Hàng nghìn người dân tiễn 9 liệt sỹ về đất mẹ

30/06/2016 - 16:18
Từ sáng sớm, Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) đã có rất đông người dân từ nhiều tỉnh thành và đại diện các tổ chức ở Hà Nội đến tiễn đưa 9 liệt sỹ của tổ bay CASA-212 về cõi vĩnh hằng.
anh-lsy-2.jpg
 Cụ Lại Thị Thuỳ, 81 tuổi ở Phú Thọ nhờ con cháu đưa xuống đợi viếng các liệt sỹ từ ngày hôm trước.

Vậy là sau nhiều ngày lênh đênh trên biển trong nỗi ngóng trông, tìm kiếm của biết bao đồng đội và người thân, người dân cả nước, cuối cùng 9 liệt sỹ của tổ bay Casa - 212 cũng trở về với Mẹ, với gia đình và người thân. Chỉ có điều, cách trở về của các anh không có nụ cười, chẳng có vòng tay ôm chầm lấy vòng tay. Các anh trở về trong nước mắt của người thân, trong nỗi tiếc thương vô bờ của người dân cả nước.

anh-lsy-1.jpg
Bà Lê Thị Mai và bà Nguyễn Thị Thuý Ngà, ở đường Bạch Đằng lặng lẽ khóc và ghi sổ tang vĩnh biệt các liệt sỹ 

Phía trong và ngoài nhà tang lễ đều phủ kín các vòng hoa. Hiếm khi nhà tang lễ Bộ Quốc phòng lặng lẽ đến thế. Ngay cả tiếng khóc đau thương của bố mẹ, vợ con các liệt sỹ dường như cũng được nén lại. Dòng người đến viếng kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ cũng bước chậm hơn, khẽ hơn khi đi qua linh cữu của các anh, như sợ làm kinh động đến giấc ngủ ngàn thu của 9 người con ưu tú vừa ngã xuống vì nhiệm vụ. Bởi có ai không buồn đau khi thấy 9 chiếc quan tài của 9 liệt sỹ nằm sát bên nhau, nỗi đau chồng lên nỗi đau, nỗi mất mát đan xen trong mỗi gia đình của 9 liệt sỹ.

anh-lsy-3.jpg
Di hài các anh được đưa tiễn về đài hoá thân hoàn vũ 

Khác với mọi ngày hè oi ả, cơn mưa bất chợt đổ xuống dòng người đến nhà tang lễ của Bộ Quốc phòng. Bà Lê Thị Mai và bà Nguyễn Thị Thuý Ngà (ở đường Bạch Đằng, Q. Hai Bà Trưng), dù đã ở tuổi 70, vẫn đến nhà tang lễ từ 6h30 sáng để đợi vào viếng các liệt sỹ. Thấy bà Ngà sụt sùi khóc, bà Mai vỗ vai động viên bà bạn, nhưng rồi cũng không nén nổi cảm xúc của mình: “Chúng tôi chỉ là người dân ở Thủ đô, theo dõi tin tức 2 chiếc máy bay gặp nạn từ những ngày đầu, biết là các liệt sỹ được tổ chức truy điệu ở đây, chúng tôi đợi 3 ngày nay để có mặt…”. Bà Ngà vừa lau nước mắt, vừa nói: “Chúng tôi già rồi, nghĩ tiếc những liệt sỹ trẻ đã phải ra đi một, thì thương con trẻ là con các liệt sỹ đến mười lần. Chúng nó như cháu nội, ngoại của nhà tôi, giờ bỗng chốc mồ côi cha quá sớm, lòng người bà nào mà không xót thương?”.

Nép vào góc tường của nhà tang lễ, dì ruột của liệt sỹ Chu cứ gục đầu vào vai người bạn rưng rức: “2 đứa con thằng Chu nó còn nhỏ quá. Đứa con gái đầu mới học lớp 3, còn thằng cu thứ 2 chưa đầy 4 tuổi. Ngày hôm qua, thấy bà con hàng xóm sang nhà giúp mẹ lập bàn thờ bố, con gái hỏi mẹ: “Mẹ ơi, thế giờ mỗi lúc con nhớ bố thì cứ ra đây nhìn ảnh bố à?” “Thế bố ở trong ảnh có biết nói chuyện không mẹ?”, rồi cô bé ngây thơ cứ thế chạy nhảy, nô đùa trước bàn thờ của bố, mà chưa thể nào hiểu được mình đã mồ côi cha từ lúc này.

Đã hết giờ viếng mà dòng người đến tiễn biệt 9 liệt sỹ vẫn kéo dài ngoài sân, mặc cho cơn mưa nặng hạt trút xuống. Hàng nghìn người dân vẫn đội mưa, đứng nép gốc cây để đợi giây phút di quan đưa tiễn các anh về đài hoá thân Hoàn Vũ. Người mẹ già của liệt sỹ Thái từ hôm nghe tin con bị nạn đã suy sụp nhiều, hôm nay bà được người thân dìu đến nhà tang lễ, nhưng chỉ dự được nửa buổi lễ, bà được con cháu đưa ra xe cứu thương để đồng đội con trai chăm sóc. Con cháu muốn đưa bà về nhà nghỉ ngơi, nhưng bà tha thiết nằm ở xe cứu thương đợi di hài con trai rời khỏi nhà tang lễ mới chịu về nhà.

Tiếng khóc không ngớt chạy theo các xe tang có gắn vòng hoa màu đỏ, hình sao vàng ở giữa rất trang nghiêm. Tiếng gọi con, gọi chồng, gọi bố, gọi anh với theo xe chở di hài liệt sỹ rồi đứt quãng bên linh cữu. Những hạt mưa trái mùa vẫn không thôi rơi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm