Hành trình "không khói thuốc" ở Chuông Vàng

An Khê - Ảnh: PN
26/04/2025 - 17:01
Hành trình "không khói thuốc" ở Chuông Vàng

Một cuộc họp cộng đồng dân cư thôn Chuông Vàng với chủ đề "Không khói thuốc"

Không cần khẩu hiệu lớn, không cần micro hay sân khấu, những bước chân lặng lẽ của các thành viên câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ xây dựng tổ ấm - không khói thuốc” thôn Chuông Vàng (xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) đã khơi lên một phong trào “không khói thuốc” ở Chuông Vàng.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Một buổi sáng bình yên ở thôn Chuông Vàng, mặt trời vừa nhú qua rặng tre, sương mỏng phủ lên từng mái ngói, tiếng gà gáy xen lẫn tiếng loa phát thanh quen thuộc. Cuộc sống nơi đây tưởng như êm đềm, nhưng bên trong mỗi nếp nhà, không phải lúc nào cũng phẳng lặng. Không ít gia đình từng lục đục chỉ vì… một điếu thuốc. Vợ chồng cãi nhau, con cái phản ứng, người già ho sặc sụa trong làn khói mù, tất cả dần trở thành "chuyện thường ngày" trong nhiều mái ấm.

Hành trình “không khói thuốc” ở Chuông Vàng (Bắc Giang)- Ảnh 1.

Ông Dương Thế Bằng dùng sự chân thành để vận động đàn ông trong thôn bỏ thuốc

Chính vì thế, từ năm 2017, có một người đàn ông lặng lẽ đi khắp thôn, gõ cửa từng nhà để nói về một điều tưởng nhỏ nhưng không dễ đổi thay: Thói quen hút thuốc.

Tháng 3/2017, ông Dương Thế Bằng chính thức gia nhập CLB "Phụ nữ xây dựng tổ ấm - không khói thuốc". Giữa một đội ngũ toàn phụ nữ, ông là "cánh én lạ" nhưng lại trở thành gương mặt đi đầu trong hoạt động tuyên truyền.

"Có lần tôi đến vận động một bác trong thôn bỏ thuốc, bác ấy mắng té tát, bảo tôi bỏ vợ còn dễ hơn bỏ thuốc", ông kể lại, vừa cười vừa lắc đầu. Nhưng ông không giận, không bỏ cuộc. "Lần sau tôi vẫn đến, kể cho bác ấy nghe chuyện có người bị ho cả đêm vì khói thuốc, đứa trẻ hàng xóm bị viêm phổi vì hít phải khói thuốc của bố. Rồi bác ấy bảo: "Chú ngồi chơi uống nước". Thế là tôi biết mình có cơ hội".

Ông Bằng gọi đó là "truyền thông bằng cảm xúc". Không khẩu hiệu, không lý lẽ khô cứng. Mà là những câu chuyện có thật, về người thật. Chính sự chân thành ấy đã khiến nhiều "con nghiện thuốc" dần dần thay đổi. "Có người sau khi bỏ thuốc còn xin gia nhập CLB để đi cùng chúng tôi vận động người khác".

Hành trình “không khói thuốc” ở Chuông Vàng (Bắc Giang)- Ảnh 2.

Bác sĩ Bệnh viện Bắc Giang thăm khám cho bệnh nhân bị bệnh phổi có liên quan đến thuốc lá

Trong những buổi tối, khi thôn làng đã lên đèn, ông Bằng lại cùng các thành viên CLB gõ cửa từng nhà, không chỉ để nói về khói thuốc, mà còn hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ khó khăn - như một người hàng xóm đúng nghĩa. Theo ông, "chìa khóa" để chạm đến trái tim người dân chính là tình thương và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và gia đình.

Nếu ông Bằng là người gõ cửa, thì chị Bùi Thị Hiến, Chủ nhiệm CLB chính là người giữ lửa. Năm 2017, khi mô hình CLB "Phụ nữ xây dựng tổ ấm - không khói thuốc" bắt đầu hình thành, chị Hiến vấp phải không ít hoài nghi. "Có người bảo chúng tôi mơ mộng, làm sao bắt người ta bỏ thuốc được", chị kể.

Hành trình “không khói thuốc” ở Chuông Vàng (Bắc Giang)- Ảnh 3.

Chị Bùi Thị Hiến - Chủ nhiệm CLB “Phụ nữ xây dựng tổ ấm - không khói thuốc” Chi hội Phụ nữ thôn Chuông Vàng, xã Tân Hưng

Nhưng với tinh thần "mưa dầm thấm lâu", chị cùng 45 thành viên, trong đó có 9 nòng cốt là phụ nữ - đã kiên trì tuyên truyền qua từng buổi sinh hoạt phụ nữ, từng buổi họp thôn, từng lần đứng cổng trường. CLB chọn cách lồng ghép tuyên truyền vào các dịp cộng đồng: Ngày Đại đoàn kết, hội họp tổ liên gia, thậm chí là dịp hiếu, hỉ.

Từ một thôn nhỏ đến phong trào lớn

Không phải cuộc vận động nào cũng suôn sẻ. Trong quá trình tổ chức tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá, CLB vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Trước hết là về mặt nhận thức, đặc biệt là với nam giới trong độ tuổi lao động. Họ thường xuyên vắng nhà, tiếp xúc rộng, nên thói quen hút thuốc đã trở thành một phần của sinh hoạt hàng ngày, khó mà thay đổi trong "một sớm một chiều". Việc phụ nữ, vốn là vợ, là mẹ, là em gái đến nhắc nhở cũng dễ bị xem nhẹ, thậm chí bị coi là phiền toái. Có người còn gắt gỏng, từ chối lắng nghe, hoặc viện lý do "hút bao nhiêu năm rồi, vẫn sống khỏe".

Bên cạnh đó, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá hiện không quy định việc thành lập Ban chỉ đạo tại các cấp cơ sở, khiến cấp ủy, chính quyền và nhiều ban ngành địa phương chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ, chưa tạo được phong trào rộng khắp. Các quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng chưa được thực hiện nghiêm túc, trong khi chế tài xử phạt còn lỏng lẻo, khó triển khai. Ở nhiều nơi, dù có treo biển cấm, khói thuốc vẫn hiện diện.

CLB hiện hoạt động chủ yếu dựa vào tinh thần tự nguyện, không có cơ chế hỗ trợ kinh phí. Thành viên đa số kiêm nhiệm, kỹ năng tuyên truyền chưa đồng đều. Chưa kể, công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử phạt cũng chưa có quy định rõ ràng, khiến việc duy trì động lực đôi lúc gặp khó.

Tuy vậy, những bước chân bền bỉ, những lời nói nhỏ nhẹ đầy yêu thương của các thành viên, đặc biệt là các chị em phụ nữ vẫn đang từng ngày tạo ra những thay đổi thầm lặng nhưng bền vững trong cộng đồng.

Kết quả là giờ đây, tại thôn Chuông Vàng, những đám giỗ, đám cưới đều không còn thấy điếu thuốc mời khách. Cổng nhà văn hóa, cổng trường đều treo biển "Không hút thuốc!". Tại buổi sinh hoạt định kỳ cuối mỗi tháng, chị em vui vẻ chia sẻ những câu chuyện: Chồng đã bỏ thuốc, con trai biết từ chối lời mời hút, không khí trong nhà trở nên nhẹ nhõm, sáng sủa.

Hành trình “không khói thuốc” ở Chuông Vàng (Bắc Giang)- Ảnh 4.

Các thành viên CLB hy vọng sẽ vận động được nhiều hơn nữa đàn ông bỏ thuốc lá

Tuy nhiên, hành trình không hề dễ dàng. CLB vẫn gặp nhiều rào cản: Từ việc thiếu kinh phí hoạt động, đến khó khăn trong xử lý vi phạm khi hút thuốc tại nơi công cộng. Nhiều người vẫn bán thuốc công khai, hút thuốc trong trụ sở làm việc dù có biển cấm.

"Chúng tôi mong có quy định cụ thể hơn, chế tài nghiêm hơn, và nhất là sự vào cuộc thực sự của chính quyền", chị Hiến chia sẻ.

Dù là mô hình tự phát, hoạt động chủ yếu bằng tinh thần tự nguyện, nhưng những gì CLB "Phụ nữ xây dựng tổ ấm - không khói thuốc" đang làm tại Chuông Vàng chính là một hình mẫu về cách cộng đồng có thể thay đổi từ bên trong.

CLB không chỉ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc trong thôn, mà còn tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh, nhân văn, giúp nâng cao chất lượng sống. Các thành viên, phần lớn là phụ nữ nông thôn đã trở thành những người truyền cảm hứng thầm lặng.

"Nếu ai cũng nghĩ mình nhỏ bé, thì không ai hành động. Nhưng nếu mỗi người nói một câu, chia sẻ một lần, thì sẽ có những người nghe và thay đổi", chị Hiến nói.

Từ câu chuyện của CLB và những người mẹ, người chị trong CLB, có thể thấy: Để chống lại thuốc lá, không cần đến các chiến dịch rầm rộ. Chỉ cần một lời chân thành, một sự kiên trì là đủ lay chuyển cả một cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm