pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Nội: Đẩy mạnh công tác giám sát an toàn thực phẩm từ cơ sở
Bà Đặng Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, bà Đặng Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc, cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, UBND phường đã xây dựng kế hoạch 97/KH-UBND ngày 31/1/2024 về công tác an toàn thực phẩm năm 2024; Kế hoạch triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên địa bàn phường Hàng Bạc; Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu; Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024. Đặc biệt là năm 2024, UBND Phường xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ thị 34-CT/TW ngày 16/8/2024 của Ban bí thư về Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn phường.
Từ những cơ sở văn bản pháp lý đó, chúng tôi quán triệt triển khai xuống địa bàn, để làm tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn địa bàn phường.
PV: Xin bà cho biết những kết quả đã đạt được trong công tác giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn phường?
Bà Đặng Thị Hương Giang: Hiện nay trên địa bàn phường Hàng Bạc có 175 cơ sở sản xuất kinh doanh liên quan đến an toàn thực phẩm. Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND phường thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn. Phân công nhiệm vụ cụ thể bộ phận, đoàn thể và các cán bộ phụ trách về an toàn thực phẩm, như cán bộ Y tế, Công an, Văn hóa thông tin, Đô thị…, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Hàng năm UBND phường tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các khu tập trung đông hộ kinh doanh, bếp ăn tập thể, nhà hàng.
Ngoài ra UBND Phường cũng tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất để phát hiện các cơ sở vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc các nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Điều này giúp ngăn ngừa các trường hợp vi phạm tiềm ẩn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Các cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. (Các hình thức xử lý có thể bao gồm cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ hoạt động tạm thời). Trong đó, từ đầu năm đến nay phạt 17 cơ sở với số tiền 44 triệu đồng.
PV: Xin bà cho biết những giải pháp để làm tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn phường?
Bà Đặng Thị Hương Giang: Để làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND phường Hàng Bạc luôn xác định phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động trong cộng đồng. Trong năm 2024 Phường đã tổ chức 02 buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho người dân, các chủ cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Tổ chức truyền thông lồng ghép cùng các hội nghị khác, phát tờ rơi hoặc qua các phương tiện truyền thông như đài phát thanh.
Ngoài ra, hàng năm phường tổ chức 01 đợt khám sức khỏe định kỳ cho chủ cơ sở, nhân viên của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Đồng thời đẩy mạnh việc quản lý và kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, chú trọng việc kiểm tra nguồn gốc của thực phẩm để đảm bảo các sản phẩm thực phẩm đưa ra thị trường phải có giấy tờ chứng minh rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, và quá trình sản xuất.
Các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần được yêu cầu cung cấp thông tin về nguồn gốc thực phẩm, nhằm hạn chế việc tiêu thụ thực phẩm không an toàn.
PV: Trong thời gian tới UBND phường Hàng Bạc có những chương trình hành động giám sát an toàn thực phẩm như thế nào?
Bà Đặng Thị Hương Giang: Trong thời gian tới, đặc biệt là gần dịp Tết cổ truyền, phường Hàng Bạc sẽ có các kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường công tác giám sát và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, cũng là lúc nguy cơ về an toàn thực phẩm dễ xảy ra nếu không có sự giám sát chặt chẽ. Do vậy, UBND phường sẽ tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm qua các phương tiện truyền thông về việc lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp Tết, khuyến cáo người dân và các cơ sở kinh doanh thực phẩm không sử dụng các hóa chất, phẩm màu cấm và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến.
Thứ hai là tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nếu phát hiện sai phạm sẽ có biện pháp xử lý, chấn chỉnh.
Thứ ba là tăng cường kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là những giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm, sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm cung cấp chứng từ rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm. Đảm bảo các thực phẩm bán ra phải có giấy chứng nhận an toàn, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sẵn và thức ăn ngay.
Thứ tư là đẩy mạnh công tác giám sát các mặt hàng thực phẩm đặc biệt trong dịp Tết, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm có lượng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như thịt, cá, bánh kẹo, mứt, rượu bia, và thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn ngay.
Bằng các kế hoạch cụ thể trên, phường Hàng Bạc sẽ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện cho người dân và các cơ sở kinh doanh thực phẩm hoạt động hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn bà!