pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Hạnh phúc Xanh” kết nối con người với tự nhiên
Hoạt động trồng rừng ở Sóc Trăng
Nói về ý tưởng vì môi trường của chương trình, chị Nguyễn Thị Thu Lành, Quản lý chương trình "Hạnh phúc Xanh", cho biết: "Ý tưởng bắt đầu từ câu hỏi: Làm thế nào để con người có thể kết nối với tự nhiên và phủ xanh rừng? Thêm vào đó, chúng tôi nhận thấy, nếu chỉ xây dựng nhà an toàn thì quỹ Sống chỉ dừng ở việc là thích ứng với rủi ro. Việc trồng thêm cây và phủ xanh rừng sẽ giúp chúng ta giảm được tác động của biến đổi khí hậu. Để cộng đồng sống an toàn và bền vững thì thiên nhiên là một yếu tố không thể thiếu".
Từ khi chương trình được khởi động, nhóm đã tiến hành nhiều chiến dịch tại các tỉnh, thành. Đặc biệt, chiến dịch "Trồng rừng vững đất" được triển khai với mục tiêu trồng 50ha rừng ngập mặn trong 5 năm tại tỉnh Sóc Trăng. "Rừng ngập mặn có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ đường bờ và chống sạt lở, tăng lượng bồi lắng và kiến tạo bãi bồi, chắn sóng và tạo nên vành đai bảo vệ cộng đồng. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn giúp gia tăng đa dạng sinh học, là cơ sở gia tăng nguồn lợi thuỷ hải sản và phát triển sinh kế từ rừng cho bà con", chị Thu Lành cho biết.
Trồng rừng giữ nước
Chiến dịch "Trồng rừng giữ nước" được thực hiện tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, là một chiến dịch đem lại nhiều giá trị cộng đồng. Ngoài mục tiêu phủ xanh 33ha rừng, tương đương 41.000 cây, tại Thuận Nam thì nhóm còn tận dụng lượng nước quý giá trong mùa mưa để đẩy mạnh chăm sóc và thử nghiệm các loại phân vi sinh, giúp cây phát triển, dự trữ dinh dưỡng, sẵn sàng chống chịu cho 9 tháng mùa khô khắc nghiệt. "Hiểu được sự khó khăn trong việc giữ rừng, chúng tôi đã ứng dụng các công nghệ theo dõi, định vị và thu thập quản lý cơ sở dữ liệu và khu vực trồng rừng để hỗ trợ cho công tác quản lý và theo dõi rừng trồng của đội ngũ. Tính đến tháng 12/2021, sau khi nghiệm thu cơ sở, tỉ lệ cây sống đạt 97,95% trên toàn bộ diện tích hơn 33ha rừng trồng mới và nâng cấp năm nay. Đến tháng 4/2022, Ninh Thuận đã trải qua 4 tháng khô hạn. Trời nắng rát nung đỏ khiến những đồi núi đá khô cằn, cây cỏ bụi đều khô héo, cháy khát. Tuy nhiên, 41.000 cây thuộc dự án "Trồng rừng giữ nước" vẫn đang kiên cường trước nắng hạn, phát triển xanh tươi, khỏe mạnh", chị Thu Lành cho biết.
Công viên xanh
Về các dự án trồng cây đô thị, "Hạnh phúc Xanh" tiếp tục triển khai dự án "Công viên Hạnh phúc Xanh". Dự án tập trung cải tạo các không gian công cộng đang bị bỏ quên hoặc chưa khai thác hiệu quả thành không gian xanh, đa chức năng, dễ tiếp cận, được cùng thực hiện và vận hành bởi cộng đồng. Trong đó có 2 dự án điển hình là công viên tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh và đang thi công công viên tại Cửa Đại (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Sau khi các hạng mục trồng cây, cấy cỏ, tiện ích, trò chơi được hoàn thành, người dân ở Cửa Đại đã bắt đầu tổ chức các hoạt động cộng đồng như lớp học vẽ Ziczac cho trẻ em vào cuối tuần, giải đá bóng thường niên, lễ Cầu ngư của người dân làng chài địa phương… Từ một không gian không ai lui tới, giờ công viên đã trở thành nơi người dân Phước Hải tìm tới và tổ chức sinh hoạt cộng đồng.
Chia sẻ về kế hoạch hoạt động của nhóm trong thời gian tới, chị Thu Lành cho biết, Chương trình sẽ có chiến dịch "Trồng rừng vững đất" tại Sóc Trăng và tiếp tục trồng mới 20ha rừng nâng cấp tại Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.