pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hành trình đưa đặc sản kẹo dừa ra thế giới
Đam mê, đồng hành và hy vọng
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ dừa, bà Đặng Thị Trúc Lan Chi có niềm yêu mến đặc biệt với kẹo dừa - món đặc sản Bến Tre gắn liền với tuổi thơ và con người nơi đây. Ngay từ nhỏ bà sớm có hoài bão đưa đặc sản quê hương vươn xa.
Năm 1984 bà bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh từ cơ sở sản xuất mạch nha của gia đình - một trong ba loại nguyên liệu chính để sản xuất kẹo dừa. Mãi đến năm 2001, bà mới bắt đầu nghiên cứu và đầu tư sản xuất kẹo dừa, khởi đầu thực hiện đam mê sau nhiều năm đồng hành và hy vọng "mang sản phẩm kẹo dừa truyền thống của Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới".
"Không có gì là không thể" bà luôn tâm niệm khi mình đủ đam mê quyết tâm theo đuổi cùng sự nỗ lực thì mọi việc sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Và sự kiên định đó đã giúp bà trở thành người tiên phong "lan tỏa tinh hoa đặc sản Việt bay xa" với thương hiệu kẹo dừa Yến Hoàng.
Không ngừng thay đổi, cải tiến để đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau nhiều năm trăn trở mất ngủ về việc khắc phục nhược điểm ăn dính răng của kẹo dừa. Đến năm 2011 công ty đã đột phá sản xuất thành công kẹo dừa ăn không dính răng mà vẫn giữ trọn hương vị truyền thống cải thiện chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. "Từ phản ứng của người tiêu dùng, từng bước, chúng tôi củng cố thêm niềm tin của mình về sản phẩm kẹo dừa không dính răng, ý tưởng sáng tạo mới cho kẹo dừa truyền thống và sau này trở thành sản phẩm độc quyền của công ty, bên cạnh đó chúng tôi chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất để bảo vệ sức khỏe người sử dụng", Ceo Lan Chi chia sẻ.
Cần chủ động, thích nghi để sống chung cùng Covid
Dịch Covid ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp, do vậy, nhiều doanh nghiệp cũng cần phải thích nghi và có sẵn các phương án lâu dài sống chung với đại dịch Covid. Bà Lan Chi chia sẻ: "Covid 19 gây ảnh hưởng tiêu cực, công ty tôi cũng không ngoại lệ. Nên chúng ta cần phải thích nghi linh hoạt để duy trì doanh nghiệp. Luôn chủ động xây dựng sẵn các phương án ứng phó với đại dịch. Hai năm qua, mặc dù công suất sản xuất có giảm nhưng vẫn đảm bảo được cho người lao động có công ăn việc làm và thu nhập ổn định trong lúc khó khăn". Nói thêm về tình hình kinh doanh mùa dịch, bà cho biết: Hầu hết các sản phẩm kẹo đều do chính công ty nghiên cứu, thiết kế và giới thiệu ra thị trường trong và ngoài nước, cũng có một số ít sản phẩm do nhà phân phối đặt hàng. Cho đến hiện nay sản phẩm tiêu thụ tạm ổn ở thị trường trong và ngoài nước. Song song với việc sản xuất thì thời điểm này chúng tôi đặc biệt quan tâm và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc và nơi cư trú, bố trí phương tiện y tế để phòng ngừa dịch bệnh trong công ty, bố trí phân tán công nhân sản xuất theo ca để đảm bảo phòng bệnh, vừa đảm bảo thu nhập cho công nhân và hỗ trợ tiêu thụ nguyên liệu cho nông dân giảm tình trạng được mùa mất giá.
Tiếp tục duy trì sản xuất, ổn định công việc cho công nhân
Về chiến lược kinh doanh hiện tại và thời gian tới, bà Chi cho biết: Dịch vẫn lây lan trên diện rộng, việc xuất khẩu bị giảm đi đáng kể thị trường du lịch ngưng nhập sản phẩm. Vì thế, công ty đã cố gắng duy trì sản xuất và tiếp thị sản phẩm tại thị trường nội địa. Cũng may mắn, nhiều kênh bán lẻ trong nước như các cửa hàng bán lẻ tại địa phương, Bách hóa xanh vẫn tiếp nhận và phân phối nhiều sản phẩm của chúng tôi. Bên cạnh đó trong giai đoạn này chúng tôi tập trung nghiên cứu sản phẩm mới nâng cao chất lượng và bao bì, mẫu mã.
Kinh doanh không chỉ là lợi nhuận
Mặc dù doanh nghiệp chịu sức ép lớn về kinh tế do dịch covid và hoàn toàn có thể cắt giảm nhiều lao động nhờ vào công nghệ dây chuyền khép kín, tự động hóa duy. Nhưng nữ lãnh đạo vẫn duy trì sản xuất truyền thống bằng lao động thủ công song song cùng dây chuyền công nghệ tự động hóa nhằm tạo việc làm cho lao động, giúp ổn định an sinh xã hội, cải thiện vấn đề bình đẳng giới ở nông thôn.
Hiện nay công ty có hơn 200 lao động, trong đó hơn 90% là lao động nữ, phần lớn là trên 35 tuổi và họ có trình độ học vấn thấp hoặc chưa được đi học. Bà muốn chia sẻ và đồng cảm với phụ nữ luôn tạo các điều kiện tốt nhất để họ có việc làm. Ưu tiên cho phụ nữ được lựa chọn thời gian làm việc thích hợp, chọn công việc phù hợp với năng lực, trình độ và điều kiện sức khỏe. Điều này theo bà là gián tiếp góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình, giảm bạo lực và góp phần tạo điều kiện cho con em họ đến trường. "Với triết lý kinh doanh không phải chỉ là lợi nhuận, mà còn phải nhận thức đầy đủ vai trò của doanh nghiệp với cộng đồng. Với Vĩnh Tiến, việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động được đặt lên hàng đầu" nữ chủ doanh nghiệp chia sẻ.