Hà Nội sẽ sớm công khai danh tính các trường mạo danh 'quốc tế'

13/08/2019 - 08:50
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, thời gian tới sẽ công bố danh sách 11 trường được gọi là trường quốc tế... Những trường tự phong mác “quốc tế”, trong đó có Gateway, sẽ bị xử lý theo quy định.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo thống kê, đến thời điểm này, Hà Nội mới chỉ có 11 trường quốc tế. Các trường còn lại chỉ có yếu tố nước ngoài chứ không phải là trường quốc tế. Sau khi rà soát, trường nào vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định.

 

Thời gian tới, Hà Nội sẽ công bố chi tiết danh sách này để phụ huynh, học sinh nắm rõ. Những trường không phải quốc tế nhưng tự gắn mác "quốc tế" thì sẽ bị xử lý theo quy định.

67630308_1320085478145367_4560161804038176768_n-1.jpg
Biển hiệu của trường Gateway ghi rõ là "trường quốc tế" theo tên tiếng Anh. Ảnh: D.H

Theo ông Quang, tên gọi của các trường phải đúng theo quy định của pháp luật. Nếu trong quyết định thành lập không có chữ "quốc tế" mà trường tự đưa vào để mạo danh, thu hút học sinh, đó là sai phạm. “Sở GD&ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị này bỏ việc mạo danh để tránh hiểu lầm của cha mẹ và học sinh” – ông Quang khẳng định.

 

Ngoài ra, Sở  GD&ĐT sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp có sai phạm xảy ra trước đó.

 

Vụ học sinh tử vong trên xe bus của trường Gateway do bị bỏ quên trong xe, nghi bị ngạt, sốc nhiệt, gây ra một cú chấn động lớn trong xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Ngay sau đó, phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy công bố trường Gateway không phải là trường quốc tế. Mác “quốc tế” do trường tự gắn vào để hút người học.

 

Sau vụ việc, Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội nhanh chóng rà soát và chấn chỉnh các trường học mang danh quốc tế, tránh đánh lừa phụ huynh.

 

Theo các chuyên gia pháp luật, hệ thống pháp luật VN không tồn tại khái niệm “quốc tế” khi đặt tên trường. Theo đó, ngoài những trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập là trường Liên Hiệp Quốc UNIS, trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga… , còn đối với trường có vốn đầu tư nước ngoài, khái niệm "trường quốc tế" không được định nghĩa theo pháp luật.

 

Cụ thể, Điều 29 Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định đối với Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài: Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng. Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư…

 

Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định, Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây: Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động. Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

 

Như vậy, tại Việt Nam chưa có quy định về Trường quốc tế và cũng không có văn bản hay tiêu chuẩn cụ thể nào cho những ngôi trường này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm