Hà Nội, người dân đi cấp cứu phải báo cáo Tổ trưởng dân phố: Chính quyền nói gì?

Nguyễn Long
10/09/2021 - 10:34
Hà Nội, người dân đi cấp cứu phải báo cáo Tổ trưởng dân phố: Chính quyền nói gì?

Tòa chung cư HH1C Linh Đàm

Người dân chỉ được ra khỏi tòa nhà nếu có giấy đi đường trình cho bảo vệ. Trong trường hợp đi cấp cứu phải thông báo cho Tổ trưởng tổ dân phố... Những quy định "oái oăm" này đang khiến hàng trăm hộ dân vô cùng bức xúc.

"Đi mua đồ thiết yếu mà cứ như đi ăn trộm"

Đã nhiều ngày nay, liên tục xảy ra xung đột giữa cư dân tòa nhà HH1C Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) với Tổ dân phố (TDP) 34 và Tổ quản lý luồng xanh (do tổ dân phố lập ra). Nguyên nhân bắt nguồn từ quy định do tổ dân phố đề ra.

Theo đó, khoảng 800 hộ dân sống trong tòa nhà HH1C không được ra ngoài, trừ trường hợp có giấy đi đường để đi làm và những người đi mua thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, người đi mua thuốc chỉ được đi trong khoảng thời gian nhất định và không được mua bất cứ thứ gì ngoài thuốc. Ngoài 2 "đối tượng" nêu trên, tất cả cư dân đều không được ra khỏi tòa nhà.

"Không được ra ngoài nên cuộc sống đảo lộn. Không phải cái gì cũng có thể mua bán online được. Cả tầng chúng tôi gồm 20 gia đình phải nhờ một hai người có giấy đi đường, hàng ngày vẫn đi làm mua hộ đồ ăn, thức uống", chị Thùy L., Tòa HH1C chia sẻ.

Để quản lý người ra vào tòa nhà, TDP 34 đã phát cho mỗi gia đình 2 "thẻ cư dân". Theo người dân ở đây, việc quản lý người ra vào ở thời điểm dịch Covid-19 đang phức tạp là rất cần thiết. Thế nhưng, việc TDP tự ý "cấm cửa" không cho người dân ra ngoài khiến nhiều người bức xúc.

"Mỗi lần ra đi mua thuốc, tôi bị căn vặn như bị... hỏi cung. Nếu đi lâu liền bị nhắc nhở với thái độ rất khó chịu. Có hôm gia đình tôi hết nước mắm, vợ tôi phải viện cớ đi mua hộp vitamin C cho con thì mới được ra ngoài. Mỗi lần như vậy, vợ tôi phải mặc áo khoác hoặc áo chống nắng để giấu đồ ăn trong áo, vì nếu bị phát hiện sẽ bị thu thẻ cư dân. Đi mua đồ thiết yếu mà cứ như đi ăn trộm", anh D., một cư dân tòa nhà nói và cho biết, nhưng lúc cấp bách như thế, chờ mua hàng online thì chắc đến đêm.

Hà Nội, người dân đi cấp cứu phải báo cáo Tổ trưởng dân phố: Chính quyền nói gì? - Ảnh 1.

Người dân tòa HH1C lấy thực phẩm đặt online trước sảnh tòa nhà

Được biết sau khi tòa nhà HH4C (Linh Đàm), xuất hiện ổ dịch, chợ và các ki ốt quanh chung cư HH đều bị đóng cửa đến nay. Mỗi tòa chỉ còn lại 1 quầy thuốc chữa bệnh và 1 cửa hàng tạp hóa để phục vụ cư dân.

Tuy nhiên, với cách làm như TDP 34, cư dân ở HH1C cũng không được xuống tạp hóa ở dưới tầng 1 tòa nhà mua hàng. Tòa nhà HH1C không hề có ca Covid-19 nhưng theo người dân ở đây, TDP 34 đang áp dụng giống như tòa nhà đang bị phong tỏa. Điều này trái ngược với Chỉ thị 16 của Chính phủ và quy định của UBND TP Hà Nội về phòng chống dịch Covid-19.

Đi cấp cứu phải thông báo cho tổ dân phố

Mặc dù vấp phải sự phản ứng gay gắt của cư dân nhưng TDP 34 vẫn không có sự điều chỉnh nào. Ngược lại, ngày 8/9, bà Lê Thị Bạt – Tổ trưởng, cùng ông Nguyễn Hữu Tùng – Bí thư Chi bộ TDP còn tiếp tục ra thông báo với nội dung tiếp tục thực hiện kiểm soát cư dân.

Nội dung thông báo yêu cầu: "Xuất trình giấy đi đường hợp lệ khi đi ra ngoài làm việc, trong trường hợp khẩn thiết. Đi mua thuốc phải gửi lại thẻ cư dân tại bàn trực, giới hạn 30 phút trở lại. Khi đi mua thuốc không được mua kèm hàng hóa. Nếu cố tình vi phạm sẽ bị thu thẻ cư dân và không cấp lại".

Hà Nội, người dân đi cấp cứu phải báo cáo Tổ trưởng dân phố: Chính quyền nói gì? - Ảnh 2.

Không được ra ngoài nếu không có giấy đi đường

Đối với trường hợp đi tiêm phải "có giấy/tin nhắn hẹn, danh sách tiêm. Đi cấp cứu, phải thông báo cho Tổ trưởng TDP/trưởng tòa nhà". Ngoài ra, thông báo cũng quy định, toàn bộ cư dân không được mua hàng trực tiếp, phải thực hiện mua hàng online.

Trong Thông báo của TDP 34 cũng quy định "quyền hạn của Tổ tự quản và tổ trực". Theo đó, tổ này được phép "kiểm tra thẻ cư dân để được vào tòa nhà, giấy đi đường hợp lệ để ra khỏi tòa nhà. Không có giấy đi đường hợp lệ không được ra khỏi tòa nhà".

Cũng tại Thông báo này, người dân khi đi mua thuốc phải giải thích rõ về thời gian cho phép. Tổ trực có quyền thu lại thẻ nếu cư dân đi quá thời gian hoặc kèm theo mua đồ khác.

"Các trường hợp khẩn cấp khác phải xin phép Tổ trưởng TDP, Bí thư Chi bộ, Trưởng tòa nhà", Thông báo viết và cho biết thời gian áp dụng các nội dung trên sẽ hết khi TP Hà Nội không còn áp dụng Chỉ thị 16.

Có một chi tiết đáng chú ý, trong Thông báo của TDP 34 cho biết, những Quy định trên được "thực hiện theo Quyết định 2258/QĐ/UBND ngày 5/8/2021 của UBND phường Hoàng Liệt về ban hành quy chế hoạt động Tổ tự quản an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại tổ dân phố trên địa bàn phường Hoàng Liệt và Quyết định số 2306/QĐ-UBND ngày 6/8/2021 của UBND phường Hoàng Liệt".

Sẽ chấn chỉnh ngay

Sau khi có thông báo này, nhiều cư dân đã yêu cầu được đối chất với Tổ trưởng TDP 34 để làm rõ, có đúng là thông báo này dựa trên 2 Quyết định 2258 và 2306 của UBND phường Hoàng Liệt? Tuy nhiên, yêu cầu trên đã không được đáp ứng.

Trao đổi với PV Báo PNVN, đại diện UBND phường Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết, trước diễn biến dịch Covid-19 đang phức tạp, phường tiếp tục tăng cường kiểm soát tại khu chung cư HH Linh Đàm - nơi có mật độ dân cư đông đúc.

"Tại khu chung cư HH Linh Đàm có 12 tòa nhà, trong đó có 11 tòa, người dân chấp hành rất tốt, không có phản ánh gì. Riêng tòa HH1C thì chốt kiểm dịch có làm việc hơi cứng nhắc, không linh động. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến và sẽ nhắc nhở chốt kiểm soát tại tòa nhà này. Dịch bệnh, đương nhiên phải làm chặt, nhưng cũng phải dựa vào tình huống cụ thể mà linh động, không thể cứng nhắc quá được", vị đại diện UBND phường thông tin và cho biết, sẽ chấn chỉnh lại ngay cách làm việc của chốt kiểm dịch tại tòa HH1C.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm