Trước câu hỏi của bà Tian Wei, dẫn chương trình Đài truyền hình CGTN (Trung Quốc), làm thế nào để Thủ tướng Ardern kêu gọi các nhà đồng cấp của mình trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, người đứng đầu New Zealand cho biết, mỗi cá nhân vừa phải đảm trách vai trò của người bảo vệ nhưng cũng đồng thời là một nhà vận động.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Thái Hương- CEO TH Group có cách nhìn thực tế và giản dị. Từ vai trò của doanh nhân, bà chia sẻ: “Tôi muốn nhắc đến mẹ thiên nhiên. Nhắc đến năng lượng, an ninh lương thực là phải nhắc đến thiên nhiên. Thiên nhiên cung cấp đất, nước, gió là yếu tố để ngũ cốc nông sản có thể sinh trưởng và phát triển. Toàn cầu đang có 800 triệu người thiếu đói, riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 500 triệu người, tất cả đều đang sống dựa vào “bà mẹ tự nhiên”.
Do vậy, bà Thái Hương nói rằng con người sống trong tự nhiên phải biết bảo vệ tự nhiên, việc trồng trọt, chăn nuôi cũng phải đảm bảo yếu tố đó, ví dụ như đưa phân bón vào đất mà không để đất thêm cạn kiệt.
“Chúng ta phải trân quý bà mẹ thiên nhiên hơn tất thảy. Khoa học công nghệ chỉ giúp cho quy trình sản xuất hiệu qua, sản lượng tốt, còn lại chúng ta phải thuận theo tự nhiên”, bà Thái Hương nói.
Về câu hỏi từ phía đại biểu, các vấn đề bảo vệ môi trường có liên quan tới địa chính trị hay không, bà Thái Hương trả lời: “Phát triển bền vững và an ninh lương thực liên quan mật thiết tới đất, nước, khí hậu… Mỗi quốc gia trong Apec đều cần đảm bảo nguồn lực này. Sản xuất sạch phụ thuộc vào nhận thức của mỗi doanh nghiệp, không bị ảnh hưởng bởi địa chính trị thì mới có sự bền vững. Chúng ta cùng ý thức rằng dù thời đại nào chúng ta cũng phải sản xuất các thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe. Các quốc gia đều phải giữ được nguồn đất, nước sạch để có được nguồn lực sản xuất sạch. Tất cả điều đó liên quan tới chính sách của từng quốc gia”.
Được biết, trong Dự án Sữa tươi sạch TH true MILK, tập đoàn TH đã nhập khẩu gần 19.000 bò sữa giống từ New Zealand và đang tiếp tục nhập bò New Zealand cho Dự án sữa ở Liên bang Nga
Phiên thảo luận ngay sau đó, đại diện cho Facebook tại APEC CEO Summit 2017 là Giám đốc vận hành Sheryl Sandberg. Vị COO 48 tuổi này đối thoại với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull về chủ đề "Công nghệ - Động lực của các cơ hội kinh tế".
Tỷ phú Sandberg khẳng định: Khi có công nghệ, chúng ta có thể tạo việc làm
Dẫn ra các con số về doanh nghiệp APEC sử dụng Facebook như một công cụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh, bà cho biết Facebook đang giúp kết nối tốt hơn, giúp bán hàng cũng như tìm việc. Theo khảo sát của hãng, 74% sử dụng Facebook để bán hàng, thay cho một kênh phân phối.
75% trong số các doanh nghiệp APEC sử dụng Facebook đang tuyển dụng. “Chúng tôi có thể sử dụng các chương trình để kết nối người lao động địa phương với các doanh nghiệp đang tuyển dụng, giúp họ có cơ hội công việc tốt hơn”, bà nói.
Vị giám đốc điều hành của Facebook cũng kể lại câu chuyện về cô gái Việt mà bà vừa ăn trưa cùng ngày hôm qua, 9/11, ngay tại Đà Nẵng. Cô khởi nghiệp ở tuổi 33 với dịch vụ cung cấp người hướng dẫn du lịch trên xe máy. 70% số khách hàng là phụ nữ du lịch một mình, vì vậy họ cần người hướng dẫn là phụ nữ. Đó là ví dụ của việc việc làm được tạo thành như thế nào. Năm 2016, COO của Facebook được tờ Fortune xếp hạng là nữ doanh nhân quyền lực thứ 6 thế giới.
APEC được thành lập từ năm 1989 là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ 12 nền kinh tế sáng lập, APEC đã phát triển lên21 nền kinh tế thành viên. Các quốc gia thành viên có khoảng 2,8 tỷ dân, đóng góp 43 nghìn tỷ USD tổng GDP, 20 nghìn tỷ USD thương mại. Việt Nam chính thức gia nhập APEC vào năm 1998 và đã trở thành một thành viên tích cực với nhiều đóng góp thiết thực cho APEC, trong đó phải kể đến việc đảm nhận thành công vai trò chủ nhà APEC vào năm 2006. Sau 10 năm, giới doanh nhân VN được đánh giá là lớn mạnh, phát triển theo chiều sâu và có các giải pháp đột phá về công nghệ, quản trị và bảo vệ môi trường |