pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gợi ý 6 cách kỷ luật con không đòn roi
Ảnh minh họa: St
Dùng thời gian nghỉ
Khi con mắc lỗi, phụ huynh có thể kỷ luật bằng việc sử dụng thời gian nghỉ. Phụ huynh nên để con ngồi một chỗ trong khoảng thời gian nhất định. Đây là lúc để bạn bình tĩnh hơn, còn con của bạn có thể suy nghĩ về hành động sai của mình. Như thế, trẻ bắt đầu học được cách tự điều chỉnh cảm xúc một cách phù hợp và đưa ra lựa chọn đúng đắn hơn cho hành vi của mình.
Tước đặc quyền
Nếu con phạm lỗi, phụ huynh hãy cho con biết hậu quả là chúng bị mất đi đặc quyền. Thông thường, 24 giờ đồng hồ là đủ dài để dạy con của bạn học từ sai lầm của chúng. Ví dụ, con không được xem tivi, sử dụng máy tính, không được chơi đồ chơi trong một ngày hoặc lâu hơn. Đặc quyền chỉ có được trở lại khi con biết nhận lỗi và sửa sai.
Dạy kiểm soát cảm xúc
Việc phụ huynh kỷ luật con bằng đòn roi không thể dạy con cách cư xử tốt hơn. Bởi điều đó càng chứng minh phụ huynh không biết tự kiềm chế được cơn nóng giận. Như thế, phụ huynh càng không thể dạy trẻ cách bình tĩnh khi chúng tức giận những lần tiếp sau.
Trẻ học cách giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc và thỏa hiệp từ cha mẹ. Khi phụ huynh có được những điều này sẽ làm giảm đáng kể các vấn đề về hành vi của con.
Cho thấy hậu quả tự nhiên
Hậu quả tự nhiên cho con học hỏi từ những sai lầm của chính mình. Ví dụ, nếu con nói không muốn mặc áo khoác, mang áo mưa theo khi đi ra ngoài, phụ huynh hãy đồng ý với quyết định đó mà không cần tức giận vì con không nghe lời. Tới khi co ro vì trời lạnh hoặc ướt sũng người vì mưa, con của bạn sẽ hiểu cần phải rút kinh nghiệm cho những lựa chọn tiếp sau. Tất nhiên, phụ huynh nên đảm bảo trẻ con rút ra được bài học mà không bị lạnh, bị ướt người lâu, dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chỉ ra hậu quả nối tiếp
Một trong những cách tuyệt vời phụ huynh có thể sử dụng là giúp con hiểu được chúng sẽ chịu hậu quả nối tiếp gắn với quyết định sai. Ví dụ, nếu con không chịu ăn trưa, phụ huynh cũng không để con ăn đồ ăn vặt hoặc bữa ăn phụ. Nếu con từ chối chia sẻ luân phiên món đồ chơi với anh, chị em của mình, con sẽ không được sử dụng đồ chơi chơi đó trong vài ngày hoặc một tuần. Hậu quả nối tiếp gắn với hành vi cụ thể giúp con của bạn thấy được lựa chọn của chúng cần đúng đắn.
Thưởng cho hành vi tốt
Thay vì đánh đòn bởi con có hành vi sai trái, phụ huynh hãy thưởng cho trẻ khi chúng có hành vi tốt. Ví dụ, nếu con của bạn thường xuyên tranh cãi với anh, chị em của chúng, phụ huynh hãy đưa ra các phần thưởng để thúc đẩy trẻ hòa đồng hơn. Ví dụ, trẻ sẽ được thưởng một món đồ dùng học tập, được chơi điện tử thêm 5, 10 phút… Và như thế phụ huynh cũng tránh được bực tức, tránh phải đứng ra làm "trọng tài" cho các con.
Nhấn mạnh điểm tích cực
Điều này là cần thiết đối với trẻ. Ví dụ, khi trẻ đang chơi mà không vui vẻ với bạn bè, phụ huynh có thể giúp trẻ nhớ lại: "Hôm qua con cùng các bạn đã chơi trò chơi gì đó rất vui phải không?". Thay vì nóng giận mà la mắng, đánh đòn con, phụ huynh nên chuyển câu chuyện sang một hướng khác, tích cực, tập trung vào điều trẻ đã làm được và làm tốt.