Nhớ lại 1 năm trước, tháng 8/2018, Vân Anh đang chuẩn bị bước vào năm cuối cùng của trường Đại học Ngoại thương thì căn bệnh đến với cô. Đang trong kỳ nghỉ, Vân Anh bị sốt liên tục nên gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh để điều trị. 5 ngày sau cô được chuyển lên Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Tại đây, Vân Anh đã lờ mờ hiểu được bệnh của mình có thể nghiêm trọng.
Tại phòng điều trị của cô, xung quanh Vân Anh lúc này là những bệnh nhân đầu trọc lốc, ai cũng xanh xao, nhợt nhạt. Vân Anh hỏi khẽ bác bên cạnh thì được biết đây là khoa bạch cầu. Chưa hiểu rõ bạch cầu là gì thì một người đàn ông trẻ nói “bác cứ nói bệnh máu trắng cho em nó dễ hiểu".
Máu trắng - căn bệnh mà Vân Anh vẫn được nghe nhưng nó không ở ngoài đời mà là trong phim Hàn Quốc. Vân Anh nghĩ nó ở đâu rất xa xôi chứ không phải bi kịch của cuộc đời mình.
Bố cô được bác sĩ gọi vào phòng nói chuyện. Thấy bố đi ra ngoài, mắt đỏ hoe, rảo bước nhanh như muốn né tránh con gái, Vân Anh hiểu được bệnh tình của mình. Rồi mẹ ra nói chuyện với bố. Mẹ bước vào nhìn cô và nói “con bị bạch cầu cấp, con gái yên tâm, chúng ta sẽ cùng chiến đấu bệnh”.
Vân Anh im lặng như cố nuốt nước mắt vào trong cổ họng, nghẹn ngào không nói được gì. Cô ra ngoài hành lang gọi điện cho chị gái rồi bật khóc. Căn bệnh ung thư đã gõ cửa tới mình và cô chẳng biết mình sẽ ra sao. Cô còn phải tốt nghiệp đại học, còn phải tìm cho mình một chàng trai nữa cơ mà?
Chìm đắm trong nước mắt chỉ 10 phút, Vân Anh nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Cô nghĩ rằng, mình cần chiến đấu với ung thư, chiến đấu với căn bệnh quái ác này. Nhìn những bệnh nhân đang nằm cùng phòng, Vân Anh hiểu, ai cũng đang chiến đấu với “thần chết”.
Trong phòng của Vân Anh có 16 người, ai cũng đeo khẩu trang trắng xoá. Bóng đêm lờ mờ, người nằm ngủ, người cười, người khóc thút thít. Bệnh nhân nằm la liệt, cảm giác như một “nghĩa địa dành cho người sống”.
Nằm cạnh cô là một chị bệnh nhân ung thư máu, chị rất yếu. Chị tâm sự không muốn chết vì chị còn có hai đứa con và gia đình hạnh phúc. Giọng chị thều thào, câu được câu chăng, có lúc còn không thể trả lời được bác sĩ hỏi. Đó là lần đầu tiên Vân Anh chứng kiến giây phút cận tử.
Những ngày sau đó, Vân Anh chứng kiến cái chết của nhiều bệnh nhân trong bệnh viện. Những người đang bình thường bỗng rét run, co giật, cả 5 - 7 tấm chăn vẫn không làm họ ấm và rồi cả các y tá đẩy xe đưa họ đi giữa đêm và… không bao giờ họ quay lại phòng bệnh nữa. Chứng kiến giây phút cận tử thật kinh hoàng và cô cũng đã nghĩ về hình ảnh của mình lúc đó. Một cảm giác sợ hãi vô cùng!
Từng chuẩn bị cho sự ra đi…
Bước sang thời kỳ truyền hóa chất, Vân Anh nghe nhiều người nói về tác dụng phụ kinh khủng của hóa chất và đến lượt mình, cô cảm giác như mình đang băng qua địa ngục trần gian.
Toàn thân đau nhức, ho khạc ra máu, đau họng, đau dạ dày, cô chỉ còn biết vật lộn trên giường đến mức không còn sức để kêu. Có lúc bị chướng bụng do đau dạ dày, cô mệt lả, bác sĩ nhấn bụng hỏi nhưng cô không thể trả lời. Vân Anh lờ mờ thấy bố mẹ mắt đỏ hoe và nghĩ rằng mình sẽ chết, mình đã cảm nhận được khoảnh khắc biệt ly. Cô cố gắng nhìn bố mẹ lờ mờ như lời chào cuối, trong thâm tâm, cô gái trẻ không muốn rời xa gia đình thân yêu của mình.
Có lúc cố lết trong nhà vệ sinh vì táo bón phải nhờ mẹ trợ giúp, Vân Anh vừa ăn, vừa nôn, vừa khóc. Đau đầu, đau xương, đau răng, buốt tuỷ sống… cầm viên thuốc giảm đau, tay run run, Vân Anh đã mong ông trời giải thoát cho mình.
Vân Anh thừa nhận đã có lúc cô chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Cô nhắn cho chị mật khẩu zalo, ngân hàng, tài khoản facebook của mình dù biết là chị đau lòng. Đến giờ nghĩ lại, cô cười “khoảnh khắc đã đi qua”.
Cô đã luôn tự nhắc bản thân phải tiếp thêm nghị lực sống cho mình, cho tương lai phía trước và không được phép từ bỏ những người thân yêu, luôn thấu hiểu mình. Nghĩ được như vậy, Vân Anh lại tự trấn an tinh thần mình “chiến đấu với ung thư thôi”.
Cuộc đời đã mỉm cười với cô gái trẻ. Sau gần 1 năm, Vân Anh nhận được kết quả điều trị tốt. Vận tử cô gái trẻ đã vượt qua. Nếu trước đây, cô coi thành công trong cuộc sống là phải kiếm thật nhiệt tiền thì giờ đây cô đã có cái nhìn khác về cuộc sống của mình.