nho.jpg
Chị Nguyễn Thị Thu Hà tại xưởng may của mình ở ở xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Nội - ảnh H. Hòa

 

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nước ta hiện có gần 600 ngàn DNNVV, chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp nhóm này đóng góp khoảng 40% GDP hằng năm, thu hút gần 60% lực lượng lao động. Tuy vậy, các DNNVV phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với số lượng lao động ít; chưa phát huy được tiềm năng để có thể đóng góp nhiều hơn nữa so với tiềm năng vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Trong tổng số DNNVV thì các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn (hơn 90%). Nút thắt lớn nhất là họ gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, không có tài sản thế chấp vay để tiếp cận vốn; thiếu nguồn lực tài chính đầu tư máy móc, công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển mạnh mẽ hơn…

doanh-nghiep-sieu-nho-2.jpg
Doanh nghiệp nhỏ và vừa thu hút tới 60 lực lượng lao động - ảnh H. Hòa

 


Để tháo gỡ “điểm nghẽn” về nguồn vốn, ngày 30/3, Văn phòng Chính phủ cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp này vay vốn tại các tổ chức cho vay theo quy định.

Nghị định 34 nêu rõ điều kiện để các DNNVV được cấp bảo lãnh tín dụng, cụ thể:

1- Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay;

2- Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định;

3- Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh;

4- Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ 01 năm trở lên theo Luật quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp;

5- Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định.

Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa bằng 100% giá trị khoản vay (bao gồm cả vốn lưu động và vốn trung, dài hạn) tại tổ chức cho vay. Căn cứ vào tính khả thi, mức độ rủi ro của doanh nghiệp, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của Quỹ, Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, quyết định cụ thể mức bảo lãnh cho doanh nghiệp.

Thời hạn cấp bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng được xác định phù hợp với thời hạn vay vốn đã thoả thuận giữa các bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh tại hợp đồng tín dụng và được quy định rõ trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng, chứng thư bảo lãnh ký kết giữa các bên liên quan theo quy định.

Nghị định này cũng quy định rõ: Quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan. Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm