pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hành trình U40 mang bầu nhiều kỷ niệm đáng nhớ
Chị Hương (38 tuổi) kết hôn cùng người đàn ông mang hai dòng máu Việt – Mỹ là anh Michael (52 tuổi) đang là giám sát một khâu sản xuất thực phẩm ở Mỹ. Định cư ở nước ngoài, cuộc sống của chị có không ít những kỷ niệm và câu chuyện đáng nhớ. Trong đó không thể không kể đến hành trình thai kỳ nhiều ấn tượng và thời khắc “lâm bồn” với đủ thứ âm thanh phát ra từ chính mẹ bỉm sữa U40.
Chị Hương kết hôn cùng người đàn ông mang hai dòng máu Việt – Mỹ là anh Michael. Tổ ấm nhỏ của anh chị giờ đây đã có đủ nếp đủ tẻ.
Biết vợ có thai chồng không nói nên lời
Sinh ra và lớn lên chốn Sài thành hoa lệ, chị Hương đã phải lòng với anh Michael trong một lần dạo chơi trên mạng xã hội. Ban đầu, chị chỉ nghĩ hai người quen nhau như những người bạn bình thường chứ không hề nghĩ đến chuyện tương lai. Tuy nhiên, trò chuyện qua lại một thời gian cả hai phải lòng nhau lúc nào không hay.
Sau 5 năm tìm hiểu, hai anh chị tiến tới kết hôn và tổ chức đám cưới năm 2016, tuy nhiên, mãi một năm sau chị mới chính thức theo chồng qua Mỹ định cư. Không lâu sau đó, vợ chồng chị hạnh phúc đón nhận tin vui chuẩn bị chào đón thành viên mới.
Chị tâm sự, thời điểm trước khi có thai, chị thấy cơ thể mệt mỏi và uể oải hơn bình thường, sau đó chị được anh xã kêu thử que, kết quả 2 vạch nổi lên càng lúc càng rõ. Chị mừng rỡ reo lên, chạy thật nhanh vào đánh thức chồng dậy, hai người ôm nhau trong sung sướng. “Khoảnh khắc đó anh vui sướng không nói nên lời, ôm mình thật chặt và xoa vào bụng vợ ra vẻ rất hạnh phúc” – chị nói.
Thời gian mang thai, sức khoẻ của chị Hương khá yếu và nghén gần như hết thai kỳ.
Đã vài năm trôi qua kể từ ngày sinh bé đầu lòng, nhưng chị Hương vẫn nhớ y nguyên cảm xúc của những ngày đầu ốm nghén tới khi nằm ổ. Kể lại hành trình đó, bà mẹ 8X chia sẻ, ba tháng đầu chị ốm nghén khá nặng, lại chưa kịp thích ứng với đồ ăn ở trời Âu nên chị ăn uống rất hạn chế. Ngày nào đi làm chị cũng nôn lên nôn xuống đến rộc người. Tình trạng ốm nghén kéo dài như vậy đến tháng thứ 7 của thai kỳ, sau thời điểm đó chị mới gần như “hoàn hồn”.
Hơn hai tam cá nguyệt không thể nạp năng lượng và dưỡng chất chị Hương đứng ngồi không yên do sợ em bé sẽ bị suy dinh dưỡng. Lần nào đi khám chị cũng bị bác sĩ la mắng và yêu cầu về nhà ăn uống đầy đủ để em bé đảm bảo các chỉ số phát triển. Vì mang bầu ở độ tuổi được cảnh báo có nhiều nguy cơ nên suốt thai kỳ chị được bác sĩ theo dõi sát sao.
Mặc dù mang bầu vất vả nhưng chị cảm thấy may mắn vì được ông xã yêu thương chiều chuộng. Mẹ 8X kể: “Suốt thời gian mang thai chồng mình rất lo lắng cho hai mẹ con, anh cứ liên tục ép với hối thúc vợ ăn cái này cái kia để cả mẹ và bé khỏe. Có lần vì bận quá không có thời gian ăn nên về nhà mình bị chồng la mắng inh ỏi, rồi anh kêu vợ nghỉ làm ở nhà dưỡng thai. Thương vợ nên anh tự tay nấu những món vợ thích, nghỉ làm đưa vợ đi khám bác sĩ, suốt 9 tháng thai kỳ anh lo cho mình hết ”.
Mang thai và sinh con vất vả nhưng bù lại chị có người chồng hết mực yêu thương vợ con.
Phát sốt trên bàn đẻ, sinh xong chồng tự tay cắt rốn cho con
Theo lời chị Hương, ở Mỹ rất sướng, dù có tiền hay không có tiền khi vào bệnh viện đều được các bác sĩ y tá tận tâm chăm sóc mà không phải lo lắng về mặt tiền bạc.
Chị Hương sinh sớm hơn so với dự kiến 5 ngày do bác sĩ tư vấn em bé ra ngoài sớm một chút sẽ dễ nuôi dưỡng hơn so với khi ở trong bụng mẹ. Nhắc nhớ lại ngày đi sinh của mình, chị cho biết, đó là một ngày trời mưa tầm tã, chị cùng ông xã lên xe vào bệnh viện từ 5 giờ sáng với hy vọng ca đẻ sẽ diễn ra sớm và thuận lợi.
Tuy nhiên, chị có mặt ở bệnh viện từ 6 giờ sáng hôm trước đến mãi 7 giờ sáng hôm sau mới "vượt cạn" thành công. Với chị, một ngày chờ sinh tuy ngắn nhưng có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Hai lần sinh nở là 2 hành trình đáng nhớ trong cuộc đời chị.
Chị kể: “Khi vào viện, mình đã thấy xuất hiện cơn đau lâm râm nhưng không rõ ràng. Càng về chiều tối, cơn đau mỗi lúc một nhiều hơn. Mình đói bụng nhưng chỉ được ăn một chút bánh ngọt. Vừa đói vừa đau bụng mình chịu không nổi, lúc đầu chỉ kêu nhè nhẹ, về sau chỉ muốn gào toáng lên, ông xã ở bên thì động viên liên hồi. Bác sĩ hỏi có muốn tiêm thuốc gây tê không, ban đầu mình còn cố chịu đựng nhưng đến khi cổ tử cung mở 4cm đau đến chết đi sống lại mình mới kêu bác sĩ tiêm gấp.
Vậy nhưng nhiều giờ sau đó, những cơn đau đến dồn dập hơn rất nhiều. Khi đó mình không biết làm thế nào, tay thì bấu chặt vào chồng, chồng đau mà không dám kêu cứ thế đứng chịu đựng. Qua cơn gò nhìn cánh tay chồng hằn lên từng vết cào đỏ ửng chảy máu, thấy thương anh thật sự. Rồi dần dần thuốc ngấm, chân tay mình tê dại đi, không còn kiểm soát được. Có thể do chờ sinh lâu lại đau quá nên mình phát sốt luôn trong lúc sinh.
Sau một hồi rặn đẻ, rất may mắn em bé nặng 2,7kg đã chào đời an toàn, khỏe mạnh. Sau ca sinh, ông xã chính là người tự tay cắt dây rốn cho bé. Trong giây phút xúc động đó, chồng mình còn khóc như mưa vì hạnh phúc”.
Vậy là sau 1 ngày chờ sinh với vô vàn cơn đau đẻ khủng khiếp, chị Hương đã chào đón con đầu lòng được mẹ tròn con vuông. Từ hành trình mang thai và sinh con của mình, chị Hương nhắn nhủ với các mẹ bầu khác: Các mẹ muốn có con phải chuẩn bị tâm lý từ trước và phải giữ sức khỏe của mình thật tốt khi mang thai. Nếu không ăn uống được cũng phải cố gắng để đem lại những gì tốt nhất cho con. Thường xuyên theo dõi các hoạt động của con trong bụng, trò chuyện và thai giáo cho bé từ sớm để em bé được phát triển một cách toàn diện nhất.
Với chị, mang bầu, sinh con là những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ và rất đỗi thiêng liêng.