Hà Nội thí điểm lập vùng phát thải thấp - Bài cuối: Giải pháp và lộ trình cần song hành

Công Hoan
28/12/2024 - 13:58
Hà Nội thí điểm lập vùng phát thải thấp - Bài cuối: Giải pháp và lộ trình cần song hành

Lập vùng phát thải thấp để cấm xe máy gây ô nhiễm là việc làm đúng, cần thiết nhưng cần có lộ trình cụ thể

Ủng hộ chủ trương của UBND TP Hà Nội lập vùng phát thải thấp để cấm hoặc hạn chế ô tô, xe máy không đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên doanh nghiệp và người dân cũng mong muốn một lộ trình phù hợp và sự hỗ trợ kịp thời để có thể chuyển đối.
Cần lộ trình và hệ sinh thái giao thông công cộng để "cấm" hiệu quả

Chia sẻ liên quan đến việc Hà Nội thí điểm lập vùng phát thải thấp để cấm hoặc hạn chế ô tô, xe máy không đạt tiêu chuẩn, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng: Việc cấm xe máy gây ô nhiễm ở Hà Nội đã có dự định từ lâu. Đây cũng là kỳ vọng của mọi tầng lớp và cả nhân dân thủ đô. Nếu thực hiện được điều đó là rất tốt tuy nhiên, trong bối cảnh Hà Nội hiện nay thì cần phải có lộ trình.

Theo GS.TS Đặng Đình Đào, hạ tầng giao thông ở Hà Nội hiện nay chưa tốt, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Chính vì vậy, các phương tiện chủ yếu là xe máy, xe bus và taxi, còn đường trên cao thì mới có một vài tuyến còn rất hạn chế. 

Ở nhiều nước khác, khi họ hạn chế xe cá nhân, xe gây ô nhiễm thì hệ thống phương tiện vận tải của họ trên mặt đất có rất nhiều như: Tàu điện bánh sắt; tàu bánh lốp, xe bus, taxi, đường trên cao... 

Dưới mặt đất thì còn có tàu điện ngầm, tất cả các hệ thống dịch vụ vận chuyển công cộng đó đều có sự kết nối liên hoàn đồng bộ với nhau mới đáp ứng được. Trong khi ở Hà Nội hiện nay, chưa có được hệ thống phương tiện công cộng như trên để có thể áp dụng việc cấm hoặc hạn chế xe cá nhân vào nội thành, hay cấm các phương tiện xả thải cao gây ô nhiễm môi trường.

Hà Nội thí điểm lập vùng phát thải thấp -
Bài cuối:  Giải pháp và lộ trình cần song hành- Ảnh 1.

GS.TS Đặng Đình Đào

Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, tỷ lệ người dân đi lại, làm ăn đều sử dụng phương tiện tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch là rất lớn, yêu cầu thay thế xe cũ bằng xe mới, thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu khác cũng không đơn giản trong một sớm một chiều. 

Là một công dân của Thành phố Hà Nội, tôi đồng tình với đề án của Thành phố. Nếu chúng ta hạn chế được các phương tiện gây ô nhiễm lưu thông mọi người sẽ có không gian thoáng mát, bầu không khí trong lành hơn. Nhưng theo tôi, để có thể hỗ trợ người dân thực hiện nghiêm túc chủ trương của thành phố thì ngoài sự quyết liệt của thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống, sự đồng thuận của người dân thì cũng rất cần sự chung tay, vào cuộc của các nhà sản xuất, kinh doanh xe máy. Các doanh nghiệp này nếu như có các chính sách hỗ trợ người dân như giảm giá bán xe, cho mua xe trả góp với thời hạn dài, lãi suất thấp; hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới... thì nhiều người dân sẽ chấp hành nghiêm túc. Còn nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì e rằng, chúng ta lại đối mặt với tình trạng cấm chỗ này dạt chỗ kia. Thậm chí, có thể phát sinh nhiều tiêu cực trong quá trình thực thi”.

Anh Vương Tuấn Hà, phường Cống Vị, Q.Ba Đình, Hà Nội

Tính riêng việc người dân thay thế phương tiện phù hợp với các quy định xả thải, cũng cần có giải pháp về chủng loại phương tiện để người dân có thể tiếp cận được. Phải tính toán đến các tiêu chí: có thuận lợi với công việc mưu sinh; 

giá cả phù hợp, có hỗ trợ kinh phí chuyển đổi hay không; cơ sở hạ tầng phục vụ các phương tiện mới đó như thế nào, thí dụ chuyển sang xe điện thì phải có trạm sạc đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu người dùng.

Đây là một câu chuyện liên quan đến những vấn đề kinh tế xã hội rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến người lao động sử dụng các phương tiện nhiên liệu hóa thạch để mưu sinh, mà nó còn ảnh hưởng tới cả chuỗi cung ứng kinh tế trong khu vực. 

"Tôi cho rằng, Hà Nội cần hết sức lưu ý, để có các chính sách phù hợp. Và thực tế hơn thì cần phải có lộ trình ít nhất là 10 năm để hiện thực hóa việc xây dựng môi trường kinh tế xanh như mong đợi", GS.TS Đặng Đình Đào khẳng định.

Cũng về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng, bày tỏ quan điểm cá nhân: nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã đề ra và nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chính sách để giải quyết vấn đề giao thông đô thị, trong đó đặc biệt tập trung phát triển giao thông công cộng. 

Chẳng hạn như tăng cường mạng lưới xe buýt, bao gồm cả xe chạy xăng và xe điện, thí điểm làn xe buýt BRT, đặc biệt đầu tư lớn để xây dựng hai tuyến tàu điện trên cao và tàu điện ngầm gọi là đường sắt đô thị. 

Hiện nay, phần lớn phương tiện di chuyển chính của người dân vẫn là xe máy chạy xăng. Vì thế, nếu cấm ngay thì người ở khu vực quận Hoàn Kiếm chúng tôi sẽ đi lại như thế nào? Nếu muốn mua xe điện để thay thế thì với nhà có điều kiện kinh tế không căng lắm nhưng với những gia đình có mức sống trung bình, thu nhập không cao thì làm sao có thể thích là mua xe thay thế luôn được? Rồi còn phương án xử lý thế nào với xe cũ? Thế nên, người dân rất cần UBND Thành phố và các cơ quan chức năng có những phương án cụ thể để nguời dân đồng thuận, thực hiện nghiêm túc quy định”.

Chị Đào Thị Hương, phường Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội

Trong dự tính được công bố, tất các các biện pháp này có bao gồm mục tiêu nhằm để thay thế hay giảm bớt việc lưu thông của xe máy. Tuy nhiên, các kết quả đạt được còn rất hạn chế, thậm chí không đạt. 

Điều đó chứng tỏ nhiều khi chủ trương chính sách về lý thuyết hay logic hình thức thì đúng nhưng nó lại không đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn, các nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh về đời sống của người dân.

Ngoài ra, tiếp cận toàn diện vấn đề từ góc nhìn chính sách công, chúng ta còn thấy, xe máy đối với nhiều người dân không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là tài sản và phương tiện lao động, kiếm sống. Do đó, chính quyền thành phố cần có đánh giá tác động và giải pháp cho cả khía cạnh này.

Đề xuất về giải pháp, theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Hà Nội nên tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông công cộng thật tốt, đáp ứng được các nhu cầu của người dân, người lao động, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan tới các phương tiện thuộc diện bị cấm vì gây khí thải ô nhiễm vượt mức quy định. 

Từ đó mới tính đến lộ trình cấm hẳn các xe phát thải sẽ hợp lý hơn, tạo sự đồng thuận từ phía người dân với chính sách ban hành. 

Hà Nội thí điểm lập vùng phát thải thấp -
Bài cuối:  Giải pháp và lộ trình cần song hành- Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập

"Nếu chỉ áp dụng cấm mà không có các giải pháp phát triển phương tiện thay thế đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, hoạt động kinh tế dịch vụ, đảm bảo mưu sinh cho người dân, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là phản ứng với chính sách bằng cách sử dụng các phương tiện thay thế theo kiểu "đối phó". Như vậy, sẽ dẫn đến hệ lụy mất an toàn, thiếu bền vững trong việc bảo vệ môi trường sống trong lành, hạn chế ô nhiễm", luật sư Tiến Lập nêu.

Cần có hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp

Mỗi chính sách được ban hành, đều có những tác động tới cộng đồng, xã hội. Với việc đề xuất lập vùng phát thải thấp để cấm hoặc hạn chế ô tô, xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải ở Hà Nội, xét trên bình diện chung, đó là một việc làm hợp lý, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng môi trường sống bền vững cho cộng đồng. 

Thế nhưng cách triển khai thực hiện như thế nào để hiệu quả, để người dân, người lao động có thời gian bắt nhịp với các chủ trương, chính sách vào đời sống; để họ không bị ảnh hưởng quá lớn đến mưu sinh là vấn đề quan trọng được đặt ra.

Nếu như việc cấm xe "gây ô nhiễm" được triển khai một cách nhanh chóng, trong khi người dân chưa có sự chuẩn bị, hoặc chưa đủ điều kiện để thay đổi phương tiện mưu sinh, sẽ gây ra nhiều xáo trộn cả trong đời sống, trong kế mưu sinh của họ, sẽ đem đến những hiệu ứng thiếu tích cực cho cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Thái, chuyên gia về môi trường công nghiệp (Công ty xử lý nước thải công nghiệp và đô thị) ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: "Thành phố Hà Nội đề xuất cấm xe "gây ô nhiễm" vào khu vực nội thành là rất đúng. Thế nhưng cũng nên cân nhắc đến việc các đối tượng bị ảnh hưởng từ chính sách này, đặc biệt là những người lao động và doanh nghiệp. Nên đưa ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp và người dân thuộc diện phải chuyển đổi, chẳng hạn như: hỗ trợ vay vốn ưu đãi để thay đổi phương tiện cho phù hợp, hỗ trợ đào tạo nhằm chuyển đổi nghề… 

Đặc biệt, để rộng đường dư luận, nên có các đợt truyền thông cộng đồng, đưa ra định hướng, khuyến cáo cụ thể cho người dân nắm được việc thay đổi phương tiện, thay đổi quy trình hoạt động dịch vụ như thế nào cho phù hợp, khi thực hiện việc cấm xe như trên".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm