Hoảng hồn phát hiện con… hút cần sa
Chị Vương Hồng Thi (Hà Nội), có con theo học trường THPT FPT khóa 2014-2017 thừa nhận, việc vợ chồng chị quyết định cho con theo học nội trú đã giúp con chị trưởng thành hơn rất nhiều, đặc biệt là sự thích nghi với môi trường tập thể. Khi thực hiện theo kỷ luật, nội quy của nhà trường, đặc biệt là nề nếp sinh hoạt cá nhân đã rèn cho cháu thói quen tự giác. “Ở nhà, buổi tối bố mẹ luôn phải nhắc nhở chuyện học bài, giờ giấc đi ngủ, sáng phải gọi mãi mới dậy thì khi vào nội trú, cháu buộc phải tuân thủ đúng theo quy định của nhà trường”, chị Thi cho hay.
Hồi học THCS, con của chị Thi sức học chỉ vào loại khá, không nổi trội nhưng cháu lại rất cá tính và thích làm theo đam mê, sở thích. Chính vì vậy, khi vào học ở FPT, cháu không phải căng mình để học văn hóa, chạy đua với học thêm mà còn được khích lệ tư duy sáng tạo, có cơ hội khám phá bản thân, phát triển sở trường cá nhân.
Cũng nhờ tham gia vào các câu lạc bộ ở trường mà cháu trở nên yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh và mỹ thuật. Kết thúc lớp 12 ở trường THPT FPT, cháu thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Mới đây, cháu sang Cộng hòa Séc du học. “Khi cháu quyết định đi du học, vợ chồng tôi khá yên tâm vì 3 năm học nội trú đã rèn rũa cho cháu tác phong độc lập cũng như cách sống trong môi trường tập thể xa nhà”, chị Thi chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chị Thi, bên cạnh rất nhiều điều chị hài lòng về môi trường nội trú ở trường THPT FPT thì cũng có một số việc chưa như ý. Về điều này, chị Thi không đưa ra bình luận hay đổ lỗi cho phía nhà trường mà theo chị, điều quan trọng là cha mẹ vẫn phải sát sao để uốn nắn, bảo ban con kịp thời.
Một trong những chuyện buồn ngoài ý muốn đó là vào năm học lớp 11, con chị và một số bạn trong trường hút cần sa. Khi phát hiện điều này, chị khá choáng váng. Biết con cá tính, vợ chồng chị cố gắng giữ bình tĩnh để nói chuyện với con. Cứ nghĩ cháu sẽ chối phắt và phản ứng lại cha mẹ nhưng không ngờ, cháu rất bình thản thừa nhận và thông tin thêm ở lớp cháu, cũng có vài bạn hút cần sa.
“Cần sa không phải ma túy. Chúng con thừa biết tác hại của ma túy. Bố mẹ cứ yên tâm, chúng con chỉ hút cho biết chứ chúng con có nghiện đâu”. Trước câu trả lời “đanh thép" của con, vợ chồng chị Thi không dám làm căng. Chị biết, “cái tôi” của con “cao vời vợi” nên nếu chị cấm đoán, lên án gay gắt với con sẽ khiến kết quả theo chiều tiêu cực. Thay vào đó, chị gần gũi con hơn, phân tích, tác động để cháu bỏ hút cần sa. Đến năm lớp 12, tập trung vào ôn thi Đại học Mỹ thuật Hà Nội, cháu đã “đoạn tuyệt” với “phong trào chơi cỏ”.
Học sinh kinh doanh quà vặt lãi 5 đến 6 triệu đồng/tháng
Chi Thi còn cho biết, ngoài “phong trào chơi cỏ”, “phong trào buôn bán” trong học sinh nhà trường cũng khá sôi nổi. Có cậu học sinh tên M. học cùng con trai chị Thi, nhờ việc bán quà vặt cho các bạn trong lớp, trong trường mà mỗi tháng lãi 5, 6 triệu
Học sinh M. nhà ở nội thành, cứ cuối mỗi tuần về nhà, cậu lại đi mua thịt bò khô (loại gói 1kg) về chia nhỏ ra các túi. Mỗi cân cậu chia được vài chục túi, mỗi túi bán lẻ các mức 10, 20, 30.000đồng. Bên cạnh đó, cậu còn mua thêm hoa quả và các loại quà vặt khác lên trường “để sỉ” cho các bạn ở quê xa không về nhà… “Nếu như nhiều bố mẹ nghiêm khắc, chỉ ép con học, sợ con buôn bán làm ảnh hưởng đến kết quả học tập nhưng với mình, nhìn ở góc độ tích cực thì mình lại cho đây là “tố chất” kinh doanh của cậu bé”, chị Thi bày tỏ quan điểm.
Không chỉ M. mà còn có nhiều bạn khác trong lớp, trong trường cũng có “máu kinh doanh”. Mặc dù nhà trường có siêu thị bán đầy đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu của các con song với lượng học sinh nội trú lớn thì nhu cầu mua-bán trao đổi hàng hóa giữa các học sinh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chắc chắn, việc giao dịch tiền giữa các học sinh sẽ nảy sinh những vấn đề tiêu cực (như vay mượn, mua chịu... dẫn đến mâu thuẫn).
Việc bán quà vặt trong trường là vi phạm nội quy nhưng vì các con bao che và “bọc lót” cho nhau rất tốt nên giáo viên chủ nhiệm và giáo viên quản nhiệm khó có thể biết được. “Học sinh trường FPT vốn là những cô cậu học trò rất thông minh (điều này được thể hiện qua các vòng sơ tuyển của trường để chọn đầu vào). Ở nội trú, các con không có nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường cuộc sống bên ngoài như các bạn học trường bán trú hoặc ngoại trú. Việc mua bán, trao đổi của các con hầu hết là online. Do vậy, dù nghiêm ngặt thế nào thì giáo viên và quản sinh cũng khó mà quản lý được”, chị Thi giải thích.
Quy định về tuyển sinh lớp 10 trường THPT FPT năm học 2018-2019 Đối tượng tuyển sinh: Toàn bộ học sinh Việt Nam đã hoặc sẽ tốt nghiệp THCS trong năm 2018 . Nhóm học sinh được miễn thi sơ tuyển, gồm: - Học sinh lớp 9 đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức với các ngành chuyên môn. - Học sinh lớp 9 đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn nghệ; thể dục thể thao do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức. - Học sinh đạt từ giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương năm học lớp 9 các môn văn hoá và các môn khoa học kỹ thuật. - Học sinh tại thành phố Hà Nội có tổng điểm thi vào 10 năm học 2018 – 2019 từ 50 điểm trở lên (nếu còn chỉ tiêu). Nhóm học sinh phải tham dự kỳ thi sơ tuyển của trường (đã tổ chức thi ngày 20/5): Học sinh có kết quả học tập và xếp loại hạnh kiểm năm lớp 9 đạt từ loại Khá trở lên. Thời gian làm thủ tục nhập trường Phụ huynh và học sinh đến làm thủ tục nhập trường và nhận phòng Ký túc xá (KTX) vào ngày Chủ nhật, 05/8/2018, thời gian từ 08h00’ đến 10h30’. Lễ nhập trường được tổ chức vào lúc 16h00’– 18h30’cùng ngày. (Nguồn: thpt.fpt.edu.vn) |