pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gợi ý những món ngon bổ dưỡng cho bữa cơm gia đình khi tiết trời sang thu
Mặc dù đã bước vào những ngày đầu tiên của mùa thu, thời tiết mát mẻ hơn những vẫn rơi rớt những ngày nắng nóng. Lúc này chế độ ăn uống của mọi người cần được điều chỉnh cho phù hợp. Việc ăn uống theo mùa rất quan trọng, không chỉ giúp kích thích vị giác, luôn đảm bảo ngon miệng mà còn giúp cơ thể tận dụng được nguồn dinh dưỡng dồi dào của thực phẩm giúp nâng cao sức đề kháng.
Để chuẩn bị sức đề kháng tốt trước khi bước vào mùa khô hanh, bạn nên bổ sung dinh dưỡng bằng các thực phẩm này. Hãy thử xem gợi ý thực đơn cơm tối sau đây nhé.
1. Bí đỏ
Có thể nói rằng, bí đỏ là thực phẩm "signature" của mùa thu. Mặc dù bạn có thể ăn bí đỏ quanh năm nhưng đến mùa thu, bạn nên bổ sung dưỡng chất từ bí đỏ nhiều hơn. Bí đỏ giàu carotenen, vitamin và khoáng chất. Chúng giúp thúc đẩy nhu động ruột, cải thiện tình trạng táo bón. Đầu thu ăn bí đỏ có tác dụng kiện tỳ ích vị, dưỡng trung bổ khí, bổ phổi nhuận phế và giảm ho.
Món ngon gợi ý: Bánh bí đỏ
Nguyên liệu cần thiết
- 200g bí đỏ, 3g men nở, 50g đường, 300g bột mì, dầu ăn.
Cách thực hiện
Bước 1: Gọt vỏ bí đỏ và cắt thành các lát mỏng. Hấp chín bí sau đó dùng thìa dầm nát bí thành bột nhuyễn.
Bước 2: Khi bí còn ấm, cho 50g đường và 3g men bột vào khuấy đều. Tiếp đó cho bột mì vào nhồi thành khối bột mịn. Cho thêm 20ml dầu ăn, nhào kỹ lần nữa.
Bước 3: Rắc một ít bột khô lên thớt, nhào bột thành dải dài và cắt thành các phần nhỏ bằng nhau. Vo thành những viên bột hình tròn, dùng màng bọc thực phẩm bọc lại, đợi bột nở gấp đôi.
Bước 4: Không cần đổ dầu vào chảo, để chảo nóng trên lửa vừa, đặt bánh vào nướng đến khi ngả nhẹ màu một mặt thì lật sang mặt còn lại. Nướng áp chảo đến khi chín đều hai mặt. Hoặc bạn cũng có thể dùng lò nướng, nướng bánh ở nhiệt độ 190 độ C trong 5 phút. Có thể rắc chút vừng lên mặt bánh để trang trí.
2. Thịt vịt
Vào những ngày đầu thu rất thích hợp ăn thịt vịt. Thịt vịt giàu protein, vitamin, khoáng chất và axit béo không no. Chúng có tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, bổ khí, không sinh nóng giận. Ăn thịt vịt điều độ có thể giải cảm mùa thu, chống khô da.
Món ăn gợi ý: Đùi vịt sốt
Nguyên liệu cần thiết
- 2 cái đùi vịt, rượu nấu ăn, muối, gừng, hành, tỏi, ớt khô, nước tương, dầu hào, đường phèn, tiêu đen.
Cách thực hiện
Bước 1: Đùi vịt mua về rửa sạch với nước muối gừng. Vớt ra cho vào 1 thìa rượu nấu ăn, nửa thìa muối, 4 lát gừng thái chỉ, nửa thìa hành tím băm, trộn đều và ướp khoảng 2 giờ.
Bước 2: Cho xíu dầu vào chảo, úp mặt da vịt xuống, chiên cho da vịt ra bớt mỡ, đợi đến khi vàng đều hai mặt.
Bước 3: Lấy chảo khác đổ chút dầu vào, cho nửa thìa hành tím băm, gừng băm, tỏi băm vào phi thơm. Thêm ớt khô và tiêu đen để tăng độ cay. Có thể thêm 1 vài cánh hoa hồi. Tiếp đó thêm 3 thìa nước tương, 1 thìa dầu hào, 1 thìa đường phèn cùng 100ml nước. Đợi đun sôi hỗn hợp thì cho chân vịt vào, đun trên lửa vừa.
Sau khoảng 40 phút, vặn lửa lớn để nước sốt bám vào đùi vịt nhanh chóng, lấy thìa múc nước sốt rưới lên đùi vịt để ngấm. Đến khi nước sốt cạn, bám đều vào đùi vịt là được.
3. Củ sen
Mùa thu ăn củ sen rất hợp vị. Lúc này củ sen đã hội tụ đủ chất dinh dưỡng, ngon hơn khi ăn vào mùa hè. Củ sen là thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ăn củ sen có tác dụng ích tỳ vị, bổ phế nhuận phế, thanh nhiệt giải độc. Hàm lượng chất xơ trong củ sen có thể thúc đẩy nhu động ruột và cải thiện tình trạng táo bón.
Món ăn gợi ý: Chả viên củ sen
Nguyên liệu cần thiết
- 2 củ sen vừa, 150g thịt lợn bằm, hành lá, tiêu, dầu hào, gừng băm, tinh bột bắp hoặc bột năng.
Cách thực hiện
Bước 1: Củ sen gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ. Cho vào máy xay xay nhỏ. Cho củ sen xay nhuyễn vào bát cùng thịt bằm. Nếu bạn không thích ăn củ sen xay nhuyễn, có thể cho dùng dao băm nhỏ theo ý muốn.
Bước 2: Thêm hành lá xắt nhỏ, nửa thìa muối, 1/2 thìa cà phê tiêu trắng, 1 thìa dầu hào, 1/2 thìa cà phê gừng băm, 1 thìa tinh bột bắp. Trộn đều tất cả.
Bước 3: Viên nhân thịt băm củ sen thành viên tròn rồi ấn dẹt. Cho dầu vào chảo chống dính, cho các viên chả thịt băm củ sen vào, chiên trên lửa vừa và nhỏ, vàng đều hai mặt là được.
4. Ngô ngọt
Ngô ngọt giàu chất đạm, vitamin và khoáng chất có tác dụng khai vị, lợi dạ dày. Nguồn chất xơ dồi dào có trong ngô ngọt giúp thúc đẩy nhu động ruột, cải thiện tình trạng táo bón. Ngoài ra, ngô cũng giàu vitamin B1 và vitamin E, có thể cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.
Món ăn gợi ý: Ngô ngọt xào thịt băm
Nguyên liệu cần thiết
- 1 bắp ngô ngọt, 150g thịt băm, nửa quả ớt chuông đỏ, 1 thìa tỏi băm, dầu hào, xì dầu.
Cách thực hiện
Bước 1: Ngô ngọt tách hạt, chần qua nước nóng khoảng 30 giây rồi vớt ra để ráo. Ớt chuông rửa sạch, cắt hạt lựu nhỏ.
Bước 2: Cho tỏi bằm vào phi thơm, thêm thịt băm vào đảo nhanh tay, xào đến khi thịt băm đổi màu thì cho 1 thìa dầu hào vào, cùng 1/2 thìa nước mắm. Cho ngô và ớt chuông vào xào. Đảo đều và nêm nếm lại cho vừa miệng. Xào thêm 2 phút là được.