Hàng trăm ngàn tờ rơi 'xuống phố' mỗi ngày

24/09/2016 - 11:00
Việc bắt gặp những tờ rơi vung vãi khắp mọi nơi đã không còn là hình ảnh xa lạ với người dân TP.HCM. Đi ra đường, chỉ cần dừng lại một phút ở các ngã tư đèn đỏ là có ngay trong tay một xấp tờ rơi quảng cáo với đủ thể loại.
Mỗi ngày, hàng trăm ngàn tờ rơi quảng cáo của các công ty, dịch vụ tuồng ra TP.HCM. Hết tấn công vào các cổng trường học, công viên, khu phố, “biệt đội” chuyên đi phát tờ rơi tiếp tục chọn ngã ba, ngã tư của các tuyến đường trọng điểm, đông người qua lại để phát tờ rơi.

Chỉ cần vừa dừng xe lại đợi đèn đỏ là “biệt đội” phát tờ rơi tấn công người đi đường bằng cách đưa tờ rơi một cách bất chấp. Không cần biết người đi đường có lấy hay không, những người phát tờ rơi cứ thoăn thoắt đưa hết người này đến người nọ, đưa không được thì bỏ vào hộc xe, nhét sau đuôi xe…không chỉ một tờ mà có khi nguyên cả một xấp tờ rơi.

Mặc dù nhiều người đi đường tỏ ra khó chịu, từ chối bằng cách không nhận tờ quảng cáo nhưng “biệt đội” không hề buông tha mà có những chiêu trò khác để đối phó với người đi đường.
to-roi-quang-cao-1.gif
 Đội ngũ phát tờ rơi thường túc trực ở các ngã tư lớn để phát cho người đi đường
Anh Phạm Duy Khánh bức xúc nói: “Tôi không bao giờ nhận các tờ rơi quảng cáo vì nó không cần thiết, hơn nữa lại làm cản trở giao thông, làm xấu đi hình ảnh, bộ mặt của đường phố nhưng hễ dừng đèn đỏ lại có rất nhiều người tới phát tờ rơi. Không lấy thì họ tìm cách nhét vào phía sau xe, làm cho nó rơi vãi xuống đường khi di chuyển khiến mình rất khó chịu”.

Khác với anh Khánh, chị Trần Thị Mỹ Linh lại có quan điểm khác: “Người phát tờ rơi đa phần là học sinh, sinh viên, do không có công việc nên mới nhận phát tờ rơi. Đường thì nắng nóng, bụi bẩn nhìn rất tội nghiệp. Dù biết lấy tờ rơi cũng không để làm gì nhưng ai đưa thì mình vẫn nhận, coi như giúp đỡ người ta vậy”.

Không chỉ có chị Linh mà rất nhiều người khi được hỏi về việc nhận tờ rơi một cách bừa bãi, nhiều người tỏ ra chuyện đó là bình thường, không quan tâm đến, ai đưa thì cứ nhận, không dùng thì vứt đi.

Công việc này hầu hết là do sinh viên đảm nhận. Bằng cách quảng cáo, tuyển dụng rầm rộ, nhiều sinh viên đã không ngại nhận công việc này để kiếm thêm thu nhập. Bạn Nguyễn Thanh Sang tâm sự: “Công việc cũng khá đơn giản, lại không yêu cầu bằng cấp, làm trong 1 buổi cũng đã có thu nhập 100 ngàn.
to-roi-quang-cao-2.jpg
 Những tờ rơi vương vãi tại các góc đường mỗi khi có biệt đội phát tờ rơi hoạt động
Tuy hơn vất vả nhưng đối với sinh viên thì công việc này rất hấp dẫn”. Sang cũng cho biết không chỉ em mà có rất nhiều bạn của em đều nhận phát tờ rơi cho các công ty quảng cáo, dịch vụ bởi đây là “việc nhẹ, lương cao”. “So với việc đi phục vụ thì phát tờ rơi sướng hơn nhiều”, Sang tâm sự.
Chính vì những suy nghĩ trên mà việc phát tờ rơi cứ diễn ra đều đặn trong cuộc sống thường nhật. Số lượng tờ rơi tuồng ra ngoài đường mỗi ngày một tăng lên trong sự bất lực của các cơ quan chức năng do thiếu sự giám sát, quản lý mặc dù đã có quy định cụ thể, rõ ràng.

Theo quy định tại chỉ thị 25/2014/CT-UBND của UBND TP.HCM về việc tăng cường công tác quản lý về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TPHCM có hiệu lực thi hành từ 26/9/2014 về việc thành phố sẽ tiến hành xử phạt đối với người phát tán tờ rơi tại các giao lộ, vòng xoay. Tờ rơi chỉ được phát tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm, dịch vụ…Đối với người trực tiếp phát tán tờ rơi ngoài đường sẽ bị phạt từ 50 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng cho mỗi tờ rơi không đúng qui định. Nhưng thực tế, dù có quy định từ rất lâu nhưng việc quản lý hoạt động trái phép này vẫn còn gặp nhiều bất cập.

Việc thông báo về quy định chưa thật sự rõ ràng, hiệu quả để mọi người được biết và nắm rõ luật. Khi được hỏi về việc làm trái luật này, một bạn sinh viên nhận phát tờ rơi cho hay: “Mình không biết về việc phát tờ rơi là vi phạm luật vì khi nhận tờ rơi từ công ty quảng cáo, họ nói cứ đi phát, không ai kiểm tra xử lý đâu. Cũng vì thiếu công việc làm thêm vào thời gian rảnh nên sinh viên mới hay đi phát tờ rơi”.
Chính vì thiếu hiểu biết mà không ít bạn học sinh, sinh viên coi việc phát tờ rơi là công việc làm thêm hiệu quả để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Họ vô tư nhận tờ rơi từ các công ty, rồi chuyển đến tay người đi đường bằng nhiều hình thức khác nhau mà không cần biết tác hại của công việc mà mình đang làm.

Tờ rơi cứ thế tuồn ra đường theo một cách đơn giản nhất. Ở các ngã tư, giao lộ, sau mỗi lần xe dừng lại chờ tín hiệu đèn là “biệt đội” tờ rơi lại lao tới. Và sau khi họ đi, dưới lòng đường, vỉa hè là những tờ rơi tràn lan. Bộ mặt của thành phố từ đó cũng bị ảnh hưởng đi rất nhiều, trở nên xấu xí hơn trong mắt du khách nước ngoài.
to-roi-quang-cao-3.jpg
 Cần nâng cao ý thức của người dân để những hình ảnh xấu xí này không còn xuất hiện trên đường phố
Việc nâng cao ý thức cho mọi người về tờ rơi quảng cáo là điều hết sức cần thiết đối với người phát lẫn người nhận tờ rơi. Nhiều người sau khi nhận tờ rơi xong lại vô tư vứt xuống đường, họ đơn giản chỉ nghĩ là nhận lấy rồi vứt đi khi không cần thiết. Nhưng họ đâu biết rằng dù việc làm của họ rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến bộ mặt của xã hội. Muốn phát triển đất nước, muốn bắt kịp sự văn minh của nhân loại thì trước hết ở bản thân mỗi người phải tập cho mình một lối sống văn minh, ý thức gìn giữ môi trường, cảnh quan chung của thành phố.

Một việc làm tuy rất nhỏ nhưng nó lại dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu chúng ta cứ tiếp tục đi theo lối suy nghĩ và tư duy “việc này không của riêng ai”. Để những tờ rơi không tuồng ra đường một cách bữa bãi, cần lắm sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. Nói phải đi đôi với hành động, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát tán tờ rơi đồng thời nâng cao ý thức cho những người phát tờ rơi, tạo cho học sinh, sinh viên những công việc làm thích hợp để tránh sập bẫy các công ty phát tờ rơi, quảng cáo như hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm