pnvnonline@phunuvietnam.vn
Yêu
'Hai nồi như một' qua giọng đọc Tuệ Nghi
Mai về làm dâu được nửa năm thì cô xin mẹ chồng cho ăn riêng. Khi nghe con dâu nói đến chuyện một bếp hai nồi, bà Hoài ngỡ ngàng, vừa tự ái, vừa bực mình.
Trong suy nghĩ của bà, chưa bao giờ có ý nghĩ “một nhà hai bếp”. Con dâu đòi ăn riêng không khác gì tát vào mặt bà. Lẽ nào cơm bà nấu nó không ăn được. Lẽ nào bà cư xử khắt khe để con dâu không thể hòa hợp được với mẹ chồng. Lẽ nào...
Hàng trăm cái "lẽ nào" khiến bà Hoài chết lặng trước nguyện vọng của con dâu. Nhưng dù buồn bực thì bà cũng không thể bác lại cái lý của con dâu. Nó bảo: "Hai vợ chồng con thường đi làm về muộn, thỉnh thoảng phải tiếp khách đột xuất, cơm nhà thường bỏ bữa. Nếu ăn chung thì sẽ bất tiện và ảnh hưởng tới sức khỏe của bố mẹ. Bố mẹ phải đợi cơm, cơm canh hâm đi hâm lại mất ngon, giờ giấc ăn thất thường sẽ làm bố mẹ bị bệnh... Bố mẹ cũng phiền mà chúng con cũng áy náy không yên. Nếu ăn riêng, bố mẹ không phải vất vả lo nấu nướng cho bọn con, lại chủ động ăn uống lúc nóng sốt. Phần bọn con cũng thoải mái hơn, về lúc nào thì nấu lúc ấy".
Bà Hoài biết chẳng thay đổi được cục diện nên bảo: "Chị muốn ăn riêng thì ăn riêng, đừng vin cớ nọ cớ kia. Mấy đời nhà này chẳng có chuyện một nhà hai bếp, chỉ có tôi ăn ở thất đức nên con dâu không sống được với mình". Nhà chồng Mai thuộc diện khá giả, mẹ chồng cô mua gì cũng không cần đắn đo. Bữa cơm nhà bà vừa sang, vừa ngon, vừa nhiều. Nhìn thức ăn thừa mẹ chồng đổ đi mà Mai tiếc đứt ruột. Lần nào cô em chồng về thăm mẹ cũng xuýt xoa tỵ chị dâu "chuột sa chĩnh gạo". Mai phiền hơn cả là nghe em chồng thầm thì hỏi mẹ: "Chị ấy nộp tiền sinh hoạt cho mẹ bao nhiêu?".
Hai vợ chồng Mai đi làm mới hơn một năm, thu nhập thấp, lại chẳng có đồng dự trữ nào, cho dù Mai nộp một nửa thu nhập của hai vợ chồng cũng vẫn là "nhà chồng nuôi". Điều ấy khiến Mai không yên lòng, cô quyết định ăn riêng để vợ chồng tự lập. Khi nghe vợ nói chuyện ăn riêng, Bình đã giẫy nảy không nghe nhưng Mai cứ thủ thỉ mãi, nên anh giao hẹn: "Bao giờ bố mẹ ốm yếu thì phải quay lại ăn chung".
Chuyện “một nhà hai bếp” chẳng hề đơn giản. Mai là con nhà nghèo, quen ăn khổ nhưng Bình lại quen ăn sướng, nay ăn uống đạm bạc thì khó chịu phát bực. Những ngày đầu anh vác bát sang mâm mẹ xin thức ăn. Mai không giận dỗi, chẳng tự ái, cô thủ thỉ an ủi chồng: “Rồi cuộc sống của chúng mình sẽ khá lên, bữa cơm của nhà mình sẽ tươm tất như của bố mẹ”.
Mai không giục chồng kiếm tiền nhưng cô kiếm việc về nhà làm thêm. Cô nhận làm kế toán thuê, nhận dịch tài liệu trên mạng… Tuy bận rộn song Mai không mua đồ ăn sẵn, cái gì chồng thích ăn Mai cũng học làm bằng được. Mỗi khi làm món mới, Mai lại mang sang mời bố mẹ chồng ăn thử. Ăn chung với bố mẹ chồng mấy tháng nên Mai biết khẩu vị của nhà chồng, biết những món khoái khẩu của bố mẹ chồng nên cuối tuần Mai chịu khó cải thiện bữa ăn. Khi thì nấu phở, khi làm bún chả, bún nem, khi Mai tự tráng bánh cuốn, bánh xèo, lúc lại làm bánh tôm, bánh gối... Món nào Mai làm cũng vừa ăn, ai cũng khen ngon. Điều làm Mai thích nhất là cả nhà ăn thoải mái nhưng không tốn nhiều tiền.
Dần dần, ngày cuối tuần là ngày để Mai trổ tài và báo hiếu. Nhìn con dâu đêm đêm thức làm việc kiếm tiền để có những bữa cơm mời bố mẹ, bà Hoài thương các con nên không để con dâu làm việc nhà. Hàng ngày bà cắm cơm giúp con, chia cho con bát canh. Nhiều hôm Mai định đi chợ nhưng lại nhận được điện thoại của mẹ chồng bảo: Không phải mua bán gì, hôm nay nhà có nhiều thức ăn quá...
Cứ như "có đi có lại", con dâu chiêu đãi cuối tuần, mẹ chồng chiêu đãi trong tuần, tiền nong chẳng ai tính toán, tự nhiên nhà vui hẳn lên. Bữa cơm hai nồi nhưng vẫn như một...