pnvnonline@phunuvietnam.vn
Góc nhìn phảng phất nét trào phúng từ các nhà thiết kế tương lai
Trở lại sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch, Re:birth là một trong những Tuần lễ thời trang tốt nghiệp đặc biệt nhất từ trước tới nay của Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội. Đó là các bộ sưu tập thể hiện những tư duy khác biệt từ các nhà thiết kế trẻ GenZ.
Re: Birth/ Tái sinh là cơ hội để tôn vinh sự sáng tạo và tự do, thể hiện tư duy hướng tới tương lai. Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022 sẽ mang đến một làn sóng những nhà thiết kế trẻ sáng tạo với tầm nhìn chung là thúc đẩy những điều tích cực, tư duy mới mẻ và tạo nên thay đổi trong ngành công nghiệp thời trang.
Á hậu Hoàng Anh và diễn viên Trần Vân (Phố Trong Làng) là hai trong số những khách mời dự show.
Ngô Hồng Anh - bộ sưu tập Humanoid nói về cuộc chiến đấu của những người trẻ thế hệ GenZ chống lại sự đánh mất nhân tính bên trong chính mình khi sống ở thời kỳ quá lệ thuộc vào công nghệ.
Nguyễn Thu Ngân - bộ sưu tập Gagarin kể câu chuyện của một thế hệ sống đối diện với ngày tàn. Trong mắt nhà thiết kế, chiến tranh, bệnh tật, chủ nghĩa hậu tư bản và một thế hệ trẻ chán nản với thực tại là thế giới mà ta đang sống hiện nay.
Trần Quốc Anh - bộ sưu tập Hạnh phúc của một tang gia/ Happiness of a funeral lấy cảm hứng từ phong trào Âu hóa trong tiểu thuyết “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng), “Hạnh phúc của một tang gia” thể hiện sự châm biếm dành cho giai cấp tư sản, quý tộc và thể hiện rõ tinh thần Đông Dương.
Sự kịch tính được thể hiện trong các hình khối đến từ phom dáng kết hợp giữa phương Tây và phương Đông. Màu sắc tương phản, nhấn nhá bởi gam màu nóng như đỏ, hồng.
Lê Thị Hồng Ngọc - bộ sưu tập Mơ tỉnh là giấc mơ của một cô gái sống trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Bộ sưu tập áp dụng các kỹ thuật xử lý chất liệu thủ công như smocking pleat kết hợp với chất liệu tái chế nhằm khắc họa chân thật những nét vẽ trong các tác phẩm thuộc trường phái này.
Trần Thái Anh - bộ sưu tập Tan biến/ Deliquesce lấy cảm hứng từ hình ảnh của bộ phim Annihilation, nói về sự hủy diệt và đột biến, bộ sưu tập “Deliquesce” miêu tả cách con người và thiên nhiên hòa vào làm một, thông qua chất liệu chính là vải lưới. Thiết kế mang phong cách nhẹ nhàng, thanh lịch cùng với những gam màu chủ đạo mang đậm nét thiên nhiên thuần khiết.
Nguyễn Hà Chi - bộ sưu tập Cultural mosaic/ Giao thoa văn hóa, sử dụng những hình in độc đáo với gam màu xu hướng Pop Art lấy ý tưởng và phát triển từ những hình ảnh mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.
Nguyễn Hạ Lam - bộ sưu tập Sable, thể hiện những cảm xúc đan xen của Hạ Lam trong suốt 3 năm theo đuổi thời trang. Trong khi những người xung quanh đầy các ý tưởng điên rồ, phá cách, nổi bật thì nhà thiết kế lại chọn hướng tối giản, thuần khiết và tinh tế.
Nguyễn Thiên Thảo - bộ sưu tập Anarchist thể hiện góc nhìn coi guồng quay thời trang như một lò mổ, tàn sát các nhà thiết kế thời trang vì tiền bạc và danh vọng, vắt kiệt sức lao động của họ. BST dùng kỹ thuật xé vải, rút sợi tạo nên chất liệu độc đáo.
Chu Thị Thái Hà - bộ sưu tập Thị. Chữ “Thị” có trong tên lót của phụ nữ, ở Việt Nam, đây là một cách dễ để phân biệt tên nam và nữ. Bộ sưu tập “Thị” xây dựng hình ảnh người phụ nữ tươi mới, mạnh mẽ, độc lập trái ngược với người phụ nữ bị áp đặt bởi những hủ tục thời xưa.
Nguyễn Thu Trang - bộ sưu tập Sự duy nhất với chi tiết trang trí mô phỏng chuỗi ADN để nhắc nhở tất cả: mỗi người đều có một bộ ADN khác nhau, có giá trị riêng.
Nguyễn Thị Hương Giang - bộ sưu tập Year Dot là cái nhìn tích cực về quá khứ: Chiến tranh đã qua đi và những gì chúng để lại không chỉ là những vết thương mà còn là tiền đề cho các phát triển y học như phẫu thuật thẩm mỹ, điêu khắc mặt nạ. bào xé vải, làm nhăn, khâu tay.
Bùi Thị Thu Hường - bộ sưu tập Imperfect: Cơ thể của phụ nữ hay những cảm xúc của họ thay đổi theo thời điểm mà bạn gặp họ. Sự thay đổi đó đã truyền cảm hứng cho bộ sưu tập “Imperfect" với mong muốn hướng tới những khách hàng là phụ nữ độc lập tự chủ, không bị phụ thuộc.
Phạm Thị Huệ Anh - bộ sưu tập 24, kết hợp giữa yếu tố truyền thông và hiện đại lấy cảm hứng từ thị trấn Sapa và trang phục dân tộc H'Mông. Đó cụ thể là những cảnh đẹp thiên nhiên, phong cảnh, ruộng bậc thang, kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như: Nhà trình tường, núi Fansipan, Cầu mây...
Ngô Ngọc Dương - bộ sưu tập Nỗi đau/Break the loop. Với bộ sưu tập “Nỗi đau", Ngọc Dương mong muốn góp tiếng nói đánh thức mọi người về vấn nạn bạo hành trẻ em. Đồng thời, Nhà thiết kế còn muốn đề cao quyền trẻ em và nhắn nhủ tới những bậc phụ huynh hãy dành thời gian để lắng nghe và hiểu con mình hơn.
Nguyễn Ngọc Trâm - bộ sưu tập Bùa yêu/Love Charms: Bộ sưu tập mang tinh thần trẻ trung thể hiện niềm hạnh phúc khi yêu với họa tiết trái tim được lặp lại qua nhiều cách thể hiện khác nhau. Bảng màu bao gồm những tông màu tươi sáng như xanh, hồng, tím tạo nên sự tương phản với tông màu đen.
Hoàng Thị Minh Hằng - bộ sưu tập Nhộng/Nymph, vẻ đẹp của loài bướm đã truyền cảm hứng cho nghệ thuật từ xưa tới nay. “Nhộng" lấy cảm hứng từ sự biến hóa của một con bướm. Nhà thiết kế muốn tôn vinh sức mạnh và vẻ đẹp của một con nhộng trong giai đoạn dễ bị tổn thương để tự hào tung cánh bay trong nắng, như một phép ẩn dụ về sự bứt phá khỏi mọi rào cản của thế hệ trẻ.
Đào Thu Trang - bộ sưu tập Coup D'etat phải khâu đột bằng tay hàng nghìn mảnh denim tái chế ghép lại. Các thiết kế được thực hiện bằng kỹ thuật xử lí chất liệu tái chế ; sử dụng lại quần áo cũ để thiết kế trang phục mới nhưng vẫn giữ được sự sang trọng, lịch lãm, và thoải mái với áo sơ mi oversized và quần cạp trễ của thời trang đường phố.
Phạm Quỳnh Anh - bộ sưu tập Hoài niệm/ Nostalgia, mô tả về thời kỳ bao cấp ở Việt Nam, từ năm 1975 đến năm 1989, thời kỳ mà mọi hoạt động kinh tế đều được nhà nước bao cấp. Đặc điểm nổi bật của thời đó là tem phiếu hay những câu nói cửa miệng, những câu ca dao, tục ngữ phổ biến. Những bộ trang phục tối màu, vải dày hoặc cứng, to và rộng được lấy cảm hứng từ trang phục của nam thủ lĩnh thời bấy giờ.
Nguyễn Thanh Hiền - bộ sưu tập Chinh phục bầu trời/ Fly to the sky. Chất liệu chủ đạo là vải ánh kim, vải bắt sáng, phản quang kết hợp với khaki có độ bền cao và kỹ thuật đóng ore, đính kim loại lên vải. Phom dáng của bộ sưu tập lấy từ những chi tiết cấu tạo của vỏ máy bay, phi thuyền, động cơ phản lực... Bảng màu lấy cảm hứng từ màu của nền trời, vũ trụ, những thiết bị bay và những vì sao từ ảnh chụp của NASA.
Nguyễn Thị Thùy Dung - bộ sưu tập Parasitism gồm 400 quả cầu khâu tay. Một chiếc váy phải khâu rút dúm bằng tay mất 2 tuần để tạo hiệu ứng tự nhiên. Bộ sưu tập mang phong cách nữ tính nhưng mạnh mẽ với sự kết hợp giữa lồng váy, corset và phom váy dài của đồ dạ hội với một chút âm hưởng của thời trang đường phố.
Bùi Thị Trang - bộ sưu tập Sâu bướm/ Reflection, các thiết kế của “Sâu bướm" mô phỏng quá trình một con sâu biến thành chú bướm xinh đẹp. Thông điệp nhà thiết kế muốn truyền tải là mỗi con người đôi khi cũng giống như một con sâu, cần phải không ngừng thay đổi, phát triển bản thân, phá bỏ cái kén vốn là những khuôn mẫu, sự thiếu tự tin để có thể hóa thân thành một phiên bản tốt hơn.
Trần Yến Chi - bộ sưu tập Thiếu nữ u sầu/ Melancholy Maiden, màu sắc bộ sưu tập thể hiện những giai đoạn cảm xúc trong tình yêu và có độ tương phản cao: từ những gam màu hồng, đỏ đến đen, xanh với chi tiết được áp dụng kỹ thuật in 3D, đính kết và tạo nếp. Form dáng các thiết kế mang tính cổ điển lấy cảm hứng từ trang phục thời kỳ Phục hưng và Victoria.
Nguyễn Thúy Quỳnh - bộ sưu tập Tương quan/Interrelation, thiết kế chủ yếu sử dụng màu đen pha trộn tạo nên nhiều sắc độ đục, trầm. Nổi bật trên nền đó là màu xanh (electric blue) và đỏ (rich red). Bộ sưu tập sử dụng chất liệu tự nhiên như bông, len và vải lanh để tạo cảm giác thoáng mát, thoải mái.
Nguyễn Hà Phương - bộ sưu tập Giai điệu tình yêu/ Melodia D’amore, thiết kế mang nhiều dấu ấn của thời kỳ nghệ thuật Rococo Pháp với phom dáng đặc trưng như váy ôm, áo nịt ngực, áo bèo, tay phồng. Hình trái tim - xuất hiện nhiều trong nhiều chi tiết.
Nguyễn Phượng Linh - bộ sưu tập Bloomelou, màu sắc chuyển dần từ nhạt nhòa đến sống động, như thể từ sâu thành bướm, từ nụ thành hoa. Phom dáng chuyển từ vừa vặn đến phóng khoáng. Bộ sưu tập còn là sự kết hợp của soft tailoring và eveningwear với chất liệu từ vải mỏng nhẹ như lưới, đến những chất liệu vải nặng như da.
Trương Ngọc Cát Tường - bộ sưu tập Thức dùng vải tái chế và nhựa sinh học. "Thức” là bộ sưu tập là dành cho những ai quan tâm đến sự bền vững và vật liệu sinh học. Các thiết kế có phom dáng đường phố với chất liệu chính là nhựa sinh học cùng vải tái chế.
Nguyễn Thị Dung - bộ sưu tập Chuyển động cuộc sống/Motion of life có gam màu chủ đạo là hồng và xanh (tượng trưng màu của bầu trời, mặt nước). Trên nền chất liệu chính là organza và vải lưới (chất liệu thường để làm lót), NTK dùng kỹ thuật dập ly và xếp dúm xuyên suốt tạo nên phom dáng phồng, độ bồng bềnh cho sản phẩm.
Khương Thanh Hiền - bộ sưu tập Abyss, đến từ một trải nghiệm đặc biệt của nhà thiết kế. Đó là trạng thái tâm trí lơ lửng khi nhà thiết kế thấy một “cái tôi” khác tách ra khỏi mình với hình hài vô định.
Tuần lễ thời trang tốt nghiệp bao gồm các hoạt động: triển lãm tác phẩm tốt nghiệp các ngành thời trang, talkshow và hội thảo từ các chuyên gia trong ngành công nghiệp thời trang, tư vấn phong cách thời trang, chương trình vì cộng đồng "Áo mới đến trường" và trình diễn thời trang những bộ sưu tập sáng tạo nhất trên sàn catwalk.