Hàng loạt vụ sạt lở, vùi lấp nhiều người trong 2 tháng qua: Lượng mưa chỉ là một phần nguyên nhân

B. Bình
09/08/2023 - 11:38
Ngoài yếu tố thời tiết cực đoan, tổng lượng mưa rất lớn trong thời gian qua thì sự tác động của con người cũng tạo ra tổ hợp bất lợi, dẫn đến sạt lở ở nhiều nơi.

Theo thống kê, chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua, cả nước xảy ra 47 trận sạt lở đất, đá gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản. Con số này gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. 

Một trong những nguyên nhân gây sạt lở liên tiếp là do khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ và cả Bắc Bộ trong tháng 6-7 xảy ra nhiều ngày có mưa. Tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. 

Phân tích về các yếu tố gây trượt lở đất trong thời gian vừa qua trên chương trình Vấn đề hôm nay (VTV1), PGS.TS Trần Tân Văn, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: "Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, lượng mưa chỉ cần vượt 100mm/ngày là đất đá đã bão hoà và xảy ra sạt lở. Trong thực tế, với lượng mưa như thời điểm vừa qua, không chỉ là con số 47 mà đã xảy ra nhiều vụ sạt lở khác, song không được thống kê do không để lại hậu quả nghiêm trọng".

Hàng loạt vụ sạt lở, vùi lấp nhiều người trong 2 tháng qua: Lượng mưa chỉ là một phần nguyên nhân - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) khiến 3 chiến sĩ CSGT và một người dân thiệt mạng.

Ngoài yếu tố lượng mưa, kiến trúc sư Hoàng Việt Phương trăn trở: "Điều khiến tôi lo ngại nhất là đất đá bazan ở vùng Tây Nguyên và Bắc Bộ rất nhiều. Nó đã chạm đến ngưỡng mà lực ma sát đã yếu hơn và bắt đầu trượt xuống. Chỉ cần thêm 1 chút mưa, ngậm thêm 1 chút nước thì dạng sét đã biến thành dạng khác hoàn toàn. Vì vậy, người dân sống tại khu vực có đất bazan, trên đầu có đất, núi, mạch nước ngầm hoặc cây mới trồng lại cần rất cẩn thận".

Theo các chuyên gia, không chỉ sự cố ở đèo Bảo Lộc vừa qua mà tất cả những nơi nào chúng ta thay thế rừng nguyên sinh bằng cây xanh mới trồng lại thì đất đều rất dễ bị trôi, bị phá vỡ kết cấu ma sát và có khả năng xảy ra hiện trượng trượt lở.

Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng làm vườn, xây nhà cửa, công trình xây dựng sai quy hoạch, thậm chí trái phép... Nhiều hoạt động của con người đang làm trầm trọng, mất ổn định nền đất đá tại những khu vực sườn dốc.

Hàng loạt vụ sạt lở, vùi lấp nhiều người trong 2 tháng qua: Lượng mưa chỉ là một phần nguyên nhân - Ảnh 2.

Sáng 4/8, trên quốc lộ 6 đoạn qua địa bàn huyện Mai Châu, Hoà Bình xảy ra sạt lở, đá rơi đè nát đầu một chiếc ô tô 7 chỗ, rất may 4 người ngồi trong xe không bị thương.

Trước đó, đánh giá về tình hình sạt lở đất trong thời gian qua, PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia  thông tin: Qua đánh giá số liệu mưa cho thấy vụ sạt lở đất ở phường 10, thành phố Đà Lạt lượng mưa tích lũy 12 giờ trước khi xảy ra sạt lở khoảng 50mm; Vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, lượng mưa 12h trước đó đạt 170mm; Vụ sạt lở đất, đá ở quốc lộ 6 Mai Châu, Hòa Bình ngày 4/8 lượng mưa 12 giờ trước đó dưới 10mm. Như vậy có thể thấy lượng mưa tích lũy trước khi xảy ra sạt lở là tương đối khác biệt giữa các khu vực, có nơi dù lượng mưa không đáng kể những vẫn xảy ra sạt lở đất đá. Nên lượng mưa lớn chỉ là một trong những yếu tố gây ra sạt lở.

Nhận định về thời tiết cực đoan trong thời gian tới, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất do các đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 8.

Cụ thể tại khu vực Bắc Bộ, từ ngày 9-10/8 có mưa dông, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa to 40-70mm; giai đoạn từ ngày 11-13/8 Bắc Bộ có mưa to trở lại, tổng lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 200mm; giai đoạn từ ngày 14-20/8 phổ biến ít mưa.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong nửa đầu tháng 8 xuất hiện mưa rào và dông, lượng mưa không lớn bằng cuối tháng 7, mưa chủ yếu xảy ra tập trung vào chiều tối và đêm. Nửa cuối tháng 8 mưa dông sẽ mạnh hơn và tổng lượng mưa cuối tháng 8 cao hơn nửa đầu tháng 8.

Như vậy, khả năng các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ, cũng như Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 8 và 9/2023.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm