Gợi ý 3 món ăn sáng giúp tăng cường sức đề kháng chống dịch cho người cao tuổi bị bệnh tim mạch

Anh Dũng
28/04/2020 - 13:41
Gợi ý 3 món ăn sáng giúp tăng cường sức đề kháng chống dịch cho người cao tuổi bị bệnh tim mạch
Người cao tuổi được chứng minh là nhóm có hệ miễn dịch suy giảm và có nguy cơ biến chứng nặng nếu nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhiều người cho rằng người cao tuổi bị bệnh tim mạch nên cắt bỏ hoàn toàn chất béo nhưng thực tế chất béo có thể giúp cơ thể hấp thụ vitamin và tăng cường hệ miễn dịch.

Theo PGS.TS. bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, chuyên gia về sinh dinh dưỡng cho biết, qua thời gian các cơ quan tim mạch, tiêu hoá, bài tiết,... của người cao tuổi bị suy giảm nên việc cân bằng thông qua chế độ ăn uống là cần thiết để giúp người cao tuổi có sức khoẻ dẻo dai và đời sống tinh thần lạc quan.

Theo thống kê về các đối tượng mắc bệnh COVID-19, thì người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính chiếm tỷ lệ cao, do sức đề kháng và miễn dịch kém hơn các đối tượng khác. Sức đề kháng và miễn dịch của con người được hình thành và phát triển kể từ khi họ được sinh ra, điều kiện quyết định để tạo ra sức đề kháng và miễn dịch khỏe mạnh là do chế độ dinh dưỡng cân đối và lối sống lành mạnh.

Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng - đối với người cao tuổi nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Theo khuyến nghị với người cao tuổi nhu cầu về năng lượng là từ 1700-1900 kcal/người/ngày. Nhu cầu protein từ 60-70 gam/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30% tổng số protein. Người cao tuổi ăn ít thịt, thay vào đó là các thực phẩm giàu can xi như: cá, tôm, cua (100 g tép chứa 910 mg can xi, 100 g cua chứa 5040 mg can xi).

Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần, nên ăn thêm sữa chua (dễ tiêu và có lợi cho tiêu hóa). Về chất béo: nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, tỷ lệ chất béo thực vật chiếm 35% tổng lượng chất béo. (Nguồn: ncov.moh.gov.vn)

1. Lưu ý trong dinh dưỡng cho người bị bệnh tim mạch trong mùa dịch

- Chất béo

Có rất nhiều hiểu lầm liên quan tới việc bổ sung chất béo vào chế độ ăn của người mắc bệnh tim mạch. Người ta cho rằng người bị bệnh tim mạch nên hạn chế ăn chất béo, nhưng điều này không có nghĩa là cắt giảm toàn bộ chất béo trong khẩu phần ăn. Một số chất béo tốt từ thực vật đóng vai trò hấp thụ các vitamin tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

- Tinh bột

Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó hay hạt điều nên được sử dụng thay thế cho những thực phẩm có chứa nhiều tinh bột đã qua tinh chế như bánh kẹo.

Gợi ý 3 món ăn sáng giúp tăng cường sức đề kháng chống dịch cho người cao tuổi bị bệnh tim mạch - Ảnh 2.

Người cao tuổi mắc bệnh tim mạch không nên ăn bánh kẹo ngọt (Ảnh: Internet)

- Chất đạm

Thay vì ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn thì người mắc các bệnh tim mạch nên bổ sung thực phẩm giàu chất đạm màu trắng như ức gà hay cá.

- Rau củ quả

Để tăng cường hệ miễn dịch, nhóm củ quả giàu vitamin C được khuyến khích bổ sung vào khẩu phần ăn như rau cải, ớt chuông, quả bơ, cam, quýt,... Đối với việc bổ sung vitamin C qua đường uống thì cần cân nhắc theo chỉ định của bác sĩ tránh tác dụng phụ không mong muốn do uống sai cách, uống sai liều,...

- Bổ sung những gia vị là kháng sinh từ tự nhiên như gừng, tỏi,...

- Luyện tập kết hợp với chế độ ăn uống khoa học

Ngoài chế độ ăn uống thì người mắc bệnh tim mạch cần có chế độ tập luyện khoa học để tăng cường sức khoẻ, sự dẻo dai, hỗ trợ lưu thông máu và giảm stress. Tuy nhiên với người bệnh tim mạch các bài tập cần phải tham khảo trước để không ảnh hưởng xấu tới tim. Có thể kể đến như các bài vẩy tay, đi bộ,...

2. Gợi ý 3 món ăn sáng giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người cao tuổi bị bệnh tim mạch

Dưới đây là 3 gợi ý cho bữa sáng giúp tăng cường sức đề kháng cho nhóm người cao tuổi đang mắc bệnh tim mạch trong mùa dịch Covid-19 bạn có thể tham khảo. Lưu ý nên lựa chọn các loại thực phẩm sạch, chế biến vệ sinh:

2.1. Món ăn kết hợp trứng bánh mì đen quả bơ

Trong lòng đỏ trứng ngoài việc chứa nhiều cholesterol thì cũng có các khoáng chất như vitamin D, B12, Folat, Roboflavin,... tốt cho hệ miễn dịch. Chuyên gia dinh dưỡng Deepshikha Agarwal (Ấn Độ) cho biết người bị bệnh tim mạch không nhất thiết phải cắt bỏ trứng hoàn toàn khỏi khẩu phần ăn.

Chế độ ăn như sau:

Đối với người bệnh tim có mức mỡ máu ở ngưỡng bình thường có thể ăn trứng 1 lần/tuần; người có mỡ máu cao thì nên ăn 1 lần/1 tháng.

Các món ăn từ trứng có thể tham khảo: trứng ốp la, trứng luộc, trứng trộn salad và trứng bác ăn kèm với bơ và bánh mì đen. Trong đó việc kết hợp với trái bơ giúp hỗ trợ tốt cho tim mạch. Cụ thể, trong trái bơ có chứa nhiều vitamin E có công dụng giảm từ 30-40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Ngoài ra, với sự hiện diện của nhóm axit béo không bão hoà đơn (còn gọi là MUFA) và axit béo không no nhiều nối đôi (còn gọi là PUFA) có tác dụng giảm thiểu nồng độ cholesterol trong máu hiệu quả.

Gợi ý 3 món ăn sáng giúp tăng cường sức đề kháng chống dịch cho người cao tuổi bị bệnh tim mạch - Ảnh 3.

Người bị bệnh tim mạch có thể ăn trứng mà không cần cắt giảm hoàn toàn (Ảnh: Internet)

Cách chế biến:

- Cho một lượng nhỏ dầu thực vật vào chảo chờ dầu nóng

- Đập trứng vào, sau đó đảo đều tới khi trứng chín

- Bơ đã chuẩn bị đem rửa sạch, dầm nát rồi phết lên bánh mì đen

- Cuối cùng đem trứng bác đã chiên chín lên trên.

Khi chế biến món này, bạn nên dùng bánh mì đen vì giàu beta-glucans, giúp giảm cholesterol, cholesterol toàn phần và lipoprotein mật độ thấp (LDL có hại).

2.2. Các món từ thịt thăn heo

Chế độ ăn như sau:

Đối với căn thịt thăn heo và rau củ thì người bệnh tim mạch có thể yên tâm ăn do có hàm lượng chất béo thấp mà lại chứa nhiều protein tốt cho sức đề kháng và tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên khi nấu cần hạn chế muối tránh làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não, bị suy thận hay suy tim.

Các món ăn từ thịt thăn heo có thể tham khảo: thăn heo luộc, thăn heo áp chảo, ruốc thăn heo,...

Cách chế biến canh thịt thăn rau củ:

- Chuẩn bị thăn heo và rau củ sạch (khoai tây, ngô Mỹ, cà rốt, đậu Hà Lan)

- Rau củ cắt nhỏ vừa ăn, thăn heo đem ướp với hành tỏi băm, gia vị và một chút hạt tiêu

- Phi hành trong chảo nóng, cho thăn heo vào xào săn rồi đổ 1,2 lít nước rồi đun sôi

- Cho rau củ vào nấu cho tới khi chín, gia giảm gia vị cho vừa miệng.

2.3. Các món ăn từ cá hồi

Chế độ ăn như sau:

Trong cá hồi có chứa rất nhiều protein và vitamin B, vitamin D và đặc biệt là axit béo omega-3. Lượng omega-3 trong cá hồi theo như kết quả một nghiên cứu của trường Y tế Cộng đồng - Đại học Harvard (Mỹ) có tác dụng hỗ trợ cải thiện huyết áp và lượng cholesterol trong máu. Và việc bổ sung đều đặn cá hồi vào khẩu phần ăn giúp giảm thiểu nguy cơ bị mắc các bệnh tim mạch.

Gợi ý 3 món ăn sáng giúp tăng cường sức đề kháng chống dịch cho người cao tuổi bị bệnh tim mạch - Ảnh 4.

Cá hồi có chứa nhiều omega-3 giúp hỗ trợ giảm cholesterol cho người bị bệnh tim mạch (Ảnh: Internet)

Các món ăn từ cá hồi: sashimi cá hồi, cá hồi áp chảo,...

Cách chế biến:

Cá hồi có thể làm sashimi để giữ lại tối đa dưỡng chất, tuy nhiên không phải ai cũng có kỹ thuật cắt thái sashimi nên cá hồi áp chảo là lựa chọn đơn giản và dễ thực hiện.

Lưu ý khi áp chảo ban đầu nên để lửa lớn để cá vàng đều hai mặt sau đó hạ lửa để cá chín bên trong và giòn đều ở bên ngoài.

Đối với món ăn này bạn có thể ăn kèm măng tây có chứa nhiều chất xơ và axit folic cùng vitamin nhóm B, các hợp chất saponin rất tốt cho tim mạch. Ngoài măng tây cá hồi áp chảo có thể ăn cùng cà rốt có chứa carotenoid, carotene hay lutein giúp bảo vệ trái tim khoẻ mạnh.

Nhìn chung, trong mùa dịch, người cao tuổi bị mắc bệnh tim mạch nên có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý, khoa học để có thể cải thiện và tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả, đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm