pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Hàn thử biểu” phản ánh sức khỏe của tinh trùng
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia ở Trung tâm sinh sản Texas (Austin, Mỹ), để đánh giá sức khỏe tinh trùng, các bác sĩ dựa trên 3 yếu tố:
- Số lượng tinh trùng trong một lượng tinh dịch nhất định.
- Khả năng di chuyển của tinh trùng: Tỷ lệ tinh trùng còn sống và bơi lội.
- Hình thái tinh trùng: Tỷ lệ tinh trùng có kích thước và hình dạng khỏe mạnh.
Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phân tích tinh dịch bình thường bao gồm nồng độ tinh trùng khoảng 16 triệu/cc tinh dịch, khả năng di chuyển ít nhất 30% và ít nhất 4% tinh trùng có hình dạng bình thường.
Theo WHO, một số yếu tố lối sống có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và chỉ cần thay đổi lối sống trong 3 tháng, số lượng và chất lượng tinh trùng cũng thay đổi theo.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra một số yếu tố dưới đây có thể giúp nhận biết sức khỏe tinh trùng.
- Kích cỡ của vòng eo
Các nhà nghiên cứu Hà Lan phát hiện thấy những người đàn ông có chu vi vòng eo từ 40 inch trở lên (tương đương khoảng 1 mét), thậm chí không cần phải có cơ bụng 6 múi sẽ có nồng độ tinh trùng và số lượng tinh trùng di chuyển bình thường thấp hơn những người đàn ông có vòng eo nhỏ hơn.
Các nhà nghiên cứu hiện chưa hiểu rõ lý do tại sao bụng bự lại gây bất lợi cho việc sản xuất tinh trùng nhưng việc mang quá nhiều trọng lượng, đặc biệt là vùng bụng, có thể cản trở việc giải phóng hormone giới tính cũng như quá trình sản xuất và phát triển của tinh trùng.
- Có gương mặt nữ tính
Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha và Phần Lan phát hiện ra rằng, những người đàn ông có khuôn mặt nam tính có xu hướng có chất lượng tinh dịch kém hơn những anh chàng có khuôn mặt nữ tính.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Evolutionary Biology giải thích nó mang tính "giả thuyết đánh đổi". Kết luận trên được rút ra từ nghiên cứu, phân tích tinh trùng của các sinh viên da trắng, gốc Âu ở Đại học Valencia. Sau đó, các nhà khoa học chụp ảnh khuôn mặt của những người đàn ông này và chấm điểm dựa vào 7 thông số biểu lộ sự nam tính, kể cả độ rộng xương gò má và lỗ mũi.
Kết quả, "cánh mày râu" có khuôn mặt càng nam tính và càng rộng dường như gắn liền với nguy cơ tinh trùng yếu hơn.
- Thói quen ăn cá
Đại học Harvard (Mỹ) phát hiện thấy những người đàn ông ăn nhiều thịt chế biến sẵn có lượng tinh trùng và hình dạng bình thường thấp hơn đáng kể so với những người tiêu thụ ít đồ ăn này. Trong khi đó, những người ăn nhiều cá, đặc biệt là cá hồi và cá ngừ, có mật độ tinh trùng cao hơn 65% so với những người ăn ít.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần bổ sung omega-3 trong cá vì axit béo không bão hòa đa chuỗi dài đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tinh trùng. Vì vậy, nếu muốn tăng cường sức mạnh cho tinh trùng thì nam giới nên tăng cường ăn cá, ít nhất 2 lần/tuần.
- Thói quen mặc quần đùi thay cho quần lót chật
Nghiên cứu năm 2018 của Khoa sức khỏe Môi trường, ĐH Harvard, cho thấy những người đàn ông mặc quần đùi thay vì đồ lót bó sát có nồng độ tinh trùng cao hơn 25%. "Đồ lót rộng có thể làm nhiệt độ bìu thấp hơn so với đồ lót bó sát, do đó cải thiện chất lượng tinh dịch. Nhiệt độ tinh hoàn tăng cao có thể cản trở việc sản xuất tinh trùng", tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Andrew Povey, khuyến cáo.
- Tập gym thường xuyên
Các nhà nghiên cứu từ Harvard còn phát hiện thấy những người đàn ông được bơm máu bằng cách tập thể dục từ 15 tiếng trở lên mỗi tuần có nồng độ tinh trùng cao hơn những người không tập luyện ở cường độ đó.
Các nhà nghiên cứu tin rằng tập thể dục có thể làm tăng sự biểu hiện của chất chống oxy hóa trên khắp cơ thể. Vì vậy, các buổi tập thể dục thường xuyên có thể ngăn chặn các gốc tự do làm hỏng tế bào tinh trùng.
- Mắc Covid-19 làm giảm lượng tinh trùng
Nghiên cứu vừa được trình bày vào mùa hè này tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Sinh sản và Phôi học Con người châu Âu 2023 cho thấy, những người đàn ông mắc Covid-19 có số lượng tinh trùng thấp hơn trong 3 tháng sau khi hồi phục.
Thực tế, số lượng tinh trùng có thể giảm tới 20%. Các tác giả nghiên cứu cho rằng, phát hiện này có thể hiểu Covid-19 có thể gây tổn hại lâu dài cho đường sinh sản của nam giới, ngay cả ở những nam giới mắc bệnh nhẹ.