Hà Nội điểm danh các dịch vụ vẫn được hoạt động sau lệnh cách ly xã hội

Hải Yến
01/04/2020 - 10:21
Hà Nội điểm danh các dịch vụ vẫn được hoạt động sau lệnh cách ly xã hội
Liên quan đến việc nhiều người dân lại đổ xô đi mua, tích trữ thực phẩm trước lệnh cách ly toàn xã hội, Chủ tịch Hà Nội một lần nữa khẳng định: Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, nhân dân không tập trung đông người mua và tích trữ hàng hóa. Việc tập trung đông người sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị vẫn hoạt động

Ngay sau khi có lệnh cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký chỉ thị về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Hà Nội điểm danh cách dịch vụ vẫn được hoạt động sau lệnh cách ly xã hội - Ảnh 1.

Chợ dân sinh vẫn được phép duy trì các mặt hàng thực phẩm

Chủ tịch Hà Nội nêu rõ, biện pháp "cách ly" lúc này sẽ có tác dụng rất lớn, có tính chất quyết định đến việc ngăn chặn, không cho dịch  lây lan ra cộng đồng, lan rộng ra các nơi. 

Cụ thể, ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Sở Công Thương phải đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân; có phương án dự trữ trong tình huống phải kéo dài thời gian áp dụng cách ly. Lập danh sách các phương tiện được vận chuyển, phân phối lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, phục vụ an ninh quốc phòng.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh trừ các trường hợp sau: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); Trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, bệnh viện); Chợ dân sinh (gồm các gian hàng: lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; Cơ sở lưu trú du lịch; Chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; Dịch vụ khám chữa bệnh; Dịch vụ bưu điện; Dịch vụ ngân hàng, thanh toán điện tử; Dịch vụ viễn thông truyền hình; Dịch vụ bảo vệ; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt; Dịch vụ tang lễ, nghĩa trang, hỏa táng, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội. Khi giao dịch trong các loại hình kinh doanh dịch vụ nêu trên cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Thu tiền điện, nước, viễn thông... sau ngày 15-4

"Đề nghị các đơn vị cung cấp các dịch vụ điện, nước, các loại phí, dịch vụ viễn thông... của các hộ dân tăng cường các giải pháp trả tiền qua thẻ, qua online, nên giữ việc thu tiền các dịch vụ này sau ngày 15/4/2020", Chỉ thị nêu rõ.

Hà Nội điểm danh cách dịch vụ vẫn được hoạt động sau lệnh cách ly xã hội - Ảnh 2.

Người dân là yếu tố quyết định "thành" hay "bại" trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nguồn: Internet

Thực hiện các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo trợ cấp xã hội cho đối tượng chính sách, người nghèo, đối tượng yếu thế, không được để bất cứ một người dân nào thiếu lương thực, thực phẩm và tổ chức trả lương hưu qua thẻ ATM hoặc tại nhà...

Đồng thời các hộ gia đình, các ban quản lý các tòa nhà chung cư tăng cường công tác kiểm tra các thiết bị điện, các thiết bị PCCC đảm bảo không để xảy ra các sự cố chập điện, cháy nổ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ: "Đề nghị mỗi người dân Thủ đô bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Toàn bộ công tác phòng, chống dịch hiện đang được kiểm soát chặt chẽ, việc quyết định "thành" hay "bại" trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời điểm này cần phải có sự tham gia chung sức, đồng lòng, có trách nhiệm của tất cả mọi người dân trên địa bàn Thủ đô".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm