Khi còn nhỏ, mỗi khi nhìn lên bầu trời, Anny Divya (30 tuổi) luôn khao khát được bay qua những đám mây và chạm vào các vì sao. Hạt mầm mơ ước đó lớn dần lên khi mẹ cô khích lệ rằng cô hoàn toàn có thể trở thành một phi công. Tuy nhiên, cho khi cô sắp hoàn thành chương trình phổ thông thì không ai bên cạnh cô có thể trả lời giúp cô câu hỏi: Phải làm gì để trở thành phi công. Chính vì lý do đó mà bố mẹ cô đề nghị cô thi vào một trường kỹ thuật nào đó để trở thành kỹ sư. Song Divya không cam lòng từ bỏ niềm đam mê của mình. Cho đến khi một vị khách tình cờ đến thăm gia đình cô, ông ấy đã chỉ cho cô biết trường dạy bay danh tiếng Indira Gandhi Rashtriya Uran Akademi ở Uttar Pradesh để cô thi vào.
Khó khăn đầu tiên mà cô phải đối mặt trên cuộc hành trình đi theo tiếng gọi con tim là khả năng ngôn ngữ. Ở nhà, cô chỉ nói tiếng Telugu và tiếng Hindi nên không giỏi tiếng Anh. Ban đầu việc học và giao tiếp giữa cô và bạn bè gặp rất nhiều khó khăn nhưng thời gian đã giúp cô thích ứng với mọi thứ. Thách thức nữa là chi phí đào tạo phi công rất cao trong nhưng gia đình cô lại rất khó khăn. Để có tiền nuôi cô ăn học, bố mẹ cô phải vay mượn khắp nơi. Bằng đam mê, cô biến tất cả những thử thách đó thành độc lực để phấn đấu. Kết quả là cô đã trở thành học viên xuất sắc, thường xuyên được nhận học bổng của trường.
2 năm sau, khi 19 tuổi, Anny Divya hoàn thành chương trình học và được nhận vào làm việc tại hãng hàng không Air India. Tiếp đó, cô được cho đi đào tạo lái máy bay 737 ở Tây Ban Nha và đến London (Anh quốc) học điều khiển máy bay Boeing 777. Sau 10 năm trên cánh bay, cô trở thành nữ cơ trưởng máy bay Boeing 777 ở tuổi 30 và trở thành nữ cơ trưởng trẻ nhất thế giới.
Không muốn dừng lại ở đó, cô luôn muốn học thêm những điều mới mẻ qua những chuyến bay, tiếp cận với những máy bay mới với công nghệ tiên tiến hơn. Bên cạnh đó, cô còn muốn trở thành giáo viên huấn luyện bay bởi cô hiểu những khó khăn trên con đường chinh phục ước mơ mà không có người hướng dẫn, cô muốn làm điều đó cho những bạn trẻ sau này. Cô rất tự hào vì tỷ lệ nữ phi công ở Ấn Độ chiếm 15%, cao hơn tỷ lệ chung của thế giới đến 10%. Chính vì thế, cô muốn có thêm nhiều cô gái trẻ bước vào lĩnh vực này.
Divya chia sẻ: “Để trở thành một phi công đòi hỏi bạn phải giỏi toán, vật lý, có kỹ năng giao tiếp, nhận diện và xử lý tình huống tốt… bởi khi ngồi trên buồng lái thì sinh mạng của hàng trăm người khác đang nằm trong tay mình”.