Hàng loạt vụ ôm con tự tử: Cần sớm ngăn chặn suy nghĩ lệch lạc

Nguyễn Long
09/06/2022 - 14:22
Hàng loạt vụ ôm con tự tử: Cần sớm ngăn chặn suy nghĩ lệch lạc

Chiếc xe trẻ em tại hiện trường vụ cô giáo mầm non ôm 2 con nhảy sông tự tử trên sông Thái Bình

Chỉ vì uất ức tâm lý do mâu thuẫn tình cảm, do nợ nần hay vì lý do cá nhân nào đó mà những người cha, người mẹ đã ép con cùng tự tử, cướp đi quyền sống của những đứa trẻ vô tội. Các chuyên gia cho rằng, ôm con tự tử là suy nghĩ hết sức lệch lạc, cần sớm có biện pháp ngăn chặn.

Những cái chết đau lòng

Những ngày vừa qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết thương tâm của chị Vũ Thị Thu Thủy - giáo viên mầm non và 2 con nhỏ trên sông Thái Bình thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Theo thông tin ban đầu, vào ngày 8/5, chị Thủy (SN 1991) đã đưa 2 con (một cháu 9 tháng tuổi và một cháu 2 tuổi) đi khỏi nhà. Sau đó, người thân, đồng nghiệp của chị Thủy nhận được nhiều tin nhắn của chị với nội dung khá tiêu cực, nên vội vã đi tìm.

Sau gần 2 ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cả 3 mẹ con chị Thủy trên sông Thái Bình. Nguyên nhân vụ việc đang được tiếp tục làm rõ song theo phỏng đoán ban đầu có thể một phần xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng.

Đáng buồn, sự việc trên không phải hiếm gặp. Trước đó tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cũng xảy ra vụ việc tương tự. Sau khi cãi nhau với cha, chị Nguyễn Thị Huyền Nga (SN 1998, ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu) đã điều khiển xe máy chở theo 2 con gái là cháu Tuấn Anh (SN 2014) và Bảo Vy (SN 2017) ra khỏi nhà. Khi đến địa điểm thuận lợi, chị Nga đã ôm 2 con nhảy xuống kênh tự tử. Trước khi tự tử chị Nga đã đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội với nội dung "tôi ra đi là do tôi tự lựa chọn, không muốn ai vướng bận gì về mẹ con tôi".

Cách đây không lâu, tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, một người mẹ cũng đã ôm 2 đứa con nhảy cầu tử tự song 1 trong hai đứa trẻ đã vùng chạy thoát. Người mẹ đó là chị Lê Thị Tươi (SN 1985) đèo 2 con trai (sinh năm 2009 và 2015) bằng xe máy, nói đi mua quần áo cho con. Sau đó, chị Tươi đi về hướng đầu huyện Tiên Lãng. Lên cầu, chị cho con ăn cháo rồi ôm hai con nhảy cầu. May mắn thay, con lớn của chị Tươi là cháu Vũ Anh Tuấn (SN 2009) đã đẩy mẹ ra chạy thoát. Chị Tươi ôm con nhỏ còn lại nhảy xuống sông, để lại thư tuyệt mệnh trong cốp xe.

Mới đây, ngày 17/5, dư luận lại bàng hoàng về vụ việc một người đàn ông ôm con gái 6 tuổi nhảy cầu tự tử ở cầu Cửa Đại (Quảng Nam). Những nhân chứng nhói lòng khi nghe thấy tiếng kêu của cháu bé "Đừng ba ơi, đừng ba ơi…" trước khi người cha ôm con nhảy xuống sông…

Những vụ việc kể trên không chỉ để lại nỗi đau cho người thân, gia đình họ mà còn là sự day dứt của cả xã hội. Day dứt bởi sự nông nổi, thiếu suy nghĩ của những người làm cha, làm mẹ khi họ quyết định sinh ra những đứa con nhưng lại thiếu trách nhiệm bảo vệ, nuôi dưỡng chúng. Sự ích kỷ của người lớn khi sẵn sàng làm mọi thứ chỉ vì cái tôi cá nhân mà không nghĩ đến những đứa con.

Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, họ dễ dàng chấm dứt cuộc sống của mình và tước đoạt cả mạng sống của con cái. Cho dù vì bất cứ lý do gì thì trước hết mỗi người làm cha, làm mẹ khi đã cho những đứa trẻ cơ hội có mặt trên đời phải có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy chúng và không có quyền lấy đi mạng sống của trẻ.

Đó là hành vi vi phạm pháp luật

Trao đổi với PV Báo PNVN, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, có rất nhiều yếu tố dẫn tới những câu chuyện đau lòng trên. Nguyên nhân thứ nhất có thể kể đến những vấn đề tồn tại trong cuộc sống gia đình như: Chồng (vợ) ngoại tình, bản thân mắc bệnh nan y, con cái khiếm khuyết… khiến những người trong cuộc cảm thấy bế tắc, không thiết sống và tìm tới những lối thoát theo chiều hướng tiêu cực.

Lý do thứ 2 phải kể tới đó là do áp lực kinh tế đè nặng lên mỗi cá thể, mỗi gia đình. Nhất là trong 2 năm trở lại đây, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hoành khiến nền kinh tế thế giới nhiều thời điểm gần như tê liệt, tình trạng thất nghiệp tràn lan khiến chất lượng cuộc sống người dân rơi vào tình cảnh khốn khó. Dịch bệnh vô hình chung trở thành giọt nước tràn ly đối với nhiều người, khiến họ dễ dàng hơn khi nghĩ tới cái chết.

Nói về khía cạnh tại sao khi rơi vào tình cảnh bế tắc trước cuộc sống thực tại, nhiều người cha (mẹ) lại ôm theo con cùng tìm tới cái chết, bà Túy cho rằng, có thể giải thích đó là do yếu tố tâm linh. Bởi những người cha, người mẹ ôm theo con tìm tới cái chết, có lẽ bởi họ nghĩ rằng nếu để con ở lại với cuộc sống hiện tại, không chắc rằng đứa bé đó có thể lớn lên trong hạnh phúc, chi bằng đưa chúng giải thoát cùng mình với hy vọng ở thế giới bên kia sẽ không còn khổ đau. Tuy nhiên, cũng có những người cha, người mẹ mang theo con chết cùng mình với mục đích khiến người ở lại (người trực tiếp mâu thuẫn với mình) phải chịu sự đau khổ, dằn vặt, day dứt suốt phần đời còn lại. Họ nghĩ rằng đó là một cách trả thù. Đây là một suy nghĩ hết sức lệch lạc, nguy hiểm cần sớm có biện pháp giáo dục, ngăn chặn kịp thời.

Luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư Đặng Văn Cường

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng, ôm con tự tử là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu cấu thành tội cố ý giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015. Trong trường hợp này, người mẹ (hoặc cha) đứa trẻ đã tước đoạt mạng sống của người khác, vi phạm vào quyền sống, quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng con người được ghi nhận tại Điều 19 của Hiến pháp 2013.

Dù vì lý do gì, việc người lớn kéo theo con trẻ phải chết cùng là việc làm nhẫn tâm và vi phạm pháp luật. Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có các biện pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục, mọi người cần quan tâm đến kĩ năng sống, kĩ năng giải quyết những xung đột, căng thẳng trong cuộc sống, tránh việc cứ gặp trở ngại, bế tắc là tìm đến cái chết và muốn con mình phải chết theo.

Những đứa trẻ sinh ra là niềm vui, hạnh phúc của mỗi gia đình. Với những người làm cha làm mẹ, từ bao đời nay, bản năng che chở, bảo vệ và yêu thương con không bao giờ hết. Vậy mà chỉ vì mâu thuẫn, sự ích kỷ của người lớn đã khiến nhiều đứa trẻ đáng thương không còn cơ hội có mặt trên cuộc đời.

Thực sự đằng sau mỗi vụ mẹ tự tử mang theo con nhỏ là nỗi ám ảnh, xót xa không chỉ của người thân mà cả cộng đồng, những người mẹ đáng trách nhiều hơn đáng thương. Đừng cả giận mà chối bỏ cuộc sống, lấy đi quyền sống của những núm ruột mình đẻ ra. Vì chúng không có tội, chúng có quyền được sống, được yêu thương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm