Hàng rong, hàng quán "vây" bệnh viện
Chúng tôi có mặt ở cổng Bệnh viện Bạch Mai (cổng đường Phương Mai) vào lúc 6h30 sáng, không khí bán mua đã trở nên tấp nập. Gánh khoai lang có nhiều người vây kín chờ mua, cách đó vài bước chân, chị bán xôi luôn tay xới nhưng vẫn không kịp, khách hối liên tục. Hàng quán bán đồ ăn sáng như cháo, phở, bánh cuốn và đồ dùng sinh hoạt của người dân quanh khu vực này cũng hoạt động hết công suất.
Trước cổng Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng vậy, hàng quán luôn đông khách mua. Từ đồ ăn sáng, ăn trưa, đến nước, sữa, khăn tắm, xà bông… đều được người thân của bệnh nhân mua ngoài cổng bệnh viện.
Tương tự, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Trung ương… đều có tình trạng hàng rong "vây" ngoài cổng. Các hàng rong vỉa hè "vây" bệnh viện đều có điểm chung là nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn là ưu tiên số 1 của thân nhân người bệnh, bởi giá rẻ (ví dụ 1 suất cơm, phở giá 15.000-20.000đ, trong khi tại căn tin bệnh viện giá 30.000-50.000đ), nhiều món để lựa chọn và thuận tiện.
Anh Nguyễn Văn Bình (quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang chăm sóc bố mới mổ tại Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Hàng ngày, bữa ăn chính, cháo, sữa và nhiều vật dụng sinh hoạt, tôi đều ra ngoài cổng bệnh viện mua. Vẫn biết hàng quán, hàng rong bán ở vỉa hè không đảm bảo vệ sinh nhưng giá rẻ, tiện, phù hợp nên tôi chấp nhận”.
Cũng theo anh Bình, khi đi mua đồ ăn ở ngoài cổng cũng có hiện tượng chèo kéo khách và không phải hàng quán nào cũng có giá cả hợp lý, khi vào ăn không hỏi giá trước, có người cùng phòng bị “chém” đẹp mà vẫn phải bấm bụng trả tiền. “Hôm mới đưa bố ra điều trị, chân ướt chân ráo, chưa quen đường đi nước bước, tôi ra cổng mua chậu, khăn mặt cho bố tiện thể ăn cơm luôn. Nhân viên mời mọc rất nhiệt tình, tôi vào ngồi gọi đồ ăn, kêu một suất cơm gà, ăn xong ra tính tiền chủ quán bảo 50.000 đồng suất, biết là bị “chém” nhưng tôi vẫn phải trả tiền vì dù gì mình cũng ăn rồi, chỉ trách là khi vào ăn mình không hỏi giá trước”, anh Bình tâm sự.
Chị Trương Thị Thắm (quê Phú Thọ) đang chăm con tại Bệnh viện Nhi Trung ương ra ngoài mua đồ ăn, nước uống, chia sẻ: “Tôi cũng muốn mua thức ăn trong căn tin bệnh viện, nhưng giá trong đó cao hơn bên ngoài. Tôi xoay tiền chữa bệnh cho con đã khó khăn lắm rồi, nên ăn uống phải tính toán từng đồng, thành ra ở đâu rẻ thì mua chứ chẳng nghĩ đến chuyện đảm bảo vệ sinh hay không”.
Có sản phẩm trong căn tin giá cao hơn bên ngoài tới 50%
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, vào giờ cơm trưa, người nhà bệnh nhân ra hàng quán ngoài cổng mua thức ăn rất đông mặc dù bệnh viện có 2 căn tin, 1 căn tin nằm phía cổng sau, 1 căn tin nằm trong khuôn viên khoa Quốc tế. Căn tin này bài trí đẹp, nhân viên phục vụ đông, được ngăn làm 2 phần bên ngoài bán cà phê, nước giải khát, phía trong bán cơm phở, đồ ăn trưa, sáng. Khi nhìn thực đơn để gọi cơm, tôi bất ngờ, món rẻ nhất ở đây có giá 35.000 đồng là món nem Hà Nội, cơm thịt kho trứng nước cốt dừa giá 40.000 đồng, còn lại dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/suất, quán còn phục vụ cơm văn phòng giá từ 40.000 - 60.000 đồng và phục vụ tận nơi khi có bệnh nhân, người nhà yêu cầu…
"Chúng tôi cũng biết là giá cả trong căn tin bệnh viện cao hơn bên ngoài nhưng vẫn phải mua ở căn tin vì thuận tiện hơn...", chị Cao Thị Thơm (Bắc Giang) đang chăm con tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chia sẻ.
Trong khi đó, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng có 2 căn tin, phía ngoài cổng (đường Triệu Quốc Đạt) là căn tin của khoa Dinh dưỡng phục vụ cho nhân viên bệnh viện và người nhà và bệnh nhân. Ở đây, căn tin bán rất nhiều mặt hàng như nước mía, bánh bao, cháo, phở, đồ ăn sáng, trưa… Do nhu cầu của người nhà bệnh nhân, nhân viên bệnh viện nên căn tin rất đông khách vào giờ cao điểm. Một suất cơm bình dân với rau muống, ít thịt nạc rang và 2 miếng đậu phụ có giá 30.000 đồng, bát phở giá 30.000 đồng, bánh bao 10.000 đồng/cái…
Phía trong là căn tin 2 tầng được bố trí gần với khu vực sân ngồi chờ của bệnh viện nên có không gian rộng, thoáng. Căn tin ở đây bán đủ loại từ cháo trắng cho đến phở, nước giải khát, cơm trưa nhưng giá ở đây cũng không được "thân thiện" với túi tiền bệnh nhân. Một bát cháo thịt băm có giá 20.000 đồng, cơm dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/suất, nước giải khát rẻ nhất là 20.000 đồng cho 1 ly cà phê...
Còn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, căn tin (Nhà ăn phục vụ nhân dân) ở đây được bố trí thuận lợi, sạch sẽ nhưng giá bán cũng cao hơn so với bên ngoài. Một bát phở bò ở đây có giá 30.000 đồng, cháo tim 30.000 đồng/bát, cháo trắng 15.000 đồng, bánh mỳ trứng chả 20.000 đồng, cơm cũng dao động từ 35.000 - 40.000 đồng. Đơn cử như chai nước suối Dasani 1.5 lít ở cửa hàng bên ngoài bán 10.000 đồng/chai, ở đây bán 15.000 đồng/chai (tăng 50%); Cocacola bán với giá 15.000/lon, cửa hàng bên ngoài bán với giá 10.000 đồng/lon (tăng 50%); nước tăng lực giá 15.000 đồng/lon quán bên ngoài bán với giá 10.000 đồng/lon (tăng 50%)…
Khi chúng tôi thắc mắc về giá cả trong căn tin các bệnh viện cao hơn bên ngoài, một số nhân viên cho rằng, vì họ đấu thầu mặt bằng cao nên bán giá cao. Tuy nhiên, ở vị trí người bệnh và thân nhân, khi phải đối diện với quá nhiều áp lực về chi phí điều trị bệnh thì việc họ lựa chọn dịch vụ bên ngoài để có thể tiết kiệm chút tiền, bất chấp có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không cũng là điều dễ hiểu.
Thiết nghĩ, các bệnh viện cần quan tâm đến việc phát triển căn tin, đảm bảo chất lượng, có những quy định cụ thể về thực đơn cũng như giá cả đối với các đơn vị, cá nhân trúng thầu căn tin. Bệnh viện cũng cần giám sát thường xuyên để giúp người bệnh và thân nhân được sử dụng dịch vụ an toàn với giá cả phù hợp, nhằm hạn chế phần nào nạn hàng rong, hàng quán "vây" quanh bệnh viện.