Hà Nội: Ngân hàng tự cho mình quyền “siết nhà” con nợ

09/06/2017 - 12:17
Cho người dân vay nợ, dù chưa đến hạn trả, Ngân hàng vẫn khởi kiện ra Tòa. Khi Tòa án đang thụ lý giải quyết, Ngân hàng rút đơn khởi kiện. Nhưng sau đó, Ngân hàng lại cho người đến, tự cho mình quyền thu giữ tài sản của công dân để đòi nợ…

Đòi nợ trước hạn

Theo đơn tố cáo của chị Phạm Thị Quỳnh Trang (SN 1971) và anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1970, chồng chị Trang), trú ở số 249 tổ 11 Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội, đầu năm 2013, do cần tiền để trả nợ làm ăn, vợ chồng chị đã gặp một số đối tượng môi giới vay vốn ngân hàng. Theo sự sắp xếp của những người này, vợ chồng chị gặp cán bộ tín dụng của Ngân hàng thương mại cổ phần KT – Chi nhánh Hoàng Quốc Việt để làm thủ tục vay vốn.

Sau đó, vợ chồng chị Trang đã ký Hợp đồng tín dụng số 54192/HĐTD/TH – TN/TCB – HQV – QNM ngày 06/02/2013 với Chi Nhánh Hoàng Quốc Việt của ngân hàng này vay số tiền là 5.950.000.000 đồng, thời gian vay là 264 tháng kể từ ngày giải ngân vốn vay đầu tiên.

“Sau khi ký hợp đồng, vợ chồng chúng tôi ký hợp đồng thế chấp tài sản là: thửa đất 54-1, tờ bản đồ số 43 có diện tích là 126,70 m2 và tài sản gắn liền với nhà đất là: Diện tích xây dựng 39,3m2 (thực chất nhà không phải là 39,3 m2), tại số 249, tổ 11, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội. Đồng thời bố mẹ chồng tôi là ông Nguyễn Quang Phúc và bà Trương Thị Định ký hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba thửa đất 54-2, tờ bản đồ số 43 có diện tích là 95m2 và tài sản gắn liền với nhà đất là: Diện tích xây dựng 6,7m2 (thực chất nhà không phải là 6,7 m2), tại số 249, tổ 11, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội.

Thực tế, trước khi ký vay tiền của ngân hàng, nhà của vợ chồng tôi đã xây nhà 5 tầng… Sau khi hoàn thành các thủ tục, đại diện của ngân hàng đã giao cho vợ chồng tôi số tiền mặt là 5.950.000.000 đồng. Không phải là chuyển khoản như ngân hàng đã xác định trong Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ”, chị Trang cho biết.

Ngày 12/6/2015, phía Ngân hàng cho rằng vợ chồng chị vi phạm hợp đồng, căn cứ vào hợp đồng tín dụng và kế ước nhận nợ, khởi kiện ra TAND quận Đống Đa đòi vợ chồng chị thanh toán: Nợ gốc: 5.747.158.000 đồng; Nợ lãi: 1.187.528.931 đồng…

Theo hợp đồng, vợ chồng chị được vay trong thời hạn là 264 tháng kể từ tháng 02/2013 (nghĩa là đến tháng 2/2035 mới phải trả hết nợ). Như vậy, việc Ngân hàng kiện ra tòa đòi tiền vợ chồng chị vay là trước thời hạn theo hợp đồng…

anh1.JPG
Chị Trang trình bày với PV

Không kiện được, tự cho mình quyền thu giữ?

Sau khi Ngân hàng có đơn khởi kiện, ngày 14/10/2015, TAND quận Đống Đa đã có thông báo thụ lý vụ án và tiến hành các thủ tục tố tụng để đưa vụ án ra xét xử.

Tại toà án, vợ chồng chị Trang đã trình này nội dung nêu trên và không đồng ý với nội dung khởi kiện của Ngân hàng.

Dường như biết mình “yếu thế”, ngày 27/4/2017, Ngân hàng đã rút đơn khởi kiện, không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án. Cùng ngày, TAND quận Đống Đa ra quyết định số 12/2017/QĐST-DS đình chỉ giải quyết vụ án này.

Cứ tưởng rằng, sau khi Ngân hàng rút đơn khởi kiện và vụ án được đình chỉ, vợ chồng chị Trang sẽ được yên ổn làm ăn để trả nợ. Thế nhưng, Ngân hàng đã bất ngờ ra thông báo thu giữ tài sản bảo đảm là nhà đất của vợ chồng chị Trang. Và ngày 26/5/2017, khoảng hơn mười người của Ngân hàng xông vào nhà đất của vợ chồng chị Trang đòi thu giữ nhà đất của chị.

Vì vậy, gia đình chị Trang không đồng ý và báo cho công an phường Láng Thượng. Ngay sau đó, lực lượng công an đến và yêu cầu các bên phải đảm bảo an ninh trật tự, mọi việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Văn phòng Luật sư Trường Lộc, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cho rằng: Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu gia đình chị Trang và ngân hàng có tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp thì phải khởi kiện ra toà án giải quyết. Trên thực tế, ngân hàng đã khởi kiện và từ bỏ quyền khởi kiện. Vì vậy, Ngân hàng không thể tự cho mình quyền chiếm giữ tài sản của người khác.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, với các nội dung trên, Ngân hàng đã có dấu hiệu vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dung được quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự, cụ thể điều luật này quy định: “1. Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm: a) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật; b) Cho vay quá giới hạn quy định; c) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng”. Vì trên thực tế, Ngân hàng đã cho vay không đúng quy định, giải ngân cũng không đúng quy định.

Ngoài ra, việc tự ý cho người đến để thu giữ gia đình chị Trang, nhằm chiếm giữ tài sản cũng có dấu hiệu của Tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự. Theo Điều 124 BLHS, thì: “1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm; 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm