Hành trình tự xuất khẩu sách của những cô gái ‘dại khờ mộng mơ’

10/04/2017 - 18:43
Tự làm mỹ phẩm, tự viết sách, cũng tự tìm đường đưa sách bán trên Amazon, ở Thái Lan, Hàn Quốc nhưng Đỗ Anh Thư và Nguyễn Thu Giang vẫn chỉ nhận mình là 'những kẻ dại khờ mộng mơ'.

Hướng rẽ bất ngờ 

Đỗ Anh Thư sinh năm 1987, hơn Thu Giang 2 tuổi. Họ gặp nhau ở điểm chung: đều rất thích tự làm mỹ phẩm. Giang tiếp cận với cách làm mỹ phẩm handmade tại Nga từ năm 2009 và coi mỹ phẩm là một trong các lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm của mình. Cũng vào năm đó, Thư trải qua một khóa học mỹ phẩm handmade ở Mỹ khi theo gia đình sang đây công tác (bố của Thư làm công tác ngoại giao). Thay vì theo con đường đã được gia đình chuẩn bị sẵn, Thư lại mày mò với đủ thứ mà theo như lời mẹ cô nói, “chỉ nghĩ là con mình làm đồ chơi thôi”. Không ngờ, những thứ “đồ chơi” ấy lại đưa Anh Thư rẽ sang một hướng đi hoàn toàn khác với dự định của gia đình.

thu-4.jpg
 Nguyễn Thu Giang và Đỗ Anh Thư (đeo kính)

Từ khóa học làm mỹ phẩm handmade, Thư mày mò làm son. Qua mỗi mẻ bào chế, Thư đều rút ra kinh nghiệm để làm son tốt hơn. Sau gần 1 năm làm và rút kinh nghiệm như thế, cuối cùng Anh Thư cũng thành công với việc tự làm mỹ phẩm sạch. Cô bắt đầu bán những sản phẩm tự mình làm ra trên mạng và được nhiều chị em yêu thích. Nhận thấy mỹ phẩm handmade là một ý tưởng chưa ai khai phá tại Việt Nam, Thư mở công ty Grandpa’s Garden, chuyên cung cấp nguyên liệu làm mỹ phẩm an toàn và đặc biệt là mở các khóa đào tạo làm mỹ phẩm handmade.

Sau rất nhiều lần trao đổi qua lại với nhau, Thu Giang và Anh Thư nảy ra ý định viết chung một cuốn sách chia sẻ cách làm mỹ phẩm an toàn cho mọi người. “Điều duy nhất chúng tôi nghĩ lúc đó là: Mình biết công thức làm loại mỹ phẩm này, mình có thể chia sẻ cái này với mọi người. Chúng tôi cứ như những kẻ mộng mơ dại khờ, không hình dung được những gì sẽ đến ở phía trước”, Thu Giang nói.

tu-lam.jpg
Cuốn sách "Tự làm mỹ phẩm" 

Một năm rưỡi cho cuốn sách đầu tay

Bởi là những kẻ dại khờ mộng mơ, nên hai cô gái Thu Giang và Anh Thư không thể ngờ được con đường từ việc mong muốn chia sẻ cách tự làm mỹ phẩm trở thành cuốn sách lại khó khăn đến thế. “Từ khi bắt tay vào làm với kế hoạch rõ ràng cho đến khi sách ra mắt là gần 1 năm rưỡi”, Thu Giang cho biết. Khâu chuẩn bị nội dung thì không quá lâu, vì cả Thu Giang và Anh Thư đều có khá nhiều kinh nghiệm và khả năng viết lách. Khó khăn nhất của cuốn Tự làm mỹ phẩm là phần hình ảnh, bởi với một cuốn sách dạy làm mỹ phẩm, điều quan trọng là hình ảnh phải thật bắt mắt, làm sao cho mở sách ra là người ta muốn bắt tay vào làm ngay.

Khi nghe biên tập viên Hằng Nga của Nhã Nam yêu cầu là phải có ảnh đẹp, Giang và Thư chỉ nghĩ đơn giản ảnh đẹp là ảnh đủ ánh sáng, đủ độ nét. Nhưng sau mấy lần chụp ảnh với các nhóm nghệ sĩ khác nhau với một chi phí kha khá, câu trả lời mà hai cô gái nhận được vẫn chỉ là: “Cái này không lên sách được đâu”.

“Phải nói là chị Hằng Nga cực kỳ… ghê gớm trong việc xét duyệt bản thảo. Chúng tôi là những kẻ mộng mơ, còn chị ấy là người của con số. Với bộ ảnh đầu chúng tôi đưa, chị ấy dự đoán chỉ có khoảng 500 người mua sách và bảo rằng Nhã Nam không bao giờ xuất bản cuốn sách chỉ có 500 người mua. Mỗi lần mang bộ ảnh mới đến cho chị Nga, chị ấy lại vứt đi, chúng tôi cực kỳ đau khổ”, Anh Thư chia sẻ.

Các tác giả đau khổ là phải, bởi trong những bộ ảnh bị vứt đi ấy có không chỉ là mồ hôi mà còn là nước mắt của họ. “Nói thực là lúc ấy tôi cảm thấy… hận chị Hằng Nga. Nhưng  tôi cũng vô cùng biết ơn sự khắt khe ấy của chị, bởi nếu không thì cuốn sách của chúng tôi đã không thể đi ra được nước ngoài như bây giờ”, Anh Thư nói.

thu.jpg
 Đỗ Anh Thư, nhiếp ảnh gia Bảo Ngọc và MC Phí Nguyễn Thùy Linh (bìa trái)

Cuối cùng, Anh Thư và Thu Giang đã gặp được Bảo Ngọc - cô nhiếp ảnh gia có thể đáp ứng được những yêu cầu cực kỳ tỉ mỉ của phía xuất bản sách. Đơn cử như việc để có được tấm hình con mèo bên lọ sữa dưỡng da thôi, Bảo Ngọc phải đi mượn đến mấy con mèo mới tìm được con phù hợp hoặc chịu hợp tác. Hay như ảnh cho phần làm son dưỡng môi, Bảo Ngọc phải nhờ mẹ mình đi đến 5 chợ mới tìm ra được quả gấc ưng ý để khi cắt ra có thể lên hình long lanh nhất.

“Tất cả các đạo cụ, góc chụp, ý tưởng trong cuốn sách đểu phải theo một market thống nhất. Nói thực là khi tiếp nối một dự án mà trước đó nhiều người đã không đáp ứng được, tôi rất lo lắng. Tôi cảm nhận được sự quan trọng của phần hình ảnh trong cuốn sách hướng đến khách hàng nên không khỏi… hoang mang. Tôi ý thức được tránh nhiệm của mình là phải làm thế nào để nhìn cuốn sách trên kệ là người ta muốn mua ngay, hoặc hình ảnh đưa lên mạng thì cũng phải có sức hấp dẫn”, Bảo Ngọc chia sẻ.

Và Bảo Ngọc cũng như Anh Thư, Thu Giang đã không uổng phí gần 1 năm rưỡi đau đầu, khi hình ảnh đẹp chính là yếu tố đầu tiên khiến Media Matter đồng ý xuất bản cuốn sách Tự làm mỹ phẩm ở Thái Lan.

1.jpg
 Các cuốn "Tự làm mỹ phẩm" bản tiếng Việt, Thái và Hàn 

Xuất khẩu sách sang Thái Lan, Hàn Quốc

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2014, cho đến nay Tự làm mỹ phẩm của Anh Thư và Thu Giang đã bán được 15.000 bản sách – một con số đáng mơ ước với các tác giả sách ở Việt Nam. “Thừa thắng xông lên”, năm 2015 Anh Thư lại kết hợp với Hương Thủy  - chủ blog làm đẹp Óng Ánh cùng ra cuốn sách Dưỡng da trọn gói. Cuốn sách này có lượng phát hành chẳng hề kém cạnh Tự làm mỹ phẩm.

Không dừng lại phát hành trong nước, Đỗ Anh Thư nung nấu mơ ước bán sách ra nước ngoài. Cuối năm 2015, cô “ôm” cuốn Tự làm mỹ phẩm sang một hội chợ chuyên ngành mỹ phẩm tại Bangkok để quảng bá. “Tôi hăm hở vác sách đi, trong lòng tràn trề hy vọng. Vậy mà đi chào mời từ gian hàng này sang gian hàng khác, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu. Tôi chán nản, tuyệt vọng vô cùng. Nhưng đúng lúc đó, tôi gặp được chị Karuna Chinthanom”.

Karuna Chinthanom là Tổng Biên tập Media Matter - công ty truyền thông phát hành các ấn phẩm chuyên ngành dược và mỹ phẩm, phát hành song ngữ Anh và Thái. Chỉ vài giây sau khi lật giở sách, Karuna thốt lên với Anh Thư: “Sách đẹp quá! Bạn có muốn xuất bản ở Thái Lan không?”. Khỏi phải nói Anh Thư sung sướng đến mức nào, theo lời cô nói là “chẳng khác gì đang từ địa ngục được vút lên thiên đường”. Cuốn Tự làm mỹ phẩm bản tiếng Thái được phát hành trên đất nước Chùa Vàng sau đó ít lâu quả thực như một liều doping khiến Anh Thư tiếp tục “chào hàng” sách của mình ở những quốc gia khác.

a.jpg
 Thu Giang, Anh Thư và Karuna Chinthanom (giữa)

Và việc Tự làm mỹ phẩm được xuất bản tại Hàn Quốc - đất nước được coi là trung tâm của mỹ phẩm châu Á - với Anh Thư, quả là một phần thưởng đáng giá. Anh Thư cho biết, khi tình cờ thấy một website có tên các nhà xuất bản trên thế giới, cô đã gọi điện cho số máy mà cô nghĩ rằng đó là một tổng đài điện thoại của Hàn Quốc. Khi cô giới thiệu về cuốn sách, người đầu phía bên kia điện thoại bảo cô email cho mình. Hóa ra, người ấy không phải là nhân viên tổng đài, mà chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị một nhóm các nhà xuất bản ở Hàn Quốc.

 “Mấy tháng sau đó, khi thư qua thư lại rất nhiều lần và đã làm hợp đồng xuất bản, ông Lee mới cho biết điều khiến ông cực kỳ ấn tượng và nhanh chóng giúp tôi đưa sách vào Hàn Quốc. Đó là chưa bao giờ ông ấy nhận được cuộc điện thoại công việc từ nước ngoài vào ngày nghỉ. Mà khi gọi điện cho ông, tôi cũng không nghĩ rằng thứ 7 là ngày nghỉ, vì tôi vẫn làm việc bình thường. Vì Có lẽ chính sự vô tình làm phiền của tôi khiến ông xúc động, cho rằng tôi là một người chăm chỉ chăng?”, Anh Thư nói.

Cuốn Tự làm mỹ phẩm do Yesin Books phát hành tại Hàn Quốc năm 2017 có một chút thay đổi so với bản tiếng Việt và tiếng Thái. Nguyên do là bởi trong quá trình đàm phán, ông Lee nói ở Hàn Quốc rất quan tâm đến da nhạy cảm, vậy nên Anh Thư đã lấy một phần dành cho da nhạy cảm trong cuốn Dưỡng da trọn gói để đưa vào cuốn này.

van.jpg
Dịch giả Thùy Vân - người hỗ trợ Anh Thư đưa cuốn Tự làm mỹ phẩm lên Amazon 

Tìm đường lên Amazon

Cũng trong thời gian tìm đường cho Tự làm mỹ phẩm “vượt biên” sang Thái Lan, Anh Thư đồng thời mày mò tìm cách để đưa sách lên kệ của Amazon - điều mà rất hiếm cuốn sách Việt Nam từng làm. Người cùng hỗ trợ Anh Thư trong việc này là dịch giả Thùy Vân.

Thùy Vân cho biết, khi được Anh Thư giao nhiệm vụ dịch sang tiếng Anh và đưa Tự làm mỹ phẩm lên Amazon, cô phải mày mò rất nhiều. Cô đi hỏi nhiều người, tìm xem ở Việt Nam đã có ai đưa sách lên Amazon không, hay người nước ngoài có kinh nghiệm làm việc này, nhưng mãi vẫn không tìm được ai. Cuối cùng, sau một thời gian mò mẫm, Anh Thư và Thùy Vân đã thành công và họ rút ra “quy tắc” để đưa sách lên Amazon: 1. Kê khai các thủ tục đăng ký tài khoản, thanh toán và thuế trên trang xuất bản ebook (sách điện tử) của Amazon là Kindle Direct Publishing; 2. Dịch sách sang tiếng Anh; 3. Đăng sách ở dạng ebook.

me-thu-do.jpg
 Mẹ của Đỗ Anh Thư xúc động chia sẻ trong buổi trò chuyện "Tự xuất khẩu sách" vừa được tổ chức tại Hà Nội. Bà không thể ngờ có ngày những thứ gọi là "đồ chơi" của con gái lại được đón nhận đến vậy

 “Việc tạo ebook rất khác so với bản sách giấy vì với sách giấy, bạn chỉ cần tập trung vào tính thẩm mỹ, nhưng với sách điện tử thì bạn phải quan tâm đến vấn đề lập trình, tạo mã code cho từng dòng chữ, từng bức ảnh. Sau khi tự làm không thành, chúng tôi đã thuê một công ty lập trình cho Amazon giới thiệu với mức phí là 125 USD”, Thùy Vân nói. Cô cũng cho biết thêm, sau khi tạo mã code xong, thì việc đưa sách lên Amazon chỉ mất khoảng 2 ngày.

Việc tự mình xuất khẩu sách ra thế giới bằng cả sách giấy lẫn ebook của những cô gái “mộng mơ dại khờ” như Anh Thư, Thu Giang, Bảo Ngọc, Thùy Vân... dù chưa mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế nhưng rất đáng được ghi nhận trong việc tự tìm đường đi ra thế giới của xuất bản Việt. Theo ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc Công ty Nhã Nam, đây là việc làm đáng khích lệ trong bối cảnh xuất bản của Việt Nam hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm