pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hành vi tài xế hành hung người đi đường trước cổng Bệnh viện Từ Dũ có tính chất côn đồ
Tài xế hành hung người đi đường trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM. Ảnh cắt từ clip
"Hành vi của Quách Minh Nhựt trong vụ việc đánh người giữa đường trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn thể hiện sự thiếu kiểm soát cảm xúc, coi thường pháp luật và sức khỏe người khác. Nhựt đã lao vào đánh liên tiếp vào đầu, mặt và vùng cổ ông T.T. chỉ vì một câu nhắc nhở, hành động này diễn ra giữa nơi công cộng, trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả gia đình của Nhựt. Điều này không chỉ gây tổn thương cho nạn nhân mà còn khiến dư luận bức xúc, đặt ra vấn đề lớn về văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông", luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Dân Luật, Đoàn Luật sư TPHCM, đưa ý kiến khi trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam.
Theo luật sư Thanh, về mặt pháp lý, hành vi của Nhựt có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tội danh này được áp dụng khi một người có hành vi xâm phạm sức khỏe người khác bằng lỗi cố ý, đặc biệt khi có tình tiết tăng nặng (côn đồ) nếu không phải là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt. Trong vụ việc này, tính chất "côn đồ" rất rõ ràng. Nhựt tấn công nạn nhân một cách thô bạo, không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và thể hiện thái độ xem thường pháp luật.
Tuy nhiên, việc xác định áp dụng khung hình phạt nào phụ thuộc vào Cơ quan tiến hành tố tụng và dựa trên tỷ lệ thương tật của nạn nhân theo kết quả giám định pháp y. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc có tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng hành vi có tính chất côn đồ, khung hình phạt sẽ từ 6 tháng đến 3 năm tù. Nếu thương tật từ 31% đến 60%, mức phạt sẽ tăng lên từ 2 đến 6 năm tù. Thành khẩn khai báo có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ nhưng điều này không làm thay đổi bản chất của hành vi phạm tội. Việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với Nhựt chắc chắn sẽ mang tính răn đe và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Song song đó, theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh, về trách nhiệm dân sự, ông T. hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại bao gồm: chi phí khám chữa bệnh, chi phí phục hồi sức khỏe, thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong quá trình điều trị và cả tổn thất tinh thần do bị xâm phạm sức khỏe. Ngoài ra, với việc bị đánh giữa nơi công cộng và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, danh dự và nhân phẩm của ông T. cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, ông T. có thể yêu cầu Quách Minh Nhựt bồi thường tổn thất tinh thần, đồng thời buộc Nhựt phải xin lỗi công khai để khôi phục danh dự cho ông T.
Luật sư Thanh còn đưa thêm ý kiến, liên tiếp các vụ việc tài xế hành hung người đi đường gần đây, từ người đàn ông đánh phụ nữ khi có va chạm xe trên đường tại quận 4, cho tới nam tài xế đi xe bán tải hành hung tài xế xe tải tại Bình Phước, và tài xế hành hung người đi đường trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, là minh chứng rõ nét cho hậu quả của việc thiếu kiềm chế cảm xúc khi tham gia giao thông.
"Việc dừng xe sai làn, bị nhắc nhở là chuyện rất bình thường nhưng thay vì nhận lỗi hoặc bỏ qua, tài xế Nhựt lại chọn cách hành xử bằng bạo lực, để rồi từ một mâu thuẫn nhỏ biến thành một vụ án hình sự. Tài xế xe bán tải hành hung tài xế xe tải tại Bình Phước cũng vậy, chỉ vì cho rằng xe tải đi ép mình mà dừng xe đánh người luôn. Đáng nói hơn, cả 2 sự việc này đều có chung chi tiết bạo lực đã diễn ra ngay trước mặt người thân, trong đó có phụ nữ và trẻ em, để lại hình ảnh không đẹp không chỉ cho bản thân tài xế, cho chính gia đình tài xế, làm tổn thương nghiêm trọng tới người thân của nạn nhân. Một chút nóng giận có thể khiến con người mất kiểm soát nhưng hệ quả của nó có thể rất lớn", luật sư Đỗ Ngọc Thanh nói.
Cũng theo luật sư Thanh, văn hóa giao thông không chỉ thể hiện ở việc tuân thủ luật lệ mà còn ở cách con người cư xử với nhau trên đường. Kiềm chế, nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau chính là những yếu tố cốt lõi để xây dựng một xã hội văn minh. Việc các tài xế đối mặt với việc chịu trách nhiệm hình sự là cái giá phải trả cho sự thiếu kiểm soát bản thân và hành vi coi thường pháp luật. Nếu lúc đó, chỉ cần người trong cuộc dừng lại một chút, lắng nghe và điều chỉnh hành động của mình, mọi việc đã có thể khác. Không ai muốn cuộc sống của mình bị xáo trộn chỉ vì một phút bốc đồng nhưng khi sự việc đã xảy ra, pháp luật sẽ không bao giờ bỏ qua.
"Đối với những vụ việc như thế này, mỗi cá nhân tham gia giao thông cần tự ý thức được rằng, hành vi bạo lực không bao giờ là giải pháp và cũng không thể biện minh trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Những xung đột trên đường phố hoàn toàn có thể giải quyết bằng sự bình tĩnh, lời xin lỗi hoặc nhường nhịn nhau một chút. Pháp luật có tính răn đe nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta phải học cách tôn trọng lẫn nhau để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra", luật sư Đỗ Ngọc Thanh đưa ý kiến.