Hà Nội tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các làng nghề dịp cuối năm

20/12/2018 - 18:30
Các làng nghề truyền thống sản xuất bánh kẹo, miến, rau, hoa quả, thực phẩm... ở Hà Nội đang nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Kỷ Hợi. Việc tăng cường quản lý, giám sát, an toàn thực phẩm cần phải được đặc biệt coi trọng.
Vào dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, cũng là lúc hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP), không rõ nguồn gốc thâm nhập thị trường, trở thành mối lo của người tiêu dùng. 
 
8.238 cơ sở bị phạt tiền
 
Cuối năm cũng là thời điểm công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm phải đối mặt với những thách thức rất lớn khi ở Việt Nam, có tới 90% thực phẩm được chế biến theo phương pháp thủ công, hộ gia đình, cá thể. Điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến thực phẩm hầu như không đạt yêu cầu.
 
Tại buổi toạ đàm “Quản lý, giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các làng nghề truyền thống ở ngoại thành Hà Nội dịp cuối năm 2018” được tổ chức vào chiều ngày 20/12/2018, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 66.000 cơ sở thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 23 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 955 điểm giết mổ nhỏ lẻ, 454 chợ, 124 siêu thị, 22 Trung tâm thương mại. Trong năm 2018, công tác thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm được tăng cường, xử lý các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức. 938 đoàn được thành lập, thanh kiểm tra 120.072 lượt cơ sở, phạt tiền 8.238 cơ sở với số tiền phạt gần 29 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm của 250 cơ sở.  
 
thuc-pham-ongchung.jpg
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm

 

Các trường hợp vi phạm tập trung vào các hành vi: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có nhưng hết hiệu lực; điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện bảo quản thực phẩm chưa bảo đảm; sản xuất, kinh doanh mặt hàng chưa có giấy tiếp nhận công bố hợp quy; sản xuất hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. 
 
Các làng nghề tăng cường quản lý, giám sát, an toàn thực phẩm của dịp cuối năm
 
Hơn một tháng nữa là Tết Kỷ Hợi. Hiện tại các làng nghề truyền thống sản xuất bánh kẹo, miến, rau, hoa quả, thực phẩm... ở Hà Nội đang nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Tuy nhiên, càng đến gần Tết, các vụ ngộ độc thực phẩm lại gia tăng. Tình hình vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm có nhiều diễn biến phức tạp và trở thành mối lo của người tiêu dùng.
 
Để tháo gỡ những lo lắng đó, các làng nghề tại ngoại thành Hà Nội tích cực triển khai nhiều hoạt động để tăng cường quản lý, giám sát, an toàn thực phẩm của dịp cuối năm. Cụ thể:
 
Tại huyện Hoài Đức, để chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi, Sở Công Thương đã phối hợp với huyện mở nhiều lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP dưới hình thức lớp tập trung, tập huấn cho các xã đặc thù hoặc mở lớp riêng cho các tiểu thương. Huyện cũng đã thực hiện tốt việc giám sát thường xuyên, định kỳ và tăng cường kiểm tra. Năm 2018, tại tuyến xã đã kiểm tra đối với 1.356 cơ sở, nhắc nhở 358 cơ sở liên quan đến điều kiện ATTP; tuyến huyện kiểm tra 675 cơ sở... 
 
thuc-pham-minh-duong.jpg
Quy trình sản xuất miến tại Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương, huyện Hoài Đức.

 

Bà Chu Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn Thực phẩm Minh Dương, huyện Hoài Đức cho biết: Chất lượng là tiêu chí hàng đầu của công ty. Trong quá trình sản xuất, các sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào, không chứa bất kì chất phụ gia, bảo quản nào, đồng thời cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng, tốt cho sức khỏe. Công ty xác định làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm là đảm bảo sức khỏe cho con người, có lợi cho chính nhà sản xuất và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn.

 

Tại làng nghề sản xuất miến truyền thống Dương Liễu, 3 tháng trước Tết làng nghề vào mùa chính. Ngoài những cơ sở được đầu tư máy móc khá hiện đại, vẫn còn hàng trăm hộ sản xuất nhỏ, lẻ, thủ công. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm của huyện, quản lý thị trường, phòng kinh tế huyện thường xuyên chỉ đạo các xã làng nghề quan tâm đảm bảo an toàn thực phẩm. Chính quyền xã hằng năm đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo chung về vấn đề ATTP, tổ chức những buổi tập huấn cho các đối tượng sản xuất kinh doanh ít nhất chức 3 lớp mỗi năm, riêng những hộ sản xuất mì, miến có những đợt tổ chức tập huấn riêng để các hộ nắm được.
 
thuc-pham_uoc-le.jpg
Sản phẩm giò chả tại thôn Ước Lễ thường xuyên được kiểm tra ATTP

 

Với làng nghề giò chả, hiện còn 12 hộ làm giò, chả tại thôn Ước Lễ, xã Tân Ước. Theo Đại diện Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai, định kỳ, Phòng Kinh tế huyện đều mời các đối tượng sản xuất kinh doanh trong làng nghề tham gia tập huấn. Trung tâm Y tế huyện thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo ATTP, đặc biệt là các đợt cao điểm vào cuối năm.
 
Cùng với các hoạt động tăng cường giám sát, quản lý tại các làng nghề, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội, để nâng cao hiểu biết cho bà con tại các làng nghề, Sở Công thương cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý ATTP . Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép ba ngành Công Thương, Y tế và Nông nghiệp; phối hợp với từng quận, huyện để hướng dẫn các hộ hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để được cấp các loại giấy về ATTP; hướng dẫn các hộ thực hiện đúng theo quy định và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các hộ đã được cấp giấy chứng nhận.
 
thuc-pham_phuong-lan.jpg
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong thời gian qua, việc công tác quản lý ATTP tại các làng nghề đã có nhiều cải thiện

 

Không chỉ vào dịp cuối năm, vệ sinh ATTP mới trở thành vấn đề ‘nóng’, những hoạt động tăng cường quản lý, giám sát, ATTP đang và sẽ triển khai tại các làng nghề Hà Nội sẽ góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm; bảo đảm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng. 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm