Hàng nghìn hộ dân miền núi Vân Canh vẫn “khát” bên các công trình nước sinh hoạt

Nhuận Kiệt
10/07/2020 - 16:06
Hàng nghìn hộ dân miền núi Vân Canh vẫn “khát” bên các công trình nước sinh hoạt

Người dân phải tự tìm nguồn nước sinh hoạt giữa mùa hè

Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy vào bể chứa nước cộng đồng tại huyện miền núi Vân Canh (tỉnh Bình Định) được xây dựng từ Chương trình 134, 135 cùng một số chương trình khác hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, khiến hàng nghìn hộ dân phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Hàng loạt công trình bể nước đã hỏng, không thể cung cấp nước

Thời điểm này, ở làng Cát (xã Canh Liên) thời tiết nắng nóng gay gắt nên nhiều hộ gia đình đều thiếu nước sinh hoạt. Để có nước sinh hoạt, nhiều gia đình ở làng này phải đi bộ hơn 6 km, men theo những triền đồi đầy dốc để tìm nguồn nước. Sau đó, 4 - 5 hộ cùng nhau đào để có nguồn nước sử dụng chung.

Hàng nghìn hộ dân miền núi Vân Canh vẫn “khát” bên các công trình nước sinh hoạt - Ảnh 1.

Công trình nước tự chảy tại làng Cát đều xuống cấp, hư hỏng từ lâu

"Làng Cát cũng có công trình cấp nước tự chảy do Nhà nước xây dựng, nhưng giờ công trình này đã xuống cấp, hư hỏng. Vì thiếu nước sinh hoạt nên gia đình tôi cùng 3 hộ khác ở làng phải tự đi tìm nguồn nước cách nhà hơn 6km. Sau khi tìm thấy nguồn nước, mỗi hộ gia đình góp 6 triệu đồng, tổng cộng có 24 triệu đồng để mua đường ống, đưa nước về nhà. Tuy nhiên, nguồn nước này không đảm bảo, bởi lúc có lúc không", anh Đinh Văn Thiêu (ngụ làng Cát) cho biết.

Tương tự, tại làng Canh Tiến (xã Canh Liên) hiện có 9 bể nước sinh hoạt, cung cấp nước cho hơn 150 hộ gia đình. Tuy nhiên, do công trình được xây dựng từ khá lâu nên một số bể nước đã bị hỏng khóa van xả nước, đường ống dẫn nước từ đập về làng cũng bị xuống cấp, rỉ sét, hư hỏng nên gây thất thoát nước. Vì vậy, chỉ có một số hộ dân sống gần hồ Núi Một còn nước sử dụng; riêng khu vực giữa làng, người dân thiếu nước sinh hoạt.

Tại làng Suối Mây (thị trấn Vân Canh), công trình nước sinh hoạt tự chảy Suối Mây nằm ở đầu nguồn được đưa vào sử dụng đầu những năm 2000. Đến nay, qua nhiều lần duy tu, sửa chữa, công trình đã ngưng hoạt động. Thời điểm này, các bể chứa nước tập trung ở làng Suối Mây cũng không có giọt nước nào. Điều đáng nói, ngay tại trung tâm thị trấn Vân Canh, một nhà máy nước được đầu tư hàng chục tỷ đồng, có công suất thiết kế 1.400m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 12.000 hộ dân, nhưng lại nằm "đắp chiếu" nhiều năm nay. Nguyên nhân khiến công trình hoạt động không hiệu quả là do vị trí đặt nhà máy nước sạch chưa hợp lý.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại xã Canh Thuận cũng chung "số phận" như các địa phương nói trên. Ở làng Hòn Mẻ, các bể chứa nước sinh hoạt cộng đồng xuống cấp nặng, đường ống bị rỉ sét, hoen ố. Tại địa phương này có công trình nước sinh hoạt tự chảy La Da, được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2006, cung ứng nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 nhân khẩu ở làng Kà Bưng, Hà Lũy và Hà Văn Dưới. Hiện nay, công trình đã được đầu tư sửa chữa, nhưng việc cấp nước vẫn không bảo đảm, khiến người dân gặp khó khăn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt.

Hàng nghìn hộ dân miền núi Vân Canh vẫn “khát” bên các công trình nước sinh hoạt - Ảnh 2.

Người dân xã Canh Liên phải tự xoay sở tìm nguồn nước mặt và bỏ tiền mua ống đưa nước về nhà, nhưng không hiểu quả

Chưa tìm được phương án nào để nhà máy nước đi vào hoạt động

Theo ông Đinh Văn Diễn - Chủ tịch UBND xã Canh Liên, công trình nước tự chảy tại làng Cát và bể nước sinh hoạt tại làng Canh Tiến được xây dựng cách đây hơn 10 năm, một số hạng mục của các công trình đã xuống cấp. Chính quyền địa phương thường xuyên bố trí lực lượng và vận động người dân tự bảo quản, duy tu, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy và bể cấp nước tập trung. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình đồi núi nên việc này gặp không ít khó khăn, các công trình thường nhanh xuống cấp. Thực trạng này khiến nhiều người dân ở làng Cát, làng Canh Tiến bị thiếu nước sinh hoạt.

"Vào mùa khô, các công trình này không có nước, nên hầu hết các hộ dân phải tự xoay sở tìm kiếm nguồn nước mặt và tự bỏ tiền ra mua ống nước, đấu nối ống từ nguồn rồi đưa nước về nhà, nhưng hiệu quả không cao. Chính quyền địa phương và người dân mong muốn huyện quan tâm đầu tư, xây dựng một số giếng khoan tại các làng để đảm bảo nguồn nước sử dụng cho các hộ gia đình", ông Diễn cho biết. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Kim Vũ - Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết, cứ đến mùa khô, hầu như các địa phương trên địa bàn huyện đều thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để nắm rõ thực trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân, chính quyền huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đi kiểm tra, có báo cáo đề xuất cho UBND huyện, từ đó có hướng giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho bà con.

Hàng nghìn hộ dân miền núi Vân Canh vẫn “khát” bên các công trình nước sinh hoạt - Ảnh 3.

Người dân huyện Vân Canh thiếu nước sinh hoạt phải ra suối múc từng can nước về dùng

Vừa qua, các phòng, ban chuyên môn của huyện Vân Canh đã phối hợp với UBND xã Canh Liên tổ chức kiểm tra thực tế tình hình thiếu nước sinh hoạt tại địa phương này. Qua khảo sát, làng Cát có địa hình núi cao, khoan giếng dễ gặp đá và không có nước, nên huyện sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn mời các đơn vị khảo sát, kiểm tra nguồn nước tại làng trước rồi mới khoan giếng. Đồng thời, dựa theo ý kiến của người dân, hiện tại suối Pà Lí cách làng Cát 7km vẫn còn nước chảy và có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. Do đó, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí mua và kéo ống nhựa lấy nước từ suối Pá Lí về làng cho bà con.

"Tại làng Canh Tiến, huyện sẽ hỗ trợ đào mới 2 giếng nước sử dụng chung tại làng và có hướng khảo sát, khắc phục sửa chữa những hư hỏng của đường ống cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng về các bể nước sinh hoạt của làng" - ông Vũ cho biết.

Đối với nhà máy nước đang "đắp chiếu" tại thị trấn Vân Canh, ông Vũ lý giải rằng, nhà máy đặt ở vị trí cao, vào mùa nắng hạn, nhà máy không có đủ nước để hoạt động. Bởi thời điểm này, nước từ sông Hà Thanh cạn dần, cộng với việc phải qua 2 lần bơm mới đến được nhà máy, gây tốn kém. "Để giải quyết vấn đề bất cập, huyện Vân Canh đã phối hợp với các ban, ngành tìm phương án để đưa nhà máy nước đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm được phương án khả thi nhất", ông Vũ nói.

Trong khi chờ chính quyền địa phương và ngành chức năng giải quyết thì hàng nghìn hộ dân ở huyện Vân Canh vẫn đang "khát" nước bên các công trình nước sạch. Việc thiếu nước sinh hoạt trầm trọng khiến đời sống của người dân ở huyện miền núi này đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn nắng nóng gay gắt và khô hạn như hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm