Hải sản và muối miền Trung sẽ không như trước

03/07/2016 - 12:45
“Bao giờ nước biển sạch và sạch đến mức nào thì phải có những đợt khảo sát, đánh giá cụ thể, chứ không thể đoán mò được” - Tiến sĩ Trần Hồng Côn nhận định.
Trao đổi với PNVN, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) nói: "Có điều chắc chắn rằng, chất lượng hải sản, muối sản xuất tại 4 tỉnh bị Formosa đầu độc sau này sẽ không được như xưa nữa".

Từ tháng 4/2016, khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung đến nay đã gần 3 tháng. Ngày 30/6, Chính phủ công bố nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết bất thường của các tỉnh trên là do chất thải của Formosa chưa nhiều hóa chất độc hại như phenol, xyanua.

PGS.TS Trần Hồng Côn, cho rằng, trong thời gian tới nếu Formosa không thải chất thải ra biển, hoặc thải đã đạt các tiêu chuẩn về môi trường thì biển sẽ không bị ô nhiễm như trước nữa. Tuy nhiên, sẽ rất khó xác định bao lâu thì hệ sinh thái hồi phục như xưa.
Đánh bắt hải sản tại các tỉnh miền Trung
Theo PGS Côn, để đánh giá, cần phải có những khảo sát cụ thể, thu thập số liệu rồi căn cứ vào điều kiện khí hậu, địa lý, địa chất để ước tính trong thời gian bao lâu thì nước biển sạch. Vấn đề chính là nhà khoa học phải công bố kết quả trung thực, để người dân được biết.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội), việc Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết tại các tỉnh miền Trung mới chỉ là bước đầu. Với 500 triệu USD do Formosa bồi thường, trước mắt cơ quan chức năng phải giải quyết thiệt hại của người dân, giúp họ an cư.

Ông Thịnh cho rằng, việc Formosa bồi thường chỉ là một phần. Vấn đề quan trọng nhất là nhà Nước phải khắc phục môi trường biển để giúp ngư dân trở lại cuộc sống bình thường. Ngư dân muốn làm ăn lành mạnh, chứ không ai chờ xin tiền hỗ trợ. Ai cũng biết, nghề biển nhiều rủi ro, mỗi năm nhiều người phải bỏ mạng nơi biển khơi, nhưng ngư dân vẫn bám biển. Phải hạn chế những khó khăn mà con người tự tạo ra cho mình.
Diêm dân miền Trung sản xuất muối
Về lâu dài, Chính phủ phải có giải pháp ngăn chặn, tránh để tái diễn tình trạng như vừa qua. PGS Thịnh cho rằng, dù Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài, nhưng cũng không phải vì thế mà làm hỏng toàn bộ vùng biển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm